Chính trị
Giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn thành phố Đà Nẵng
ĐNO - Ngày 9-4, Đoàn giám sát về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023” của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND thành phố về tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Trưởng Đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: THÀNH LÂN |
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hải Hưng, cuộc giám sát lần này nhằm xem xét, đánh giá những khó khăn, tồn tại vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong 10 năm qua.
Từ đó, rút ra bài học kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT); đồng thời đề xuất các giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT giai đoạn tiếp theo...
Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: THÀNH LÂN |
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của các thành viên của đoàn giám sát để hoàn chỉnh dự thảo báo cáo; thành phố cũng kiến nghị một số vấn đề về quy hoạch hạ tầng giao thông về đường không, đường sắt, đường bộ và cảng biển.
Cụ thể, về tuyến quốc lộ 14G cho phép thành phố phối hợp với các bộ, ngành, Trung ương đầu tư xây dựng, giải tỏa đền bù đoạn qua địa bàn thành phố để nâng cấp tuyến đường. Do đây là tuyến đi qua các điểm du lịch của thành phố nên lưu lượng xe rất nhiều nên cần thiết sớm đầu tư.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu đầu tư đồng bộ tuyến quốc lộ 14B đi Tây Nguyên và qua cửa khẩu với nước bạn Lào. Về đường thủy nội địa, sớm có bổ sung các thông tư, nghị định cho các hoạt động quản lý vui chơi dưới nước.
Đặc biệt, Đoàn giám sát báo cáo Quốc hội xin ý kiến sớm cho di dời ga đường sắt ra khỏi nội đô thành phố…, thành phố đang chờ dự án tuyến đường sắt tốc độ cao. Ngoài ra, cần nghiên cứu có chính sách hỗ trợ cho người dân khu vực các cầu vượt, hầm chui đi qua. Dù không phải giải tỏa, nhưng các hộ ở đây bị ảnh hưởng nặng nề về đời sống, kinh tế, đi lại…
Đối với hạ tầng hàng không, đoàn giám sát có ý kiến để sớm triển khai nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng trong thời gian tới.
Thực hiện Luật Giao thông đường bộ, thành phố đã chủ động xây dựng chương trình hành động, kế hoạch tổ chức phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện đồng bộ đến từng cơ quan, đơn vị, địa phương, kịp thời chỉ đạo toàn diện các mặt công tác trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT.
Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và sự chuyển biến mạnh mẽ từ chính quyền các cấp, của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn thành phố.
Đồng thời tuyên truyền sâu rộng, tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân về pháp luật trật tự an toàn giao thông, quyết tâm kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT), ùn tắc giao thông, hạn chế tối đa thiệt hại về tính mạng, tài sản của nhân dân, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Nguyễn Trung Nghĩa báo cáo tại buổi làm việc. Ảnh: THÀNH LÂN |
Có thể khẳng định việc ban hành và triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật về TTATGT đường bộ từ năm 2009 đến nay đã thể hiện được tính kịp thời, đúng đắn, hiệu quả, tạo ra cơ sở pháp lý quan trọng để thiết lập trật tự, kỷ cương về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, góp phần phát triển nền kinh tế - xã hội và an ninh, quốc phòng của thành phố.
Các chính sách, pháp luật được các cấp chính quyền, các cơ quan, sở, ban, ngành, đoàn thể quán triệt và triển khai nghiêm túc đến đông đảo cán bộ, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn và thu được những kết quả nhất định, bước đầu tạo lập được những điều kiện thuận lợi để chủ động tham gia vào hoạt động giao thông vận tải của thành phố, tăng cường kết nối với địa phương trong cả nước.
Bên cạnh đó, UBND thành phố thường xuyên quan tâm, chỉ đạo các ngành chức năng khảo sát, khắc phục những nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông, tăng cường bố trí các lực lượng, tổ chức chỉ huy, điều khiển giao thông tại các nút giao thông phức tạp vào giờ cao điểm vào ban đêm, kết hợp kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Hiện nay, trên địa bàn thành phố ít xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông...
Trong giai đoạn 15 năm (từ 2009 đến 2023), công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn được sự giám sát, chỉ đạo thường xuyên liên tục từ các bộ, ngành Trung ương đến Thành ủy, HĐND, UBND thành phố và đạt được nhiều kết quả tích cực; tình hình TTATGT được bảo đảm, tai nạn giao thông cơ bản được kiềm chế.
Qua đánh giá phân tích tình hình, kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm TTATGT cho thấy, các chính sách chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương được xuyên suốt từng thời kỳ, bám sát và đáp ứng được những yêu cầu phát triển bền vững của đất nước cũng như địa phương.
Tại buổi làm việc, các đại biểu cũng đề nghị thành phố cần quan tâm hơn nữa đến hành lang bảo vệ an toàn giao thông cùng với đó có những giải pháp để khắc phục xử lý những điểm đen gây mất an toàn giao thông.
Đối với việc gia tăng phương tiện tham gia giao thông ngày càng cao tạo nguy cơ tiềm ẩn gây mất trật tự an toàn giao thông, một số ý kiến đề nghị, địa phương làm rõ nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn, từ đó, đưa ra những giải pháp, phương án để khắc phục, hạn chế tối đa những vụ tai nạn xảy ra.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hải Hưng đánh giá cao kết quả thực hiện chính sách pháp luật về bảo đảm TTATGT của thành phố Đà Nẵng và cho rằng, địa phương đã chỉ rõ thực trạng công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, phối hợp và tổ chức thực hiện cũng như công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về bảo đảm TTATGT…
Tuy nhiên, thành phố Đà Nẵng cần tục cập nhật, bổ sung thông tin, số liệu, tài liệu để đoàn giám sát hoàn thiện báo cáo phục vụ các cuộc họp của đoàn giám sát, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và báo cáo Quốc hội.
Trong đó, làm rõ hơn các tồn tại, hạn chế, nguyên nhân chủ quan, khách quan, nhất là nguyên nhân chủ quan; xác định rõ trách nhiệm của ai, cấp nào, nhất là người đứng đầu; giải pháp khắc phục. UBND thành phố cần có chỉ đạo, khắc phục ngay những hạn chế, yếu kém được chỉ ra trong vấn đề TTATGT…
THÀNH LÂN