Chính trị
Khi lá phiếu cử tri được phát huy
Từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và HĐND thành phố Đà Nẵng đổi mới cách thức tiếp xúc cử tri, kịp thời đề đạt kiến nghị lên các cơ quan Trung ương, thành phố, cấp có thẩm quyền giải quyết. Đi đôi với đó, tại các kỳ họp, các đại biểu nghiên cứu kỹ lưỡng, theo đuổi vấn đề, đóng góp nhiều nội dung quan trọng, giúp cơ quan soạn thảo nghiên cứu, hoàn chỉnh các chính sách, cơ chế, luật, nghị quyết trước khi trình Quốc hội, HĐND thành phố ban hành. Điều đó thể hiện “lá phiếu của cử tri” được phát huy hiệu quả.
17 năm làm đại biểu Quốc hội, bà Nguyễn Thị Kim Thúy luôn thể hiện tinh thần, trách nhiệm của đại biểu dân cử, tích cực phát biểu, chất vấn các vấn đề nóng trước nghị trường Quốc hội. Ảnh: PV |
Bài 1: Góp phần hoàn chỉnh cơ chế, chính sách
Tại các buổi thảo luận hội trường, thảo luận tổ, Đoàn ĐBQH và HĐND thành phố Đà Nẵng bám nắm vấn đề để kiến nghị, chất vấn. Những vụ việc mà kỳ họp này chưa giải quyết được, các đại biểu tiếp tục tìm hiểu, kiến nghị tại các kỳ họp tiếp theo, được cử tri thành phố ghi nhận, đánh giá cao.
Theo đuổi đến cùng nhiều vấn đề
Bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, thành viên Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng, liên tục được bầu làm ĐBQH trong 4 nhiệm kỳ (khóa XII, XIII, XIV và XV). Theo dõi hoạt động trên nghị trường, cử tri đều đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh của vị đại biểu dân cử này. Bà Thúy luôn quan tâm và không ngần ngại đóng góp ý kiến về những vấn đề “nóng”, từ bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp, giải pháp đột phá để người nông dân không phải chịu cảnh “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, chính sách đối với giáo viên, xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa, những bất cập trong xuất khẩu lao động, hạn chế tai nạn giao thông, bảo đảm công bằng, khách quan trong xét xử, ngăn chặn tội phạm ngay trong chính lực lượng chuyên trách phòng chống tội phạm...
Ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy có chiều sâu, sát thực tế và mang tính xây dựng cao. Đặc biệt, bà Thúy rất chịu khó “đeo bám” vấn đề, theo đuổi các kiến nghị cho đến khi các cơ quan hữu quan tiếp thu và đưa ra được giải pháp hợp lý. Điển hình là việc bà kiên trì theo đuổi mấy năm trời để bảo đảm quyền lợi chính đáng cho 256 giáo viên tại huyện Sóc Sơn (thành phố Hà Nội) cho đến khi toàn bộ giáo viên này được vào biên chế sau hàng chục năm cống hiến. “Trung ngôn - nghịch nhĩ” nhưng tôi không ngại, vì là người đại biểu dân cử đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri, thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội, chất vấn mang tính xây dựng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của cử tri. Với sự tin cậy, giúp đỡ, động viên của cử tri và các cơ quan, tổ chức từ Trung ương đến cơ sở trong suốt 17 năm qua là chỗ dựa vững chắc và là động lực mạnh mẽ giúp tôi vượt qua mọi áp lực để thực hiện nhiệm vụ đại biểu dân cử”, bà Thúy chia sẻ.
Đại biểu Huỳnh Bá Cử, Phó trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố, tham gia nhiều kỳ họp HĐND luôn trăn trở về chế độ, chính sách dành cho đội ngũ cán bộ không chuyên trách ở phường, xã. Công việc nặng nhọc nhưng thu nhập thấp, chỉ hưởng chế độ phụ cấp mà không được nâng lương theo quy định, ảnh hưởng đến tâm lý, đời sống cũng như sự cống hiến của họ. Nhiều kỳ họp, đại biểu kiến nghị nhằm sửa đổi, bổ sung quy định để có thể nâng cao mức trợ cấp cho đối tượng này. Những vấn đề ông theo đuổi kiến nghị đã góp phần quan trọng, qua đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 33/2023/NĐ-CP quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; nhờ đó, mức trợ cấp cho đối tượng này đã được nâng lên.
Cùng với đó, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 99/2023/NQ-HĐND quy định về chức danh, chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách phường, xã trên địa bàn thành phố. Theo đó, người hoạt động không chuyên trách phường, xã được hưởng mức phụ cấp hằng tháng là 1,5 lần mức lương cơ sở (bao gồm mức đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế). Đặc biệt, với việc kiên trì kiến nghị, đề xuất đến cùng việc khoán kinh phí hành chính cho người hoạt động không chuyên trách phường, xã từ năm 2019 là 20 triệu đồng/năm, đến năm 2020 lên 32 triệu/năm và đến nay là 58 triệu đồng/năm, góp phần thu nhập tăng thêm cho đối tượng này.
