Chính trị

Kỷ niệm 49 năm ngày Giải phóng thành phố Đà Nẵng (29-3-1975 – 29-3-2024)

Vẹn nguyên ký ức hào hùng

09:07, 27/04/2024 (GMT+7)

Chiến dịch Hồ Chí Minh là mốc son chói lọi, vẻ vang trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc ta. Đặc biệt, đối với những người lính “Bộ đội Cụ Hồ”, tinh thần bất khuất và khí thế hùng tráng của những ngày tháng 4 lịch sử năm 1975 vẫn luôn là ký ức không bao giờ phai mờ.

Đồng chí Nguyễn Nhân Mùi (bên trái) và đồng chí Nguyễn Văn Nam (Ban liên lạc đại đội) chụp ảnh kỷ niệm vào chiều ngày 30-4-1975. Ảnh: NVCC
Đồng chí Nguyễn Nhân Mùi (bên trái) và đồng chí Nguyễn Văn Nam (Ban liên lạc đại đội) chụp ảnh kỷ niệm vào chiều ngày 30-4-1975. Ảnh: NVCC

Đã 49 năm kể từ ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2024) ký ức về Chiến dịch Hồ Chí Minh vẫn vẹn nguyên trong tâm trí của Đại tá, cựu chiến binh Sư đoàn 341 (Quân đoàn 4) Đặng Hữu Hào (SN 1955, quận Hải Châu). Năm 1973, ông Hào công tác tại Sư đoàn 341 (đóng quân ở huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình). Đầu năm 1975, Sư đoàn 341 hành quân cơ giới theo đường Hồ Chí Minh, qua ngã ba biên giới Việt Nam- Lào - Campuchia vào chiến trường miền Nam. Sau gần 1 tháng hành quân (đầu tháng 3-1975), sư đoàn vào đến Phước Lộc (Đồng Nai).

Ngay lập tức, ông Hào cùng Trung đoàn 270 (Sư đoàn 341) lao vào rừng cao su chiến đấu vì giáp mặt địch. Ở trận đánh đầu tiên, hàng chục chiến sĩ hy sinh và bị thương; phía địch tổn thất nặng nề, tháo chạy vào Sài Gòn. Sau đó, Trung đoàn 270 nhận lệnh chuẩn bị tấn công thị xã Xuân Lộc (Đồng Nai). Khoảng 4 giờ sáng 9-4-1975, trung đoàn bắt đầu tiếp cận địch tại mặt trận Xuân Lộc. Trận đánh diễn ra hơn 10 ngày, lực lượng ta liên tiếp nã pháo mới giành được thị xã. Đến ngày 20-4-1975, địch phải rút chạy.

“Tôi nhớ mãi người bạn lính mang súng B41 (anh Soạn) cùng tôi đào hầm ẩn nấp. Sáng 9-4, chúng tôi nhận lệnh tấn công vào cửa mở phía bắc thị xã Xuân Lộc. Muốn vào thị xã Xuân Lộc phải qua một bãi đất trống rộng. Tại đây, địch tấn công ác liệt, ai tiến lên đều bị hỏa lực gây sát thương. Anh Soạn lao lên khỏi hàng rào thì trúng một quả đạn pháo. Vết thương quá nặng nên anh hy sinh. Thấy đồng đội hy sinh, tôi xót thương và rất đau lòng. Trước đó, hậu cần cấp cho mỗi người một vắt cơm. Chúng tôi chia nhau ăn 1 vắt, dự định cùng nhau ăn vắt còn lại sau khi hoàn thành nhiệm vụ, thế nhưng, anh Soạn ra đi khi chưa kịp thực hiện lời hứa hẹn”, ông Hào xúc động kể.

Ngày 27-4-1975, Quân đoàn 4 tấn công đánh chiếm Chi khu Trảng Bom. Sau gần 1 ngày chiến đấu, lực lượng ta làm chủ chi khu. Lúc này, pháo của địch từ Biên Hòa dội về không ngừng. Ngày 28-4-1975, đơn vị tiếp tục hành quân theo trục đường 1 đến Hố Nai (Đồng Nai), pháo địch liên tục dội xuống cản đường, hòng tiêu diệt ta. Ngày 30-4-1975, tại căn cứ bên ngoài sân bay Biên Hòa, đơn vị chiến đấu một trận và bắt sống chỉ huy của địch. Ông Hào xúc động: “Tôi không bao giờ quên ký ức ngày 30-4. Chúng tôi ôm chầm lấy nhau, thời khắc đó có nhiều đồng chí không kìm được nước mắt. Đó là nước mắt của niềm hạnh phúc, vui sướng đến tột độ. Sau bao nhiêu năm chiến đấu gian khổ, cuối cùng chúng ta đã giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”.

