Nhật ký hải trình Đà Nẵng - Trường Sa

.

Năm 2024, năm thứ 2 thành phố Đà Nẵng đóng vai trò cầu cảng đường thủy đưa các đoàn đại biểu trong nước ra thăm quần đảo Trường Sa. Tiếp tục các cuộc hải trình vươn ra biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc, từ ngày 5 đến 11-4-2024, tàu Kiểm ngư (KN 390) đã có chuyến hải trình đưa Trường Sa về gần với đất liền, đất liền gắn với Trường Sa. Tổ quốc nhìn từ biển hiển hiện từ sức sống Trường Sa, tinh thần Trường Sa, ý chí Trường Sa vẹn nguyên tâm khảm cho mỗi ai vinh dự đặt chân đến nơi này.

Tàu KN 390 khởi hành từ Quân cảng Vùng 3 Hải quân đưa đoàn công tác số 5-2024 neo đậu bên ngoài đảo Song Tử Tây, quần đảo Trường Sa.  Ảnh: TRIỆU TÙNG
Tàu KN 390 khởi hành từ Quân cảng Vùng 3 Hải quân đưa đoàn công tác số 5-2024 neo đậu bên ngoài đảo Song Tử Tây, quần đảo Trường Sa. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Bài 1: Trường Sa không xa

Ngày 5-4, tàu KN 390 nhận nhiệm vụ đưa Đoàn công tác số 5 (năm 2024) ra thăm quần đảo Trường Sa. Đoàn có 190 thành viên, trong đó, Đà Nẵng tham gia 70 thành viên. Chuyến công tác có thời gian 7 ngày với hải trình Đà Nẵng - đảo Song Tử Tây - đảo Đá Thị - đảo Sinh Tồn, đảo Cô Lin - đảo Đá Tây A - đảo Trường Sa Lớn - nhà giàn DK1.2 (Phúc Tần) - Đà Nẵng.

Lúc 8 giờ,  trên Quân cảng Vùng 3 Hải quân, tàu Kiểm ngư (KN 390) kéo 3 hồi còi, chào đất liền lên đường làm nhiệm vụ. Những hồi còi của các biên đội hải quân, kiểm ngư trên cảng đáp lại, tiễn tàu KN 390 lên đường làm nhiệm vụ. Tàu KN 390 mạnh mẽ rẽ sóng, hùng dũng băng băng rời quân cảng.

8 giờ 10, tàu băng ngang cảng Tiên Sa, trên bến chồng chồng, lớp lớp container, dưới bờ những tàu hàng to cặp cảng. Trên boong tàu KN 390 nhiều ánh mắt đổ dồn về chiếc tàu du lịch chở khách du lịc đang neo đậu, choáng khuất cả cầu cảng Tiên Sa. Ở hướng của vịnh Đà Nẵng vài chiếc thuyền đánh cá về bến muộn cũng hối hả vào bờ. Nhiều đại biểu đến từ Hà Nội và các tỉnh đều trầm trồ “Đà Nẵng đúng là thành phố đầu biển, cuối sông”, Đà Nẵng không chỉ phát triển du lịch mà kinh tế biển thực sự có tiềm năng và đang được đầu tư, hình thành ngành kinh tế mũi nhọn...Để có sự phát triển này, cũng trên hải trình vươn ra biển ngày qua ngày cũng có những người, những lực lượng chức năng lặng lẽ băng ra bảo vệ biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc ngoài khơi xa. Họ giữ biển, giữ chủ quyền an ninh biên giới cũng như bảo đảm sự phát triển kinh tế - xã hội nơi đất liền.

Từ sau 9 giờ 30, là khoảng thời gian chúng tôi dành để khám phá “ngôi nhà” của mình (tàu KN 390). Tàu kiểm ngư số hiệu KN-390 là loại tàu tuần tra xa bờ dài ngày, kết hợp tìm kiếm cứu nạn do Tập đoàn Damen - Hà Lan thiết kế. Tàu có chiều dài 90,5m, chiều rộng lớn nhất là 14m, chiều cao mạn 7m, lượng giãn nước lên đến 2.500 tấn. Trong điều kiện bình thường, tàu có tầm hoạt động liên tục 5.000 hải lý. Tàu có tính năng cơ động rất cao, có hệ thống két chứa dầu và nước ngọt dung tích lớn, có khu vực cứu nạn, y tế hiện đại và các tính năng ưu việt khác, bảo đảm là phương tiện tuần tra thực thi pháp luật, cứu nạn, hỗ trợ ngư dân trên biển rất hiệu quả. Tàu KN 390 do Công ty TNHH MTV Đóng tàu Hạ Long đóng và bàn giao ngày 14-10-2016. Hiện tàu KN 390 thuộc biên chế Chi đội Kiểm ngư số 3 đóng quân tại thành phố Đà Nẵng.

15 giờ, tàu ở khu vực ngoài khơi đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi). Từ bong tàu, đảo Lý Sơn như chiếc bát úp, sơn màu lá cây và nơi đó là điểm đảo gần đất liền mà chúng tôi nhìn thấy cuối cùng trên hải trình ra với Trường Sa. Bên trong tàu KN 390, chuỗi các hoạt động của đoàn công tác diễn ra, họp lãnh đạo đoàn, gặp mặt báo chí; triển khai cuộc thi tìm hiểu biển đảo; các tổ công tác tập dợt văn nghệ... Giữa Biển Đông, giữa trùng khơi biển cả, bốn bề chỉ có đường chân trời và tàu KN 390 giữ đều tốc độ 20 hải lý/giờ thẳng tiến theo hải trình...

