Làm thế nào để sử dụng hiệu quả nhà sinh hoạt cộng đồng? - Bài 2. Chưa phát huy hết hiệu quả

.

Vấn đề được người dân quan tâm trong nhiều năm qua là thiếu nhà sinh hoạt cộng đồng (NSHCĐ). Nơi cần thì không có, nơi có thì bất cập bởi vị trí xây dựng không phù hợp, thiết kế chưa bảo đảm công năng; công tác quản lý, sử dụng chưa hiệu quả, xuống cấp...

Khu đô thị sinh thái Thủy Tú (Ecocharm) được quy hoạch khang trang nhưng lại chưa bố trí quỹ đất để xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng. Ảnh: PV
Khu đô thị sinh thái Thủy Tú (Ecocharm) được quy hoạch khang trang nhưng lại chưa bố trí quỹ đất để xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng. Ảnh: PV

Nhiều bất cập và thiếu

Nằm lọt thỏm trong con hẻm nhỏ kiệt 67 Nguyễn Du, bị kẹp giữa 2 nhà dân cùng diện tích chưa đầy 30m2, NSHCĐ khu dân cư Tân Lập 2, phường Thạch Thang (quận Hải Châu) có lẽ là nhà cộng đồng có diện tích nhỏ nhất hiện nay trên địa bàn thành phố. Theo báo cáo giám sát chuyên đề của HĐND thành phố, ngôi nhà này có diện tích 12m2. Nhưng ông Trần Thế Sơn, Chủ tịch UBND phường Thạch Thang cho biết sau khi xem xét hồ sơ, khẳng định ngôi nhà này có diện tích sử dụng 28,21m2. Còn theo báo cáo của Phòng Văn hóa và Thông tin quận Hải Châu, NSHCĐ khu vực Tân Lập 2 có 1 tầng, là nơi họp chi bộ, họp tổ dân phố của 2 chi bộ, 3 tổ dân phố, với diện tích 20m2.

Bí thư Chi bộ Tân Lập 2 Phan Văn Bé cho biết, NSHCĐ Tân Lập 2 cơ bản phát huy hết tác dụng làm nơi tổ chức họp chi bộ hằng tháng, tổ dân phố hằng quý và các cuộc họp khác của các chi hội, đoàn thể. Nhưng ngoài họp xong thì để không vì không bảo đảm diện tích để tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao của khu dân cư (KDC). Đây là thực trạng chung của nhiều NSHCĐ hiện có trên địa bàn thành phố, tập trung chủ yếu ở các quận nội thành.

Thạch Thang là phường trung tâm của quận Hải Châu, nhưng chỉ có 4 NSHCĐ, với nhà có diện tích lớn nhất khoảng 60m2. Ông Trần Thế Sơn cho biết, phường chưa có nhà văn hóa - thể thao. Nhu cầu có NSHCĐ của phường rất cao, song rất khó đề xuất thành thực tiễn. Tương tự, cũng là trung tâm của quận Hải Châu, phường Hải Châu 1 không có nhà văn hóa phường. Mới đây, sau khi rà soát, đề xuất thì mới được đầu tư NSHCĐ tại địa chỉ 90/4 Trần Phú với diện tích 60m2 từ việc một ban quản lý dự án thành phố dời về khu nhà tập trung để lại.

Trong mạng lưới danh mục vị trí NSHCĐ do UBND thành phố ban hành vào tháng 7-2023, ngoài các vị trí hiện trạng, quận Sơn Trà cần đến 54 vị trí mới. Đáng nói, những vị trí này đều do địa phương đề xuất sau quá trình rà soát, kiếm tìm những lô đất trống còn thuộc quản lý Nhà nước... chứ không phải đã được quy hoạch bài bản, cụ thể từ cấp có thẩm quyền. Tương tự, các quận Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn đều nằm trong diện quy hoạch mới nhưng đến nay vẫn có nhu cầu bố trí NSHCĐ mới, với 30 điểm mỗi quận. Riêng Hải Châu là quận trung tâm, là đô thị cũ, nên công tác quy hoạch khó. Dù vậy, quận này cũng chiếm số lượng NSHCĐ đề xuất vị trí mới theo nhu cầu thực tế lên đến 111 điểm, cao nhất trong số các quận, huyện.

Trong số 567 điểm sinh hoạt văn hóa ở các KDC toàn thành phố, đáng nói có rất nhiều NSHCĐ với diện tích chưa đến 60m2. Thậm chí, nhiều NSHCĐ chỉ khoảng 20m2. Nếu có một tiêu chuẩn chung về diện tích NSHCĐ bằng 100m2 (tương đương quy hoạch diện tích 1 đơn vị nhà ở đô thị hiện nay, như khuyến nghị của Sở Văn hóa và Thể thao), trong số gần 600 điểm kể trên, nếu không tính các NSHCĐ tại các khu chung cư, các NSHCĐ được kết hợp sử dụng từ nhà văn hóa phường, các cơ sở trường học, cơ quan công sở khác, các nhà văn hóa thôn ở Hòa Vang, vẫn còn hơn 100 nhà NSHCĐ không đủ diện tích đạt 100m2. Chưa kể nhiều nhà có diện tích theo báo cáo là trên 100m2 sử dụng, nhưng thực chất là diện tích sử dụng của nhà có 2 tầng. Điều này không mang nhiều ý nghĩa đối với loại hình NSHCĐ vốn dĩ dành cho hoạt động tập thể cần không gian rộng.

