Chính trị

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng từ cơ sở - Bài 1: Nhiệm vụ hệ trọng, sống còn

07:49, 04/04/2024 (GMT+7)

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng - đồng thời cũng là nền tảng chính trị đất nước - trong bối cảnh tình hình có nhiều biến chuyển mau lẹ, phức tạp khó lường như hiện nay là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng. 

Đảng ủy khối Các cơ quan thành phố tổ chức hội nghị tập huấn công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.Ảnh: P.V
Đảng ủy khối Các cơ quan thành phố tổ chức hội nghị tập huấn công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Ảnh: P.V

Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới khẳng định đây là nội dung “cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân…”. Như vậy, có thể hiểu, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự tham gia của các tầng lớp nhân dân. Nền tảng tư tưởng chính trị của Đảng có thật sự bền vững hay không phụ thuộc không nhỏ vào nhận thức chính trị của người dân ở cơ sở. Tuy nhiên, phải làm những gì và làm cách nào để chi bộ cơ sở có thể lãnh đạo nhân dân góp phần tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng một cách thực chất, có hiệu quả, đó là vấn đề cần quan tâm.

Bảo vệ nền tảng của Đảng từ những thực tiễn, đời sống hằng ngày

Theo tinh thần Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị, khái niệm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng rất rộng, bao gồm nhiều nội dung, được đúc kết sâu sắc trên bình diện lý luận. Từ góc độ nhận thức của những đảng viên và nhân dân ở cơ sở, những kiến thức lý luận về nền tảng tư tưởng của Đảng có thể nói đã xuyên thấm, nhuần nhuyễn và được “chưng cất” thành những mệnh đề rất đơn giản, thiết thực. Đối với quảng đại quần chúng nhân dân ở cơ sở, có thể nói, nền tảng tư tưởng của Đảng được thể hiện cô đúc ở mục tiêu mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra, đó là xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phân tích một cách đơn giản dễ hiểu về mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, xem đây như là “kết quả của quá trình kế thừa, vận dụng lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào tổng kết thực tiễn cách mạng, vào công cuộc đổi mới của Việt Nam”. Đồng thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng bày tỏ: “Phải chăng những mong ước tốt đẹp đó chính là những giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội và cũng chính là mục tiêu, là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi”(1).

Có thể có người suy nghĩ: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là vấn đề lý luận cao rộng, chủ yếu trách nhiệm thuộc về các đồng chí lãnh đạo các cấp và các nhà nghiên cứu lý luận kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Nền tảng tư tưởng của Đảng thực ra cũng xuất phát từ những vấn đề thực tiễn đời sống sinh động hằng ngày, qua những sự kiện lịch sử, những sự việc, hiện tượng xảy ra trên từng địa bàn, từng thôn xóm, buôn sóc, từng khối phố, từng khu dân cư…

Vì vậy, bên cạnh cuộc đấu tranh trên bình diện lý luận, việc đấu tranh để bảo vệ chân lý của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cũng diễn ra hằng ngày trong đời sống cơ sở. Bảo vệ nền tảng tư tưởng ở cơ sở là sự kết hợp giữa việc đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái với nhiệm vụ đặc biệt quan trọng nữa, đó là phổ biến, truyền bá, hình thành niềm tin chính trị trong nhân dân, từ đó tạo đồng thuận xã hội, cổ vũ, động viên quần chúng có hành động tích cực và sáng tạo để thực hiện thắng lợi mục tiêu, lý tưởng của Đảng.

Những biến động phức tạp khó lường của tình hình thế giới và những khó khăn phát sinh trong nước khi nước ta càng đi sâu vào cơ chế thị trường đã tạo nên những thách thức không nhỏ, tác động vào niềm tin của nhân dân ở cơ sở. Thêm vào đó, sự phát triển vũ bão của công nghệ thông tin, nhất là thông tin mạng đã và đang gây hiệu ứng nhanh nhạy đến nhận thức, tình cảm và thái độ của nhân dân, tới tâm trạng và dư luận xã hội. Chỉ với chiếc điện thoại cầm tay, những thông tin đủ loại có thể nhanh chóng vượt qua những giới hạn về không gian, thời gian, biên giới quốc gia, bất kể ngày đêm, chuyển tải những khối lượng thông tin dày đặc, với tốc độ cao, gần như tức thì, tới từng cá nhân, gia đình, ở mọi quốc gia trên thế giới.

