Chính trị
Nghiên cứu lý luận làm cơ sở khoa học ban hành chính sách
Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030, thành phố đã có nhiều đột phá trong việc nghiên cứu và ứng dụng các kết quả nghiên cứu để ban hành các chính sách, ấn phẩm tuyên truyền về văn hóa, lịch sử, xã hội, con người gắn với tuyên truyền, thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Việc nghiên cứu, bổ sung thêm tư liệu, nội dung giúp nội dung thuyết minh ở Nhà Trưng bày Hoàng Sa ngày càng phong phú, hấp dẫn. Ảnh: H.N |
Nhiều đề tài nghiên cứu về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị
Để thực hiện đề án “Tuyên truyền, lan tỏa thông tin tích cực, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu, độc trên internet và mạng xã hội trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, Ban Tuyên giáo Thành ủy tiến hành khảo sát các fanpage của ban chỉ đạo 35 các quận, huyện, các đơn vị quân đội, công an; quá trình triển khai việc lan tỏa thông tin tích cực trong các cơ sở đảng. Ông Trương Thanh, Trưởng phòng Tuyên truyền, Báo chí, Xuất bản (Ban Tuyên giáo Thành ủy) cho biết, đề án đã góp phần nâng cao nhận thức, phát huy vai trò của cấp ủy các cấp, nhất là người đứng đầu trong chỉ đạo, tuyên truyền cán bộ, đảng viên và nhân dân thành phố sử dụng mạng xã hội lan tỏa thông tin tích cực, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, tăng cường các biện pháp nâng cao sức “đề kháng” cho cán bộ, đảng viên trước thông tin xấu, độc.
Từ chuyên đề “Giải pháp tăng cường công tác xây dựng đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức trong cán bộ, đảng viên; nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội gắn với đấu tranh phòng, chống thông tin xấu độc trên không gian mạng”, Thành ủy xây dựng đề án số 03-ĐA/TU về “Một số giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố nhanh, bền vững đến năm 2025 và những năm tiếp theo”. Cùng với đó, Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo các cơ quan liên quan tiến hành đánh giá thực tiễn - lý luận về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; xây dựng báo cáo chuyên đề “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị bằng phương pháp tuyên truyền, nêu gương” nhằm tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị”.
Nghiên cứu và định hướng lý luận chính trị đến năm 2030 là một trong những nội dung chính trong các chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên của thành phố, được giao cho Trường Chính trị thành phố triển khai. Hay trên cơ sở Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Thành ủy biên soạn, xuất bản tập sách “Học theo Bác từ những điều bình dị” (năm 2021); ban hành Hướng dẫn về Học tập Chuyên đề toàn khóa “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.
Cơ sở để hoạch định chính sách xã hội và nhân văn
Từ năm 2014 đến nay, có 55 nhiệm vụ khoa học và công nghệ được phê duyệt thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn (chiếm 26% trên tổng số nhiệm vụ khoa học và công nghệ). Thực hiện chương trình “Nghiên cứu khoa học lý luận chính trị, tư tưởng và xã hội phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng” giai đoạn 2017- 2025, Sở Khoa học và Công nghệ quản lý 77 đề tài, trong đó có 2 đề tài cấp Nhà nước, 38 đề tài cấp thành phố và 37 đề tài cấp cơ với tổng kinh phí là 45,2 tỷ đồng. Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lê Thị Thục, cho biết các đề tài nghiên cứu nhằm cung cấp các luận cứ khoa học và thực tiễn để ban hành các chủ trương, chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của thành phố, đẩy mạnh việc khai thác các lợi thế để phát triển thành phố theo hướng bền vững và phát huy vai trò hạt nhân của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, tập trung thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Kết quả nghiên cứu về văn hóa, con người Đà Nẵng thuộc đề tài “Lối sống Đà Nẵng” do Ban Tuyên giáo Thành ủy chủ trì, được sử dụng để tham mưu Thường trực Thành ủy triển khai, tuyên truyền các nghị quyết, chỉ thị, văn bản của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ. Sở Văn hóa - Thể thao thực hiện đề tài “Tổng kết, đánh giá thực trạng phát triển văn hóa thành phố Đà Nẵng giai đoạn 1997-2017 và đề xuất chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030” đã rút ra được những bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng chính sách, chỉ đạo và tổ chức thực hiện những chính sách đó trong lĩnh vực văn hóa, trong hoạt động bảo tồn di sản văn hóa và phát triển văn hóa ở Đà Nẵng. Qua đó tư vấn cho lãnh đạo thành phố ban hành những chính sách và chương trình hành động, mang tính chiến lược để phát triển văn hóa Đà Nẵng trong thời kỳ mới.
Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố chủ trì đề tài “Giải pháp xây dựng thành phố Đà Nẵng an toàn - không bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”, làm cơ sở tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chỉ thị số 39-CT/TU về xây dựng thành phố Đà Nẵng an toàn - không bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em và UBND thành phố phê duyệt đề án “Xây dựng thành phố Đà Nẵng an toàn - không bạo lực với phụ nữ và trẻ em, giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2035”. Các nghiên cứu trong lĩnh vực du lịch của Sở Du lịch như “Phát triển các dịch vụ giải trí trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”, “Phát triển Đà Nẵng trở thành một trung tâm du lịch quốc tế”, “Phát triển du lịch y tế, chăm sóc sức khỏe và nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng”…, phù hợp với định hướng phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố.
HOÀNG NHUNG