Lúc 19 giờ, các thành viên trên tàu tập trung tại sàn đỗ máy bay, tham gia chương trình giao lưu văn nghệ với chủ đề “Tôi yêu Tổ quốc tôi”. Giữa biển cả, những giọng ca, tiếng hát cứ vang lên... Những bài hát về biển đảo, về Trường Sa làm thổn thức lòng người. Và ca khúc “Khúc quân ca Trường Sa” với ca từ “Ngày qua ngày, đêm qua đêm. Chúng tôi đứng đây gìn giữ quê hương. Biển này là của ta, đảo này là của ta...” theo đó neo vào giấc ngủ của đoàn công tác trong đêm đầu tiên ra với Trường Sa.

Ngày thứ 2 (6-4) của chuyến hải trình ra Trường Sa là ngày chúng tôi và đại dương. Biển và trời của Tổ quốc ta đẹp lắm, như quyện hòa trong câu hát “Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay/ Non nước mây trời lòng ta mê say...”. Ngày đầu hải trình là cuộc khám phá tàu KN 390, ai ai cũng dần thích nghi với sự dập dềnh cùng chút lắc lư của con tàu đang cưỡi sóng. Ngày thứ 2 là ngày “ở nhà” sau 24 giờ với gần 500 hải lý và chúng tôi tiếp tục cưỡi sóng, chinh phục tiếp hàng trăm hải lý khác để đến với đảo tiền tiêu Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa. Ngày thứ 2 của hải trình là “ngày gia đình”, trên tàu KN 390 chúng tôi có nhiều hoạt động, tâm điểm là giải thi đấu Cờ tướng. Một khung cảnh bình yên đến nao nao lòng ở nơi biển khơi. Phó trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Đinh Vui cứ mỗi lần ra cờ là vỗ tay đánh đét, cùng nụ cười hạnh phúc. “Quá đỗi hạnh phúc, quá đỗi tự hào xen lẫn thiêng liêng khi tham dự giải đấu cờ tướng giữa Biển Đông của Tổ quốc”, anh Đinh Vui nói và băng băng lướt sóng theo những ván cờ để rồi nhận cúp vô địch giải cờ tướng trên biển khơi.

Thành viên đoàn công tác gấp thuyền và chim hạc giấy để chuẩn bị cho lễ tưởng niệm, tri ân các chiến sĩ hy sinh trên vùng biển Cô Lin - Gạc Ma. Ảnh: TRIỆU TÙNG
Thành viên đoàn công tác gấp thuyền và chim hạc giấy để chuẩn bị cho lễ tưởng niệm, tri ân các chiến sĩ hy sinh trên vùng biển Cô Lin - Gạc Ma. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Một hoạt động khác thu hút các thành viên đoàn công tác là xếp chim hạc giấy để chuẩn bị cho hoạt động cầu siêu, tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh anh dũng tại khu vực đảo Gạc Ma mà đoàn công tác sẽ ghé đến trên chuyến hải trình. Trên boong tàu, ở phòng nghỉ, từng nhóm lặng lẽ gấp từng con chim hạc giấy trắng muốt; thành kính hơn khi hàng ngàn hạc giấy được gấp cũng đều điểm bút trang trí đôi mắt thật tinh anh và sẵn sàng vỗ cánh, bay vào đại dương, thoát độ cùng hương hồn của bao cán bộ, chiến sĩ hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Chúng tôi cũng bắt đầu làm quen với những âm thanh báo thức trên tàu KN 390 như “Đã hết giờ nghỉ! Toàn tàu báo thức! Báo thức toàn tàu!”. Giữa biển khơi trên thềm lục địa chủ quyền của Tổ quốc, tàu KN 390 liên tục giữ vận tốc 15-20 hải lý/ giờ hướng về quần đảo Trường Sa. Những cơn sóng nhẹ nhàng vỗ vào thân tàu.

Ngày ngắm biển đã đẹp, đêm lại càng đẹp hơn. Ngắm bầu trời đầy sao khi đêm tối phủ kín bốn bề, xung quanh chỉ còn tiếng sóng nước va vào mạn tàu... Thỉnh thoảng, tàu KN 390 lướt qua những ánh đèn tàu cá của ngư dân đang hoạt động. Mỗi khi nhìn thấy tàu đánh cá, lại có tiếng reo “tàu cá mình tề”. Những lúc tiến lại gần tàu cá, thì cố quan sát đưa mắt tìm và reo lên “cờ Việt Nam”. Quả thật, những tàu đánh cá của ngư dân mình trên biển thực sự là những cộc mốc sống về chủ quyền biển đảo nước ta.

Tối của đêm thứ 2 hành trình trên biển, dường như ai ai cũng khó ngủ. Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng Phạm Văn Hòa nói với qua giường ngủ 3 tầng: “Sáng sớm mai tàu mình tới đảo đầu tiên phải không Tùng ?!”. “Dạ, anh. Trường Sa chừ không xa rồi”, tôi nói trong âm thanh đêm và nghe rõ tiếng máy tàu chạy đều đều cùng cảm nhận tiếng sóng va vào mạn tàu, bồng bềnh của biển; mơn man như lời hát ru của mẹ thuở nào.

TRIỆU TÙNG

;
;
.
.
.
.
.