Sử dụng chưa hiệu quả

Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin quận Thanh Khê Nguyễn Văn Hải cho biết, qua rà soát thực tế cho thấy, sau khi xây dựng, các NSHCĐ được bàn giao cho UBND phường quản lý, từ đó giao cho các KDC trực tiếp quản lý, sử dụng. NSHCĐ được dùng để tổ chức các cuộc họp tổ dân phố, triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, công tác tiếp công dân, cấp phát chế độ chính sách, tổ chức các buổi truyền thông trong nhân dân; tổ chức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ cho các câu lạc bộ, đội, nhóm... Đến nay, cơ bản đáp ứng yêu cầu, giải quyết kịp thời những nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của nhân dân. Tuy nhiên, NSHCĐ được sử dụng thường xuyên và nhiều mục đích, song hầu hết các NSHCĐ đều không xây dựng kế hoạch hoạt động, không có kinh phí hoạt động.

Bên cạnh đó, các NSHCĐ về pháp lý là do UBND các phường quản lý, tuy nhiên thực tế chủ yếu được bàn giao cho các chi bộ, khu vực dân cư, tổ dân phố trực tiếp quản lý sử dụng và chỉ được sử dụng định kỳ vài lần trong một năm hoặc phục vụ một số nhu cầu đột xuất. Trong quá trình sử dụng thiếu sự bảo quản và duy tu thường xuyên dẫn đến tình trạng xuống cấp hoặc hư hỏng.

Theo Phó trưởng phòng Văn hóa và Thông tin quận Sơn Trà Lê Hồng Sơn, qua rà soát thực tế, cho thấy một số KDC được quy hoạch nhưng không bố trí quỹ đất đầu tư xây dựng NSHCĐ nên việc tìm địa điểm đầu tư gặp khó khăn, diện tích một số NSHCĐ nhỏ dẫn đến khó khăn trong việc sinh hoạt cộng đồng. Các NSHCĐ cơ bản đáp ứng được công năng sử dụng cho mục đích hội họp nhưng chưa đáp ứng được các hoạt động khác của cộng đồng như vui chơi, giải trí, không có diện tích để bố trí các hoạt động thể dục, thể thao của người dân tại khu vực, chưa có cây xanh,...

Theo báo cáo giám sát chuyên đề của HĐND thành phố, công tác đầu tư, xây dựng NSHCĐ được các địa phương quan tâm, cơ bản bảo đảm nhu cầu sử dụng của người dân thành phố, đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất theo quy định. Tuy nhiên, hiện nay mạng lưới NSHCĐ tại một số địa phương vẫn còn thiếu so với nhu cầu thực tế do thiếu quỹ đất, nhất là trên địa bàn quận Hải Châu và Thanh Khê. Quy mô xây dựng NSHCĐ một số nơi chưa bảo đảm nhu cầu sử dụng và định hướng phát triển dân số trên địa bàn. Không có diện tích để bố trí các hoạt động thể dục, thể thao, chưa có cây xanh. Các trang thiết bị, cơ sở vật chất bên trong thiếu âm thanh, bàn, ghế, tủ sách, thư viện nhỏ...

Một số NSHCĐ chưa đáp ứng cho mục đích sử dụng hội họp do vị trí xây dựng không thuận tiện, không thuận lợi trong việc khai thác, khó khăn trong quá trình quản lý, sử dụng. Một số KDC được quy hoạch nhưng không bố trí quỹ đất đầu tư xây dựng NSHCĐ nên việc tìm địa điểm đầu tư gặp khó khăn. Công tác quy hoạch đất dành cho xây dựng NSHCĐ chậm được phê duyệt, nhiều KDC chưa xây dựng được NSHCĐ vì không có quỹ đất thích hợp hoặc nơi có quỹ đất nhưng chưa được phê duyệt quy hoạch cho xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao, NSHCĐ. Một số NSHCĐ hiện nay đã xuống cấp, thậm chí bỏ trống do đa số được xây dựng từ lâu, nhất là trên địa bàn quận Hải Châu, Thanh Khê...

Báo cáo dẫn chứng về thực trạng này chỉ ra nhiều NSHCĐ có diện tích nhỏ dưới 30m2, nhất là ở quận Hải Châu, như NSHCĐ Tân Lập 2, Tân Hòa B, Thuận Lập B... Nhiều dự án xây dựng KDC mới nhưng không bố trí quỹ đất xây dựng NSHCĐ như dự án Khu đô thị Golden Hills City, KDC Bàu mạc, Khu đô thị Phước Lý, Khu đô thị Thương mại, cao tầng Phương Trang, KDC Thanh Hoàng, Khu đô thị sinh thái Thủy Tú (Ecocharm), Vệt 50m đường Nguyễn Tất Thành... Một số NSHCĐ xuống cấp, bỏ hoang như NSHCĐ Thuận An (xây dựng từ năm 1995), NSHCĐ Đông Xuân 6 (xây dựng từ năm 1990), NSHCĐ Tân Hòa (xây dựng từ năm 2007), NSHCĐ Tân Lập B (xây dựng năm 1975), NSHCĐ Tam Giác 1, Tam Giác 2...

HOÀNG NHUNG - TRỌNG HUY

;
;
.
.
.
.
.