Ông Nguyễn Nhân Mùi (SN 1954, quận Sơn Trà) là một trong những người lính tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử của dân tộc. Khoác trên người chiếc áo bộ đội, ông Mùi niềm nở, nhiệt tình kể về những năm tháng chiến đấu hào hùng. Cũng như bao thanh niên khác, năm 1972, ông Mùi lên đường nhập ngũ, công tác tại Đại đội 25, Trung đoàn 95, Sư đoàn 325. Tháng 7-1972, ông nhận lệnh tham gia chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị với 81 ngày đêm dưới mưa bom, bão đạn khốc liệt của kẻ thù. Sau đó, ông chuyển đến công tác tại Đại đội 9, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 95. Cuối năm 1974, ông cùng Trung đoàn 95B (phân hiệu mới) từ Quảng Trị nhận lệnh vượt Trường Sơn, phối hợp đơn vị bạn tham gia trận mở màn Chiến dịch Tây Nguyên và chặn đánh quân địch tháo chạy theo quốc lộ 7 về Tuy Hòa, Phú Yên. Sau đó tiến xuống Long Khánh (Đồng Nai).

Khoảng 9 giờ ngày 17-4-1975, Đại đội 9 (Trung đoàn 95B) triển khai đội hình chiến đấu trong cánh rừng cao su tại thị xã Xuân Lộc (Đồng Nai). Bộ đội vừa đào công sự, vừa quan sát, thấy qua cánh đồng rộng khoảng 300 mét có nhiều xe thiết giáp của quân địch đứng bên bìa rừng. Ngay lập tức, Đại đội trưởng Lê Ngọc Viễn (quê Vĩnh Linh, Quảng Trị) giao nhiệm vụ cho anh Mùi, đồng chí Nguyễn Văn Tịnh (quê Hải Hưng, Nam Định) cùng 2 chiến sĩ sử dụng súng AK lên phía trước đội hình của đơn vị thành tổ chiến đấu.

Trưa ngày 20-4-1975, đơn vị tiếp tục hành quân, nhập cùng 5 cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn. 7 giờ sáng ngày 30-4-1975, ông cùng Đại đội 9 đến đầu cầu Sài Gòn thì nhận được tin đêm trước (tức tối ngày 29-4-1975) và rạng sáng ngày 30-4-1975, bộ đội Trung đoàn 66 (Sư đoàn 304) và các xe tăng của Lữ đoàn 203 (Quân đoàn 2) tiêu diệt các ổ hỏa lực kháng cự trên cầu, bờ nam cầu và đã tiến quân vào nội đô Sài Gòn. Sau đó, đơn vị tiếp tục hành quân vào nội đô, được lệnh triển khai đội hình bên ngoài đường phố.

“Đang thực hiện nhiệm vụ thì anh Cư (Chính trị viên Đại đội 9) thông báo, Đại tướng Dương Văn Minh (Tổng thống Chính quyền Sài Gòn) kêu gọi Quân lực Việt Nam Cộng hòa hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện Quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Hòa chung niềm vui với nhân dân Sài Gòn- Gia Định, việc đầu tiên tôi làm là mở balo, cởi bỏ bộ trang phục bụi đất, tắm rửa thay bộ áo quần sạch mới”, ông Mùi xúc động nói.

Khoảng 1 chiều ngày 30-4-1975, ông Mùi được nữ phóng viên người nước ngoài phỏng vấn về quá trình chiến đấu và chụp ảnh kỷ niệm cùng chiến sĩ Nguyễn Văn Nam (Ban liên lạc đại đội). Năm 1996, ông Mùi gặp lại ông Cư (hiện trú tỉnh Kon Tum). Đồng đội gặp nhau, tay bắt mặt mừng, ông Cư nói: “Anh có tấm ảnh kỷ niệm nhận được từ tay của nữ phóng viên. Chiều ngày 30-4-1975, cô ấy đến đại đội tìm các em để tặng ảnh, anh nhận. Hôm nay, anh trao lại cho em. Em cố gắng tìm gặp và liên lạc với Nam, anh nhớ nó lắm”.

Từ đó đến nay, ông Mùi vẫn chưa gặp được ông Nam mặc dù đã lặn lội đến các miền đất để tìm đồng đội của mình. “Được đóng góp một phần công sức cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc là điều vinh dự, tự hào. Giờ đây, quê hương, đất nước đã đổi thay rất nhiều, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên. Tôi mong các thế hệ sau phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông, ra sức học tập, rèn luyện để cống hiến cho đất nước, chung tay xây dựng thành phố ngày càng giàu mạnh”, ông Mùi nói.     

KHÁNH NGÂN

.