Phát huy sức mạnh nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị

.

ĐNO - Ngày 10-6 tại Đà Nẵng, Ban Dân vận Trung ương tổ chức hội thảo khoa học “Thực hiện bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm”; phát huy sức mạnh nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc - Thực trạng và những vấn đề đặt ra”.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Đình Vĩnh và PGS.TS. Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đồng chủ trì hội nghị.

Các đồng chí lãnh đạo chủ trì hội thảo. Ảnh: NGỌC PHÚ
Các đồng chí lãnh đạo chủ trì hội thảo. Ảnh: NGỌC PHÚ

Đà Nẵng luôn đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu

Phát biểu chào mừng hội thảo, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Đình Vĩnh nhấn mạnh, sau gần 30 năm từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng không ngừng thay da, đổi thịt, tạo ra một đô thị mới, hiện đại; quy mô và trình độ nền kinh tế thành phố thuộc nhóm phát triển của cả nước; thương hiệu điểm đến du lịch từng bước được khẳng định; các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải cách hành chính, hiệu quả quản trị và hành chính công, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số luôn thuộc nhóm dẫn đầu cả nước.

Đặc biệt, dấu ấn nổi bật của thành phố là thực hiện hiệu quả việc xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng, mở rộng không gian đô thị.

Nếu sau ngày đầu chia tách, Đà Nẵng chỉ có khoảng 360 con đường, đến nay đã có hơn 2.300 con đường, từ 412 km đường bộ đến nay có trên 1.200 km đường bộ; những cây cầu mới, hiện đại đã nối liền hai bờ sông Hàn; hệ thống bệnh viện, trường học được đầu tư khang trang, hiện đại...

Đó là kết quả của những chủ trương, chính sách đúng đắn, vì lợi ích nhân dân, đúng với phương châm “Đảng nói dân tin; mặt trận, đoàn thể vận động dân theo; chính quyền làm dân ủng hộ” mang bản sắc riêng của thành phố.

Bên cạnh đó, thành phố cũng xác định rõ tôn chỉ phát triển kinh tế luôn gắn liền với phát triển văn hóa, xã hội một cách hài hòa, bền vững, trong đó người dân thành phố là chủ thể trung tâm, quyền lợi của người dân được đặt trên hết.

Từ đó, các chính sách an sinh xã hội mang tính nhân văn và các chính sách ưu đãi vượt trội cho người dân, như miễn giảm học phí cho các cấp học, hỗ trợ các đối tượng yếu thế, người cao tuổi, xây dựng, sửa chữa nhà chính sách... đã đồng hành và bảo đảm cuộc sống cho người dân thành phố.

Tiếp tục kế thừa và phát huy sức mạnh đại đoàn kết, sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, ngay từ đầu nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố đến nay, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời ban hành các nghị quyết, chỉ thị, quy chế, quy định làm cơ sở cho việc triển khai công tác dân vận, phát huy tối đa quyền làm chủ của nhân dân.

Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Nguyễn Đình Vĩnh phát biểu chào mừng hội thảo. Ảnh: NGỌC PHÚ
Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Nguyễn Đình Vĩnh phát biểu chào mừng hội thảo. Ảnh: NGỌC PHÚ

Trong đó, trọng tâm là ban hành Đề án số 04-ĐA/TU ngày 31-12-2022 về một số giải pháp đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, qua đó, phát huy hiệu quả của hơn 700 mô hình ”Dân vận khéo” đã triển khai trên địa bàn thành phố và lựa chọn 16 mô hình tiêu biểu, điển hình để nhân rộng...

Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Nguyễn Đình Vĩnh nhấn mạnh, hội thảo hôm nay có ý nghĩa quan trọng nhằm đánh giá những kết quả đạt được, nhận định những khó khăn, vướng mắc và bàn các giải pháp, nhiệm vụ trong thực hiện bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm”; phát huy sức mạnh nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đồng thời, đây là dịp để thành phố tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Ban Dân vận Trung ương và học hỏi kinh nghiệm, các giải pháp hay, cách làm hiệu quả từ các địa phương bạn để vận dụng, tham mưu, triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Phân tích sâu sắc thực trạng việc vận dụng bài học “Dân là gốc”

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng cho biết, từ quan điểm “Dân làm gốc” trong lịch sử được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, các kỳ đại hội của Đảng tiếp tục nhấn mạnh tập trung ở sức mạnh to lớn, nguồn lực vô tận của nhân dân; nhân dân là nền tảng, chỗ dựa vững chắc của hệ thống chính trị, lực lượng rộng lớn trong mọi phong trào cách mạng.

Phó trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng phát biểu đề dẫn hội thảo. Ảnh: NGỌC PHÚ
Phó trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng phát biểu đề dẫn hội thảo. Ảnh: NGỌC PHÚ

Đại hội XIII của Đảng đặt nhân dân ở vị trí trung tâm, là chủ thể trong chiến lược phát triển đất nước; sự lãnh đạo của Đảng phải hướng vào vị trí trung tâm là nhân dân, phải khơi thông những nguồn lực và sự sáng tạo của nhân dân, tạo sự chuyển động tích cực của nhân dân. Trong tiến trình đổi mới, Đảng ngày càng quan tâm đến việc thể chế hóa thành những quy định về quyền làm chủ của nhân dân.

Điểm mới, rất quan trọng trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng chính là tiếp tục nhất quán quan điểm “Dân là gốc”, giữ vai trò nền tảng, ở “vị trí trung tâm”, lan tỏa và hội tụ, tác động nhiều chiều đến mọi lĩnh vực, lực lượng, tổ chức khác; tiếp tục khẳng định và làm sâu sắc hơn, cụ thể hóa quan điểm “Dân là chủ”, đồng thời xác định “vai trò chủ thể” của nhân dân, mà thực hiện quyền làm chủ của nhân dân là một điều kiện quan trọng để nhân dân giữ vững và phát huy vai trò chủ thể trong sự nghiệp cách mạng.

Tinh thần đổi mới ấy, suy cho cùng là việc khẳng định bản chất “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng” trong thời kỳ mới...

Trong khuôn khổ hội thảo, ông Thắng đề nghị cần đánh giá những kết quả nổi bật trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm”, phát huy sức mạnh nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời gian qua; phân tích sâu sắc thực trạng việc vận dụng bài học này với những nguyên nhân thành công, hạn chế của các địa phương, ngành, lĩnh vực...

NGỌC PHÚ

 

 

;
;
.
.
.
.
.
.