Chính trị
Văn hóa liêm chính là "kháng sinh" đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực
Trao đổi với Báo Đà Nẵng về giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả, có tính bền vững lâu dài, PGS.TS Hồ Tấn Sáng khẳng định: xử lý nghiêm khắc các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” cần phải đồng bộ với xây dựng văn hóa liêm chính trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đồng thời cho rằng làm sao để văn hóa liêm chính trở thành “liều thuốc kháng sinh” đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực là vấn đề cần làm.
PGS.TS Hồ Tấn Sáng. |
* Việc xây dựng văn hóa liêm chính trong đội ngũ cán bộ, đảng viên có ý nghĩa như thế nào đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thưa ông?
- Văn hóa liêm chính là một bộ phận của văn hóa công vụ, là đặc trưng quan trọng của văn hóa chính trị. Văn hóa liêm chính được xây dựng dựa trên các nguyên tắc đạo đức, truyền thống văn hóa và quan điểm, định hướng chính trị của quốc gia, giúp mỗi người hoạt động trong hệ thống chính trị nhận thức rõ bổn phận, trách nhiệm, góp phần nâng cao chất lượng thực thi công vụ.
Từ những ngày đầu tiên xây dựng chính quyền nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố trước Quốc hội, quốc dân và trước thế giới tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I: “Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ liêm khiết” và “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì. Mỗi người phải nhận rằng, tham lam là một điều rất xấu hổ, kẻ tham lam là có tội với nước, với dân”. Theo quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “liêm chính” trong cụm từ “cần kiệm, liêm chính” là giá trị nền tảng của đạo đức công vụ. Liêm “là trong sạch, không tham lam, luôn luôn tôn trọng giữ gìn của công và của dân, không xâm phạm một đồng xu, hạt thóc của Nhà nước, của nhân dân, không tham địa vị, không tham tiền tài….”. Chính nghĩa là “không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn”. “Liêm chính” là giá trị đạo đức cơ bản, là nguyên tắc, thước đo, chuẩn mực đối với người cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong công tác cũng như trong cuộc sống thường ngày.
Kế thừa và phát triển luận điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “liêm chính”, trong tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Thanh sạch, liêm khiết ấy chính là liêm vậy. Người liêm khiết thì bất luận gặp hoàn cảnh nào cũng không động lòng tham, cũng chẳng muốn ham hố vật chất. Hơn nữa, chính là tinh thần chí công vô tư, “dĩ công vi thượng” và biết quên mình mà làm chuyện ích lợi chung. Người liêm khiết thì luôn giữ cho nhân cách mình được vẹn toàn, thanh danh mình được thơm tho, không lợi dụng địa vị mình để chiếm công vi tư, để nhũng nhiễu, bóc lột đồng loại...”.
Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh yêu cầu đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải “rèn luyện đức tính liêm khiết, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí, tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo đột phá trong cải cách hành chính”. Công việc xây dựng Đảng bắt đầu từ xây dựng đội ngũ cán bộ. Xây dựng đội ngũ cán bộ phải bắt đầu từ xây dựng nền tảng “đạo đức nghề nghiệp”. Xây dựng nền tảng “đạo đức nghề nghiệp” phải đi từ sự liêm chính. Mỗi cán bộ liêm chính sẽ góp phần tạo nên đội ngũ liêm chính, hệ thống liêm chính.
Việc xây dựng văn hóa liêm chính là hết sức cần thiết và càng cần hơn khi thời gian qua, ngày càng có nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật, bị mất chức, thậm chí vướng vào lao lý, trong đó có cả những cán bộ cấp cao, giữ những cương vị quan trọng.
* Như vậy, xây dựng văn hóa liêm chính cũng có ý nghĩa lấy cái đẹp dẹp cái xấu trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực?
- Thời gian qua, công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực diễn ra quyết liệt, mạnh mẽ trên tất cả các mặt trận, đạt được nhiều kết quả và nhận được sự quan tâm rất lớn của toàn xã hội. Chính bởi vậy, đôi khi chúng ta quá tập trung vào vấn đề tham nhũng, tiêu cực mà phần nào đó ít quan tâm đến những điều tích cực đang tồn tại. Ở đâu cũng có những cán bộ, đảng viên tận tụy, vì nước, vì dân, sẵn sàng nhường cơm sẻ áo, hy sinh quyền lợi vật chất, thậm chí cả tính mạng của mình vì đồng đội, đồng bào. Đặc biệt, trong những lúc khó khăn, hoạn nạn. Điển hình như những cán bộ, chiến sĩ không tiếc thân mình hy sinh khi làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trong lũ lụt ở miền Trung những năm qua, hay sự việc 3 cán bộ, chiến sĩ phòng cháy, chữa cháy hy sinh khi quên mình làm nhiệm vụ giúp dân ở Hà Nội khiến cả nước thương xót…
Phải khẳng định trong đội ngũ cán bộ, đảng viên cũng như trong xã hội hiện nay vẫn còn rất nhiều những tấm gương sáng, những điển hình tiêu biểu về sự liêm chính, ngay thẳng. Đó là những nét đẹp trong văn hóa công vụ cần được lan tỏa, nhân rộng trở thành nếp nghĩ, thói quen hành động hoạt động công vụ để “dẹp cái xấu”, để xây dựng văn hóa liêm chính trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Nét đẹp trong văn hóa công vụ cần được lan tỏa, trở thành nếp nghĩ, thói quen trong hoạt động công vụ để xây dựng văn hóa liêm chính trong cán bộ, đảng viên. TRONG ẢNH: Bộ đội Biên phòng thành phố di chuyển người dân ra khỏi vùng lũ lụt tại phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, ngày 14-10-2023. Ảnh: BÁ VĨNH |
* Để liêm chính thực sự trở thành văn hóa công vụ, theo ông, cần thực hiện những giải pháp nào?
- Xây dựng được đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự liêm chính là cả một quá trình lâu dài và đòi hỏi phải đồng bộ rất nhiều những giải pháp. Xây dựng văn hóa liêm chính, việc quan trọng nhất phải ở tự nhận thức của bản thân mỗi con người, mỗi cán bộ, đảng viên và vấn đề cốt lõi nằm ở giáo dục. Việc giáo dục này phải có từ trong gia đình và đồng thời kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội.
Giải pháp cấp thiết là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm; kiên trì xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên.
Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị; trong đó chú trọng học tập, thực hiện về “Văn hóa liêm chính, đạo đức nghề nghiệp” của cán bộ, đảng viên nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống; tác phong làm việc khoa học, sáng tạo, nói đi đôi với làm. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XIII) về “Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Các cấp ủy đảng, cơ quan, đơn vị tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng văn hóa liêm chính để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên bằng nhiều hình thức, việc làm cụ thể tại đơn vị như: thực hiện chuyển đổi vị trí công tác, quy hoạch, đào tạo, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của đơn vị; thực hiện kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên thuộc diện kê khai tại đơn vị theo đúng quy định. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thực hiện nghiêm túc quy định về nêu gương của người đứng đầu trong xây dựng văn hóa liêm chính để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại đơn vị; kịp thời động viên, biểu dương, khen thưởng cán bộ, đảng viên, người lao động có thành tích trong thực thi văn hóa liêm chính, tu dưỡng rèn luyện “đạo đức nghề nghiệp”.
Ở thành phố Đà Nẵng, việc triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 34-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, không làm đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong tình hình hiện nay có thể xem là một trong những giải pháp trọng tâm, thường xuyên, lâu dài để tạo môi trường cho việc hình thành vững chắc văn hóa liêm chính.
* Cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!
SƠN TRUNG thực hiện