Chính trị

Như một nén nhang lòng…

07:57, 22/07/2024 (GMT+7)

Ngày 16-7-2024, khi dự họp Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (gọi tắt là Liên hiệp Hội) ở Hà Nội nhằm sơ kết hoạt động của Liên hiệp Hội 6 tháng đầu năm, tôi được tặng cuốn sách Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật mới ấn hành và cho ra mắt độc giả vào dịp kỷ niệm 99 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam hồi tháng 6-2024. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.

Đoàn Chủ tịch chúng tôi hơn 20 văn nghệ sĩ, nhưng vì số lượng sách được tặng có hạn nên chỉ có thể ưu tiên cho các ủy viên Đoàn Chủ tịch đến từ các địa phương - trong đó có Đà Nẵng.

Giờ đây, khi tác giả của cuốn sách Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc vừa về cõi vô cùng vào ngày 19-7, tôi đã ngồi lần giở cuốn sách dày hơn 900 trang này để tìm đọc hai bài tôi từng trực tiếp nghe Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu - bài Văn học, nghệ thuật phải đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc (phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX Liên hiệp Hội nhiệm kỳ 2016-2021 vào ngày 9-1-2016, từ trang 269-279); bài Đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà cần đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu của sự nghiệp chấn hưng văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ mới (phát biểu tại Lễ kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Liên hiệp Hội 1948-2023 vào ngày 25-7-2023, từ trang 280-293) và một bài tôi được nghe Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc - bài Quyết tâm chấn hưng và xây dựng thành công một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc (phát biểu tại hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào ngày 24-11-2021, từ trang 29-53).

Có thể nói bài phát biểu của Tổng Bí thư tại hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đã tác động đáng kể đến nỗ lực đặt văn hóa “ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” (theo quan điểm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI nêu trong Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước) của cả nước nói chung và của Đà Nẵng nói riêng.

Sở dĩ có thể nói vậy vì nếu không có tác động của hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 cũng như của bài phát biểu đầy tâm huyết ấy thì chưa chắc tôi được phân công báo cáo chuyên đề về phát huy giá trị lịch sử/văn hóa Đà Nẵng cho bí thư chi bộ khu dân cư toàn thành phố tại Cung Thể thao Tiên Sơn vào ngày 29-3-2022 nhân kỷ niệm 25 năm Đà Nẵng trực thuộc Trung ương.

Vốn xuất thân là người làm nghề tổ chức xây dựng Đảng nên tôi cứ đọc đi đọc lại và rất tâm đắc đoạn Tổng Bí thư viết về yêu cầu xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa: “Công tác lãnh đạo và quản lý văn hóa không chỉ đòi hỏi có phẩm chất chính trị mà còn phải có trình độ chuyên môn, am hiểu đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, có tầm nhìn sâu rộng, có khả năng vận động và thuyết phục các tầng lớp nhân dân tham gia công cuộc xây dựng và phát triển văn hóa. Đặc biệt chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ làm công tác văn hóa, văn học, nghệ thuật. Đội ngũ này có vai trò cực kỳ quan trọng trong sự nghiệp văn hóa nói riêng và trong sự nghiệp cách mạng nói chung” (trang 48).

Liên quan đến vấn đề này, trong bài phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX Liên hiệp Hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn nhấn mạnh: “Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cần phấn đấu để thực sự là mái nhà chung cho các hội văn học, nghệ thuật cả nước, thực sự là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam; là nơi tập hợp, động viên đội ngũ văn nghệ sĩ cả nước sáng tạo, nghiên cứu, phê bình, định hướng thẩm mỹ và năng lực thụ hưởng văn hóa cho công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ” (trang 277); hoặc trong bài phát biểu tại Lễ kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Liên hiệp Hội, Tổng Bí thư cũng đề nghị Liên hiệp Hội “tiếp tục tham mưu, tư vấn, phản biện trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật với các tiêu chí cụ thể để phát hiện, thu hút, trọng dụng, sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức - văn nghệ sĩ có tài năng, nhằm xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ lớn mạnh, bảo đảm số lượng và chất lượng, có cơ cấu phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới (…) quan tâm đến công tác khuyến khích, tôn vinh các văn nghệ sĩ có thành tích xuất sắc trong hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật” (trang 291, 292).

Có thể nói qua 13 năm đảm đương trọng trách người lãnh đạo cao nhất của Đảng ta, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn quan tâm tạo nên nhiều động lực hữu hiệu cho sự phát triển của thành phố bên sông Hàn, trong đó có sự phát triển về văn hóa, văn học nghệ thuật.

Chẳng hạn vào sáng ngày 17-10-2013, tại trụ sở Trung ương Đảng, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ Chính trị khóa XI có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về tình hình 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 16-10-2003 của Bộ Chính trị (khóa IX) về Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nội dung buổi làm việc này là cơ sở để Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 75-KL/TW ngày 12-11-2013 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW.

Tôi còn nhớ lúc giải lao, Tổng Bí thư đã ân cần thăm hỏi về việc Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng chỉ đạo khắc phục hậu quả cơn bão Nari vừa hoành hành ở Đà Nẵng cùng các tỉnh láng giềng Quảng Nam và Thừa Thiên Huế hai ngày trước đó. Hay vào chiều ngày 18-3-2014, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu đoàn công tác Trung ương đến thăm, làm việc tại thành phố Đà Nẵng, kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XX của Đảng bộ thành phố và các nghị quyết, kết luận của Trung ương.

Mới đây nhất, ngay sau khi tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, vào ngày 24-1-2019, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Bộ Chính trị khóa XII ký ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW về Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; và cũng theo chỉ đạo của Tổng Bí thư, chỉ sau 5 năm Đà Nẵng triển khai thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW, Bộ Chính trị khóa XIII đã kịp thời ban hành Kết luận số 79-KL/TW ngày 13-5-2024 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW, tạo quyết tâm chính trị để Quốc hội khóa XV sớm ban hành Nghị quyết số 136/2024/QH15 ngày 26-6-2024 về Tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng…
*
Bài viết này như một nén nhang lòng thắp lên để tưởng nhớ người cộng sản nhiệt thành Nguyễn Phú Trọng. Xin vĩnh biệt Anh!

BÙI VĂN TIẾNG
Nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy,
nguyên Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng​​

.