Chính trị
Phát huy dân chủ ở cơ sở, tạo đồng thuận trong nhân dân
Các cấp ủy đảng, chính quyền quận, huyện trên địa bàn thành phố nghiêm túc thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”. Qua đó tạo niềm tin, sự đồng thuận, tập hợp các tầng lớp nhân dân đoàn kết, thực hiện nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Bộ phận “Một cửa” Trung tâm Hành chính quận Ngũ Hành Sơn tiếp tục nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công, chú trọng hướng dẫn nhân dân thực hiện nhanh chóng các thủ tục hành chính. Ảnh: N.V |
Trưởng phòng Nội vụ huyện Hòa Vang Ngô Duy Quang cho biết, trong năm 2023, HĐND huyện ban hành Nghị quyết số 27/NQ-HĐND về các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn huyện Hòa Vang. Nghị quyết chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức khác nhau nhằm nâng cao nhận thức của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về thực hiện dân chủ ở cơ sở.
UBND huyện chỉ đạo Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật tổ chức hội nghị triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở cho lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, các hội đoàn thể chính trị xã hội và cán bộ phụ trách tham mưu 11 xã, các trường học trên địa bàn huyện và 11 lớp cho cán bộ xã, thôn với 550 người tham gia; có 110/113 thôn lồng ghép tuyên truyền Luật Thực hiện dân chủ cơ sở với hơn 4.923 người tham gia.
Theo ông Quang, việc triển khai thực hiện, dân chủ ở cơ sở ở một số cơ quan, đơn vị chưa thường xuyên, nội dung chưa đầy đủ; hoạt động của một vài ban thanh tra nhân dân chưa rõ nét, chưa phát huy hết chức năng, nhiệm vụ... Thời gian đến, UBND huyện tiếp tục tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, thực hiện dân chủ ở cơ sở và các văn bản quy định khác có liên quan trên hệ thống truyền thanh huyện, xã; phát huy vai trò của Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật huyện thông qua việc tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phát huy hiệu quả các hòm thư góp ý, hòm thư điện tử tiếp nhận ý kiến góp ý của cá nhân, tổ chức.
Đồng thời, phối hợp MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội của huyện tiếp tục tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của hội viên, đoàn viên và nhân dân về thực hiện dân chủ ở cơ sở; tăng cường công tác giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động của cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên, hội viên.
Tại quận Liên Chiểu, việc thực hiện QCDC ở cơ sở luôn được quan tâm chỉ đạo sát sao. Phó Chủ tịch UBND quận Nguyễn Nhường chia sẻ, trong năm qua, UBND quận chỉ đạo các phòng, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở. Qua đó củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền, là động lực mới thúc đẩy thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, nhất là trên các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, đời sống văn hóa mới, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, nhằm ngăn ngừa, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực.
Các cơ quan, đơn vị ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của các phòng, ban chuyên môn, các đơn vị sự nghiệp. 100% các cơ quan, đơn vị có quy chế tổ chức và hoạt động. Ngoài ra, trong từng cơ quan, đơn vị còn có các quy chế khác như: quy chế làm việc của chi bộ; quy chế phối hợp hoạt động giữa ban chấp hành công đoàn với thủ trưởng đơn vị; quy chế thực hiện khoán biên chế và chi phí hành chính; quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động cơ quan.
Năm 2024, nhiệm vụ trọng tâm trong công tác thực hiện dân chủ ở cơ sở của quận Liên Chiểu là triển khai các nội dung, giải pháp về tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, hiện đại, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, chuẩn về đạo đức công vụ; triển khai quyết liệt, hiệu quả Chỉ thị số 34-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, không làm đúng, đầy đủ trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của một bộ phận cán bộ, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức trong tình hình hiện nay. Đặc biệt chú trọng tạo sự chuyển biến rõ nét về thái độ, lề lối làm việc, thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức.
Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Thanh Khê Nguyễn Thị Minh Nguyệt chia sẻ, Ban Thường vụ Quận ủy chỉ đạo Ban Chỉ đạo QCDC ở cơ sở quận ban hành kế hoạch triển khai thí điểm mô hình “Chính quyền đô thị thân thiện với nhân dân” với 3 tiêu chí: bảo đảm công khai, mở rộng và phát huy dân chủ cơ sở; hướng đến xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số và xây dựng hoạt động của chính quyền thân thiện với nhân dân, với các mô hình “5 biết”, “5 không”, “3 thể hiện” được thực hiện thí điểm tại 2 phường Tân Chính và Thanh Khê Đông. Đến nay, các mô hình được triển khai tại quận và 10/10 phường thuộc quận.
Đồng thời, quận thường xuyên rà soát, hệ thống hóa toàn bộ thủ tục hành chính, tạo điều kiện tốt nhất để phục vụ nhân dân; thực hiện tốt quy trình tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả theo cơ chế một cửa liên thông tại quận (tỷ lệ giải quyết hồ sơ sớm và đúng hạn trên thực tế của quận luôn đạt 100% qua các năm, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 tại quận đạt tỷ lệ 70% trở lên); thực hiện công khai đầy đủ các nội dung để công dân, cơ quan, tổ chức biết như: các thủ tục hành chính, quy hoạch, các nghị quyết của UBND quận, các cơ chế, chính sách… được niêm yết công khai tại bộ phận “Một cửa”, đăng tải trên cổng thông tin điện tử. Năm 2024, quận tiếp tục làm tốt công tác cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, hướng đến xây dựng nền tảng công dân số, chính quyền điện tử, đô thị thông minh nhằm phục vụ nhân dân tốt hơn.
NGỌC PHƯƠNG