Tuy nhiên, qua 3 nhiệm kỳ đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách đến nay, ông Cử vẫn còn trăn trở, ray rứt một điều là Trung ương chậm sửa đổi Nghị định số 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội, đồng thời các sở, ngành có liên quan của thành phố chưa mạnh dạn, đột phá đề xuất lãnh đạo thành phố chính sách đối với chức danh phó chủ tịch Hội Người cao tuổi, Hội Chữ thập đỏ xã, phường nên các chức danh này hiện nay vẫn chưa có hỗ trợ như các chức danh tương đồng khác tại xã, phường... “Chúng tôi tiếp tục kiên trì theo đuổi vấn đề này trong thời gian tới, mong muốn cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi luật, nghị định, góp phần hỗ trợ chế độ, chính sách cho các đối tượng trên để động viên họ tham gia tích cực các phong trào địa phương”, ông Cử nói.
Đóng góp các ý kiến tâm huyết, giá trị
Đại biểu Lương Công Tuấn, Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố, luôn thể hiện trách nhiệm, bản lĩnh của đại biểu dân cử. Dù mới tham gia từ khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 nhưng ông rất xông xáo phát biểu, chất vấn. “Là đại biểu chuyên trách nên bản thân luôn nỗ lực tìm hiểu kỹ tất cả các lĩnh vực để đóng góp được nhiều ý kiến hơn, cùng với các đại biểu khác để HĐND thành phố kịp thời ban hành các chính sách quan trọng, bảo đảm quyền lợi của người dân, kịp thời giải quyết bức xúc, nguyện vọng của cử tri, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội”, ông Tuấn chia sẻ.
Tham gia đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường đóng góp hàng chục ý kiến về các dự thảo luật, các chính sách phát triển kinh tế-xã hội cũng như cơ chế đặc thù tại các địa phương. Bản thân ông nhận thức rằng, trong các dự án luật thì Luật Đất đai (sửa đổi) là luật quan trọng, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; giữ vai trò trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai, có mối quan hệ với nhiều quy định khác của pháp luật. Qua 4 kỳ họp Quốc hội liên tiếp, đại biểu Trần Chí Cường cũng như các thành viên trong đoàn đại biểu của Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng nghiên cứu kỹ lưỡng, sát tình hình thực tế địa phương để đóng góp ý kiến tại các buổi thảo luận hội trường, thảo luận ở tổ và các phiên chất vấn của Quốc hội. Nhiều đóng góp của đoàn giúp cơ quan soạn thảo nghiên cứu chỉnh lý, trình Quốc hội thông qua dự án luật.
Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Nguyễn Duy Minh cho biết, qua các kỳ họp của Quốc hội khóa XV, các đại biểu của đoàn rất tích cực tham gia góp ý các dự án luật, giám sát tối cao và nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Bình quân mỗi kỳ họp, các đại biểu của đoàn tham gia 30-40 lượt ý kiến tại hội trường, ở tổ, bằng văn bản và thông qua phỏng vấn báo chí. Các ý kiến của đoàn đều phản ảnh nhiều vấn đề thực tiễn ở địa phương, được cơ quan soạn thảo ghi nhận, tiếp thu, giải trình và chỉnh lý vào các dự án luật, chính sách trước khi trình Quốc hội ban hành.
Mới đây, tại đợt 1 kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH thành phố nghiên cứu, thảo luận đóng góp nhiều ý kiến quan trọng về kết quả bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng cuối năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2024; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023; các dự án luật dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7. Đặc biệt trong đó có dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Trần Phước Sơn cho biết, trong năm 2023, Thường trực HĐND thành phố tổ chức 5 kỳ họp, trong đó có 3 kỳ họp chuyên đề, 2 kỳ họp thường kỳ để thảo luận, bàn bạc và thông qua 220 tờ trình và dự thảo nghị quyết về các chủ trương, chính sách quan trọng, là căn cứ pháp lý để UBND thành phố tiếp tục triển khai thực hiện, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Từ đầu năm 2024 đến nay, HĐND thành phố đã tổ chức 3 kỳ họp chuyên đề để bàn và xem xét, quyết định một số nội dung quan trọng, mang tính cấp bách về nhân sự cũng như phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố. “Việc tăng cường tổ chức các kỳ họp chuyên đề trong bối cảnh tổ chức thí điểm mô hình chính quyền đô thị cũng là một trong những hoạt động đổi mới của HĐND thành phố nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND”, ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, qua các kỳ họp, đại biểu HĐND đóng góp rất nhiều ý kiến quan trọng. Nhiều vấn đề còn vướng mắc, đại biểu góp ý, thảo luận, phân tích cặn kẽ, qua đó để HĐND thành phố tham khảo, hoàn chỉnh trước khi thông qua các nghị quyết. Những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, HĐND thành phố sẽ xem xét, tiếp tục trao đổi và thông qua tại các kỳ họp sau. Với tinh thần, trách nhiệm, từ đầu nhiệm kỳ tới nay, hàng trăm ý kiến của đại biểu được HĐND tham vấn, qua đó, kịp thời ban hành các nghị quyết, chính sách phù hợp. Riêng trong năm 2023, HĐND thành phố ban hành 109 nghị quyết, trong đó có 39 nghị quyết quy phạm pháp luật, 2 nghị quyết về kinh tế - xã hội, 9 nghị quyết liên quan đến sử dụng ngân sách địa phương; 8 nghị quyết về nhân sự.
NGỌC PHÚ