Chính trị
Những kết quả nổi bật trong công tác xây dựng Đảng
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, trong bối cảnh khó khăn, thách thức song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã đoàn kết, sáng tạo, bản lĩnh, bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy tập trung lãnh đạo, cụ thể hóa thành những chủ trương, nghị quyết bảo đảm khả thi, phù hợp với tình hình thực tiễn; tích cực tham mưu Trung ương ban hành các cơ chế, chính sách tạo động lực tăng trưởng mới cho thành phố.
Trao quyết định bổ nhiệm chức danh Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu và Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng. Ảnh: NGỌC PHÚ |
Nhờ đó, việc triển khai thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp trên địa bàn thành phố đạt được những kết quả quan trọng và chuyển biến tích cực trên một số lĩnh vực, đặc biệt là công tác xây dựng Đảng.
Chú trọng công tác chính trị, tư tưởng
Công tác xây dựng Đảng về chính trị được chú trọng và tiếp tục tăng cường. Thành ủy chỉ đạo tổ chức nghiêm túc, đầy đủ, toàn diện việc quán triệt, triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố; kịp thời rà soát nhằm cập nhật, bổ sung các văn bản phù hợp với các chủ trương, văn bản mới của Trung ương và tình hình thực tiễn thành phố. Theo đó, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành gần 370 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các nội dung trên lĩnh vực xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.
Đảng bộ thành phố thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức, hình thức nghiên cứu, học tập nghị quyết đa dạng, phù hợp với đặc điểm tình hình của thành phố, địa phương và cơ sở. Việc tổ chức các hội nghị học tập, quán triệt theo hình thức trực tiếp và trực tuyến đến tận phường, xã và mở rộng thành phần tham dự, được cán bộ, đảng viên đồng tình hưởng ứng. Các đợt sinh hoạt chính trị về xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW, Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) và nội dung các tác phẩm của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức nghiêm túc, tạo chuyển biến sâu sắc, rộng rãi trong nhận thức và hành động về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong bối cảnh hiện nay.
Công tác xây dựng Đảng về đạo đức được cấp ủy các cấp chú trọng triển khai thực hiện nghiêm túc. Nhiều cấp ủy, tổ chức đảng đề ra các biện pháp tích cực, quyết liệt để thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ giữa “xây” và “chống”; nguyên tắc tự phê bình và phê bình được thực hiện thường xuyên trong sinh hoạt Đảng, góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng và kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của các địa phương, đơn vị. Ban Thường vụ Thành ủy triển khai kịp thời, đầy đủ các nghị quyết, quy định, kết luận của Trung ương liên quan đến công tác tổ chức bộ máy gắn với cụ thể hóa phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế của địa phương và thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Nhờ đó, nhận thức và ý thức của cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu trong việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả được nâng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Công tác cán bộ được đặt lên hàng đầu
Ban Thường vụ Thành ủy ban hành nhiều văn bản như: Đề án số 02-ĐA/TU về “Tạo nguồn và phát triển cán bộ nữ giữ các chức danh diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý đến năm 2025 và những năm tiếp theo”, Đề án số 03-ĐA/TU về “Một số giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ và chất lượng đội ngũ đảng viên; xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố đến năm 2030 và những năm tiếp theo”. Mục tiêu là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đủ về số lượng, có chất lượng và cơ cấu phù hợp với việc phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; bảo đảm sự kế thừa, chuyển tiếp giữa các thế hệ lãnh đạo các cấp.
Đặc biệt, công tác đánh giá cán bộ được thực hiện đồng bộ, liên thông và gắn kết với các khâu trong công tác cán bộ. Phương pháp đánh giá cán bộ có nhiều đổi mới theo hướng rõ việc, rõ người, lượng hóa các tiêu chí đánh giá; lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ của cá nhân và chất lượng, hiệu quả hoạt động của cấp ủy, cơ quan, đơn vị làm thước đo chủ yếu để đánh giá. Công tác quy hoạch cán bộ được thực hiện chặt chẽ, đúng quy trình, thẩm quyền và đúng quy định của Trung ương, phát hiện sớm nguồn cán bộ để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Công tác rà soát, bổ sung quy hoạch bảo đảm liên thông, công khai theo nguyên tắc “động” và “mở”. Theo đánh giá của Ban Thường vụ Thành ủy, kết quả quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý chủ chốt thành phố nhiệm kỳ 2025-2030 đạt yêu cầu đề ra về số lượng và tỷ lệ cán bộ nữ.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong những năm qua được gắn với bố trí, sử dụng cán bộ, nhất là đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh trước khi bổ nhiệm. Do đó, hầu hết cán bộ trong quy hoạch đều được cử tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, bảo đảm tiêu chuẩn chức danh theo quy định của vị trí được quy hoạch. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, số lượt chiêu sinh, cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng trong nước và nước ngoài là 36.387 lượt. Công tác tổ chức thi tuyển một số chức danh lãnh đạo, quản lý tiếp tục là chủ trương được Ban Thường vụ Thành ủy chú trọng chỉ đạo triển khai thực hiện và được thể hiện rõ nét trong các nhóm giải pháp thực hiện Đề án “Một số giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố đến năm 2030 và những năm tiếp theo”.
NGỌC PHÚ