Theo thống kê công bố tháng 1-2024 của tổ chức We Are Social, Việt Nam có 78,44 triệu người dùng internet; và một số liệu khác cho thấy người Việt dành trung bình 70 phút mỗi ngày để xem YouTube. Hiểu theo nghĩa tích cực thì đó là điều kiện thuận lợi để người dân có thể đến với một thế giới thông tin phong phú, đa dạng, đa chiều để nâng cao trình độ hiểu biết của mình. Nhưng ở một phía khác, có thể dễ dàng nhận ra đây cũng là phương tiện hữu hiệu để các thế lực thù địch lợi dụng, tăng cường cấu kết với những phần tử cơ hội chính trị, ra sức xuyên tạc, phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng, làm lung lay nhận thức, niềm tin của nhân dân vào chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và sự lãnh đạo của Đảng; lợi dụng các vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, khoét sâu những tồn tại, sơ hở, mất cảnh giác của ta để bóp méo, xuyên tạc sự thật...

Điều cần quan tâm và đề phòng là, bên cạnh những thông tin bộc lộ rõ quan điểm đi ngược lại lợi ích dân tộc, tấn công trực diện vào nền tảng tư tưởng của Đảng ta, chống phá sự lãnh đạo của Đảng, xuyên tạc Cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xuyên tạc lịch sử cách mạng, lịch sử Đảng… còn có những loại thông tin mập mờ, không phân biệt rõ trắng đen, tạo cảm giác hai mặt để gây nghi ngờ, phân tâm trong xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngay từ cơ sở. Đó là chưa kể lối tuyên truyền “rỉ tai” hằng ngày ở một phạm vi hẹp, nơi xóm thôn, chợ búa, lúc nhàn đàm, nhằm nói xấu chế độ, khoét sâu những yếu kém và hạ thấp uy tín của lãnh đạo địa phương, gây mâu thuẫn giữa các nhóm dân cư, giữa quần chúng và cán bộ… Tất cả những động thái trên đều góp phần làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và tính ưu việt của chế độ, vào con đường mà Đảng và dân tộc ta đã lựa chọn.

Xây dựng và củng cố niềm tin của quần chúng ở cơ sở

Trong phát biểu bế mạc hội nghị Trung ương lần thứ mười, khóa XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nhấn mạnh: Một trong những nhiệm vụ quan trọng hiện nay là củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, và đồng chí đã chỉ rõ: “Cần thẳng thắn thừa nhận, trong bộ máy Nhà nước ta hiện nay có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa làm tròn trách nhiệm… làm giảm sút lòng tin của nhân dân vào bộ máy của Đảng, Nhà nước, làm mất uy tín, tổn hại danh dự của Đảng, thậm chí đe dọa đến sự tồn vong của Đảng”(2).

Trong một lần khác, đồng chí Tổng Bí thư cũng đã cảnh báo: “Cần khẳng định, ta làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả”(3). Trong quá khứ cũng như hiện tại, lịch sử đã chứng minh, khi không có niềm tin, khi niềm tin bị lung lay thì hậu quả thật khó lường. Bài học Đông Âu và Liên Xô trong lịch sử hiện đại thế kỷ XX là một ví dụ điển hình. Và ngược lại, khi đã có niềm tin thì cho dù khó khăn gian khổ hiểm nguy đến đâu, cách mạng cũng đi đến thắng lợị. Nhất là, một khi niềm tin đã trở thành cảm xúc, suy nghĩ, nhận thức của từng người dân thì nó sẽ tạo nên những giá trị bền vững.

Tuy nhiên, mọi người đều rõ, xây dựng và củng cố niềm tin cho quần chúng nhân dân ở cơ sở là nhiệm vụ khó khăn, lâu dài, bền bỉ và khéo léo, bởi vì nhận thức của số đông thường không đồng đều, một bộ phận nhân dân chỉ lo làm ăn mưu sinh, không quan tâm thời cuộc, khi có những biến động về tình hình tư tưởng chính trị thì lại dễ hoang mang dao động. Một số ít khác, do những phần tử xấu kích động, lại mang tư tưởng chống đối, cực đoan.

Trong cuộc đấu tranh quyết liệt và thầm lặng này, vai trò của tổ chức đảng và đảng viên ở cơ sở hết sức quan trọng. Nhiều nghị quyết của Đảng qua các khóa đã nhấn mạnh vai trò này, đặc biệt là nghị quyết hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về đổi mới và nâng cao chất lượng của hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn đã khẳng định một lần nữa vai trò của hệ thống chính trị ở cơ sở; đó là nơi tổ chức và vận động nhân dân thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong đó có những nội dung liên quan đến vấn đề xây dựng bản lĩnh và niềm tin chính trị của người dân, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ở cơ sở.

NẠI HIÊN

(1) Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, số Chủ nhật, 16-5-2021
(2) Dẫn theo https://tulieuvankien.dangcongsan.vn.
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ 4 BCH Trung ương khóa XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, trang 250, 251.

.