Chính trị

Từ tháng 7-2024, sách giáo khoa do Nhà nước quy định giá

13:55, 07/12/2023 (GMT+7)

ĐNO - Sáng 7-12, tiếp thu, giải trình tại hội nghị tiếp xúc cử tri các quận Thanh Khê, Hải Châu, Sơn Trà, Cẩm Lệ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy thông tin, từ tháng 7-2024, sách giáo khoa sẽ do Nhà nước định giá, không phải theo giá thị trường.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy; Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Duy Minh; Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an) Trần Đình Chung tiếp xúc với cử tri quận Thanh Khê, Hải Châu, Sơn Trà, Cẩm Lệ. Ảnh: TRỌNG HUY
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (giữa); Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Duy Minh (bên trái); Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an) Trần Đình Chung tiếp xúc với cử tri các quận Thanh Khê, Hải Châu, Sơn Trà, Cẩm Lệ. Ảnh: TRỌNG HUY

Theo cử tri Trần Minh Nhật, phường Xuân Hà (quận Thanh Khê), việc biên soạn và in sách giáo khoa (SGK) đã được thực hiện theo phương thức xã hội hóa song giá vẫn cao. Việc biên soạn theo phương án làm bài tập ngay trong SGK làm cho sách không được tái sử dụng gây lãng phí tiền của Nhà nước và nhân dân, đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý giá đối với SGK hiện nay.

Cử tri Võ Anh Tuấn, phường Thanh Khê Đông (Quận Thanh Khê) bày tỏ, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, từ năm 2014-2018, giá trị lãng phí SGK tạm tính là 2.400 tỷ đồng. Việc mua SGK thực sự là một gánh nặng cho phụ huynh.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy tiếp thu, giải trình tại hội nghị. Ảnh: TRỌNG HUY
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy tiếp thu, giải trình tại hội nghị. Ảnh: TRỌNG HUY

Việc sử dụng nhiều bộ SGK khác nhau, nhiều SGK tần suất sử dụng rất ít và không được tái sử dụng đang là một gánh nặng cho phụ huynh học sinh, một sự lãng phí rất lớn cho xã hội. Nhà nước xem xét mua, trang bị SGK cho học sinh. Các thư viện trường học quản lý SGK, tổ chức cho học sinh mượn vào đầu năm học và thu hồi vào cuối năm.

Đây là một giải pháp tiết kiệm vô cùng lớn cho toàn xã hội, đất nước, đem lại sự yên tâm cho phụ huynh học sinh, thể hiện bản chất ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa và chắc chắn sẽ được toàn xã hội nhiệt liệt đồng tình và hoan nghênh.

Tiếp thu, giải trình vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy chia sẻ với cử tri, đồng thời đồng tình với một số quan điểm, kiến nghị mà cử tri nêu lên.

Đại biểu Trần Đình Chung phát biểu giải trình tại hội nghị. Ảnh: TRỌNG HUY
Đại biểu Trần Đình Chung phát biểu giải trình tại hội nghị. Ảnh: TRỌNG HUY

Thời gian qua, công tác quản lý giá, xuất bản, lưu hành SGK được Nhà nước triển khai với nhiều giải pháp tích cực. Song phải thừa nhận, việc triển khai thực hiện các Luật theo quy định vẫn là khâu yếu. Cụ thể là công tác quản lý về giá, từ khâu kê khai, niêm yết giá đều có nhiều vấn đề.

Do đó, Luật Giá năm 2023 được Quốc hội thông qua ngày 19-6-2023 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2024, trong đó quy định sách giáo khoa các cấp do Nhà nước định giá. Thẩm quyền định giá sách giáo khoa thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo với hình thức định giá là định giá tối đa.

Hiện nay, Nhà nước đã đầu tư tiền để mua SGK cho các thư viện trong trường học nhằm hỗ trợ học sinh mượn SGK, đồng thời ban hành nghị định hỗ trợ theo năm học cho các đối tượng học sinh nghèo, khó khăn, đặc thù… để mua SGK.

Liên quan đến việc tổ chức dạy thêm của giáo viên hiện nay được nhiều cử tri quan tâm, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng, nhu cầu dạy thêm, học thêm là chính đáng. Đối với một số trường hợp giáo viên “đì” học sinh để gây áp lực học thêm chỉ là bộ phận rất ít, “con sâu làm rầu nồi canh”.

Tại hội nghị, nhiều cử tri quan tâm, kiến nghị chế độ chính sách hỗ trợ cho hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân hằng năm để có nguồn tổ chức họp triển khai nhiệm vụ, và chế độ hỗ trợ người làm trưởng ban Thanh tra nhân dân như Tổ trưởng dân phố.

Đại biểu Nguyễn Duy Minh tiếp thu tại hội nghị. Ảnh: TRỌNG HUY
Đại biểu Nguyễn Duy Minh tiếp thu tại hội nghị. Ảnh: TRỌNG HUY

Vấn đề sáp nhập các đơn vị hành chính cấp phường, xã, quận, huyện theo Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH của Quốc hội; tình trạng mất an toàn, lộ lọt thông tin cá nhân công dân; đạo đức giáo dục học đường xuống cấp; tình trạng đùn đẩy, né tránh của cán bộ, công chức, viên chức...

Liên quan đến vấn đề lộ, lọt thông tin cá nhân công dân, Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an) Trần Đình Chung cho biết, các cơ quan chức năng đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để hạn chế, xử lý các trường hợp vi phạm.

Tuy nhiên, trên tinh thần bảo vệ mình trước hết, người dân cần chủ động phòng, tránh để lộ, lọt thông tin cá nhân với việc không cung cấp bất kỳ thông tin nào cho các tổ chức, cá nhân không liên quan, không tin tưởng.

Cử tri Trần Minh Nhật, phường Xuân Hà (quận Thanh Khê) kiến nghị tại buổi tiếp xúc. Ảnh: TRỌNG HUY
Cử tri Trần Minh Nhật, phường Xuân Hà (quận Thanh Khê) kiến nghị tại buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: TRỌNG HUY

Tiếp thu, giải trình tại hội nghị, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Duy Minh ghi nhận, đánh giá cao các kiến nghị của cử tri là đúng, sát thực.

Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố ghi nhận, tiếp thu, tổng hợp và rà soát đối với từng nội dung cụ thể để gửi đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, giải quyết, trả lời các kiến nghị của cử tri.

TRỌNG HUY

.