Chính trị
Vai trò của điều tra viên trong giải quyết các vụ án tham nhũng, chức vụ
Thời gian qua, tình hình tội phạm tham nhũng, chức vụ có nhiều diễn biến đáng chú ý, gây hậu quả, thiệt hại nghiêm trọng; nổi lên là tội phạm tham ô tài sản, đưa hối lộ, nhận hối lộ, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, vi phạm các quy định trong quản lý nhà nước gây thất thoát, lãng phí…
Đối tượng thực hiện tội phạm tham nhũng đa phần đều có chức vụ, quyền hạn, có trọng trách quan trọng trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, lợi dụng chức năng, nhiệm vụ được giao và sự lỏng lẻo trong công tác quản lý về tài chính, quy trình công tác để thực hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực. Sự thay đổi về quy định của tội phạm tham nhũng trong Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 nên hành vi tham nhũng không chỉ xảy ra ở các doanh nghiệp nhà nước, đơn vị hạch toán, sử dụng tài sản công mà còn mở rộng ra các doanh nghiệp tư nhân với thủ đoạn tinh vi, phức tạp, tính tổ chức rõ nét hơn.
Công an thành phố Đà Nẵng tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật trong công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; điều tra, xử lý tội phạm về tham nhũng, chức vụ, tiêu cực, lãng phí. Tập trung làm tốt công tác nắm tình hình, tổ chức xác minh phân loại ban đầu, đi vào trọng tâm, trọng điểm nhằm xác định rõ có hay không có dấu hiệu của tội phạm, tính chất, mức độ sai phạm của tổ chức, cá nhân; thường xuyên phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng tổ chức họp bàn, thống nhất, đề ra các giải pháp nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình điều tra, xác minh, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn thành phố.
Trong thời gian từ năm 2018 đến tháng 5-2024, Công an thành phố phát hiện, khởi tố, thụ lý 40 vụ án, 79 bị can, tài sản thiệt hại 350,56 tỷ đồng; thực hiện các biện pháp tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, đảm bảo thu hồi tài sản thiệt hại ước tính 325 tỷ đồng, đạt hơn 90%. Trong đó có nhiều vụ án phức tạp, đặc biệt nghiêm trọng, hậu quả thiệt hại đặc biệt lớn, gây dư luận xấu trong xã hội, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Điển hình, đã điều tra làm rõ, khởi tố các vụ án như: vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng liên quan đến các sai phạm trong hoạt động sử dụng sinh phẩm, vật tư y tế phục vụ phòng, chống Covid-19; vụ án vi phạm các quy định về quản lý nhà nước gây thất thoát, lãng phí, xảy ra tại Công ty Phát triển nhà Đà Nẵng; vụ án đưa và nhận hối lộ xảy ra tại UBND quận Cẩm Lệ liên quan đến việc đấu thầu và thi công nạo vét bùn hệ thống cống thoát nước trên địa bàn quận Cẩm Lệ; vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng); vụ án nhận hối lộ, môi giới hối lộ xảy ra tại các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới Đà Nẵng.
Qua công tác điều tra cho thấy, những hành vi tham nhũng, tiêu cực được phát hiện đã xảy ra từ nhiều năm trước, phương thức, thủ đoạn không mới, nổi lên vẫn là sự móc ngoặc, thông đồng, tiếp tay của cán bộ nhà nước với các doanh nghiệp, cá nhân nhằm hợp thức hóa thủ tục, hồ sơ chiếm đoạt tài sản nhà nước hoặc lợi dụng sơ hở, bất cập trong quy trình quản lý để hợp thức hóa chứng từ chiếm đoạt tài sản, có những sai phạm trở thành “luật bất thành văn”, gây bức xúc trong nhân dân như sai phạm trong hoạt động nạo vét bùn hệ thống cống thoát nước, đăng kiểm phương tiện xe cơ giới. Đặc biệt là từ khi thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng càng được quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, nhận thức về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của các cấp, các ngành cũng có nhiều chuyển biến tích cực hơn so với trước đây.
Để đạt được kết quả nổi bật trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm tham nhũng, chức vụ như đã nêu trên thì bên canh sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Công an thành phố phải nói đến vai trò cốt yếu, sự quyết tâm nỗ lực của các điều tra viên trong quá trình tiếp nhận, giải quyết thông tin về tội phạm, điều tra, xử lý người phạm tội. Điều tra viên là yếu tố quan trọng cần thiết, được hiểu là chức danh tư pháp, người tiến hành tố tụng trong cơ quan điều tra, được cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm và được thủ trưởng cơ quan điều tra phân công thụ lý vụ án, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ điều tra, thu thập chứng cứ chứng minh tội phạm và người phạm tội theo quy định của pháp luật.
Theo đó, ngay từ khi tiếp nhận thông tin về tội phạm, điều tra viên lập tức nghiên cứu hồ sơ hiện có, nắm bắt, xâu chuỗi các tình tiết quan trọng, từ những chi tiết nhỏ nhất không ai để ý, dễ bị bỏ qua; bằng những kinh nghiệm đấu tranh tội phạm trong từng lĩnh vực nhà nước thường bị các đối tượng lợi dụng khe hở pháp luật để phạm tội (lĩnh vực quản lý tài sản công; hoạt động quản lý nhà nước; tín dụng, ngân hàng; quản lý đất đai và xây dựng cơ bản…) mà nhanh chóng định hình toàn cảnh sự việc phạm tội về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đối tượng trong lĩnh vực quản lý, phương thức, thủ đoạn, cách thức che giấu hành vi phạm tội.
Trên cơ sở đó, điều tra viên xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể để thực hiện xác minh, thu thập tài liệu, từng bước xác lập chứng cứ đảm bảo đủ căn cứ khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Mặc dù, đây là giai đoạn đầu của công tác điều tra nhưng là giai đoạn khó khăn, phức tạp, quan trọng nhất, góp phần lớn trong việc thiết lập căn cứ khởi tố, định hướng điều tra, mở rộng vụ án, tránh bỏ lọt tội phạm, oan sai cho người vô tội. Bên cạnh đó, điều tra viên phải áp dụng các biện pháp xác minh để thu hồi tối đa tài sản bị chiếm đoạt. Trong xuyên suốt quá trình điều tra, điều tra viên phải nắm rõ các quy định của pháp luật về lĩnh vực quản lý nhà nước bị các đối tượng lợi dụng để phạm tội, đưa ra sai phạm dựa trên các chứng cứ đã xác lập được.
Đồng thời, thông qua những vụ án, điều tra viên cũng có thể chỉ ra những khe hở trong các lĩnh vực quản lý nhà nước để tham mưu các cấp phù hợp quy định pháp luật. Ngoài ra, điều tra viên trực tiếp thụ lý các vụ án tham những, chức vụ phải là người có phẩm chất đạo đức tốt, luôn kiên định, lập trường tư tưởng vững vàng để không bị các đối tượng phạm tội sử dụng các thủ đoạn làm lung lay ý chí dẫn đến sai lệch hồ sơ vụ án.
Từ đó có thể thấy vai trò của điều tra viên trong giải quyết các vụ án về tham nhũng và chức vụ là tối quan trọng, bảo đảm công tác điều tra đi đúng hướng, khách quan, xử lý đúng người, đúng tội, bảo đảm thu hồi tài sản thất thoát, thiệt hại, góp phần giữ vững công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng, chức vụ.
ĐẢNG ỦY CÔNG AN THÀNH PHỐ