Chính trị

Chính quyền đô thị Đà Nẵng: Từ thí điểm đến chính thức - Bài 3: Tạo động lực phát triển khu vực miền Trung

08:04, 21/08/2024 (GMT+7)

Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đồng ý chủ trương cần có cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng, tạo động lực cho phát triển khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.

Giao dịch tại bộ phận “Một cửa” phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu).  Ảnh: TRỌNG HÙNG
Giao dịch tại bộ phận “Một cửa” phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu). Ảnh: TRỌNG HÙNG

Quốc hội ban hành Nghị quyết số 119/2020/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng là bước thể chế hóa Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị. Sau 3 năm thực hiện thí điểm, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 136/2024/QH15 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Quyết tâm lớn của thành phố

Phát biểu tại kỳ họp thứ 19 HĐND thành phố Đà Nẵng khóa X ngày 29-7, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh: Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết số 136/2024/QH15 thể hiện sự tin tưởng cao của Quốc hội và cử tri cả nước vào sự phát triển của thành phố, đồng thời cũng thể hiện sự tâm huyết, quyết tâm chính trị rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và kỳ vọng của mỗi người dân. Đây là văn bản có ý nghĩa rất quan trọng, tạo khuôn khổ pháp lý hữu hiệu để Đà Nẵng phát huy tiềm năng, lợi thế, đột phá về kinh tế - xã hội, hiện thực hóa những quan điểm, mục tiêu của  Nghị quyết số 43-NQ/TW.

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Võ Ngọc Đồng, Ban Thường vụ Thành ủy chủ động và đề xuất Ban Kinh tế Trung ương tiến hành sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW. Bộ Chính trị nghe đề án sơ kết, trên cơ sở đó ban hành Kết luận số 79-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW, thống nhất chủ trương “thực hiện chính thức mô hình chính quyền đô thị và hoàn thiện tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động của chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng” và yêu cầu “tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật để tháo gỡ vướng mắc, bất cập khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị”. Đây được xem là cơ sở chính trị hết sức quan trọng để Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo Quốc hội rà soát, xây dựng và ban hành Nghị quyết số 136/2024/QH15 với 4 chương và 18 điều thay thế Nghị quyết số 119/2020/QH14. Theo đó, quy định thành phố Đà Nẵng chính thức tổ chức chính quyền đô thị từ ngày 1-1-2025.

Ông Đồng cho biết thêm, sau khi nghe báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14, để tạo tính đồng bộ cho việc chính thức tổ chức chính quyền đô thị, Quốc hội thống nhất ban hành, cho phép thực hiện một số chính sách mới lần đầu tiên được áp dụng hoặc bổ sung các chính sách đã phát huy hiệu lực, hiệu quả tương tự trên thực tế nhằm hoàn thiện tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động của chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng, khắc phục những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện thí điểm theo chủ trương của Bộ Chính trị tại Kết luận số 79-KL/TW.

Nhấn mạnh  tầm quan trọng của Kết luận số 79-KL/TW, tại hội nghị quán triệt kết luận diễn ra ngày 18-7, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh, nếu không có Kết luận số 79-KL/TW, rất nhiều nội dung, chính sách, cơ chế mới mà Đà Nẵng cùng các bộ, ngành và Chính phủ đề xuất trong Nghị quyết số 136/2024/QH15 chắc chắn sẽ không có cơ sở chính trị để Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo Ủy ban Thường vụ và Quốc hội xem xét thông qua.

Tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc

Nghị quyết số 136/2024/QH15 quy định đồng bộ những chính sách mới bổ sung nhằm hoàn thiện tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động của chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng. Theo đó, kiện toàn cơ cấu tổ chức HĐND thành phố theo hướng tăng số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách. Việc bổ sung quy định bố trí tối đa 2 phó chủ tịch HĐND thành phố hoạt động chuyên trách và mỗi Ban thuộc HĐND thành phố có thể bố trí 1 ủy viên chuyên trách là giải pháp quan trọng để hoàn thiện tổ chức cơ cấu thường trực và các ban của HĐND thành phố, tăng cường năng lực giám sát đối với hoạt động của các cấp chính quyền địa phương trong bối cảnh chính thức tổ chức chính quyền đô thị.

Đặc biệt, sau 7 năm triển khai thực hiện thí điểm thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm, Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội đã quy định thẩm quyền của HĐND thành phố được thành lập Sở An toàn thực phẩm.

Theo đánh giá của UBND thành phố, việc thành lập Sở An toàn thực phẩm là cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố sẽ giúp UBND thành phố triển khai thực hiện công tác quản lý an toàn thực phẩm, tham gia giám sát, truy xuất nguồn gốc tại các chợ, trung tâm thương mại, dịch vụ ngày càng được nâng cao, tăng chất lượng hàng hóa trên địa bàn thành phố.

Đồng thời sẽ nâng cao nhận thức, sự quan tâm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ, siêu nhỏ. Tập trung đầu mối thanh tra, kiểm tra thuận lợi cho người dân khi chỉ có một cơ quan quản lý an toàn thực phẩm cấp thành phố tiến hành thanh tra, kiểm tra cơ sở với tần suất theo quy định, tránh chồng chéo và tình trạng mỗi năm một cơ sở, doanh nghiệp phải chịu sự thanh tra, kiểm tra của nhiều cơ quan quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm.

Nghị quyết cũng quy định, UBND thành phố được chủ động, linh hoạt trong tổ chức bộ máy của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận khi tổ chức chính quyền đô thị, khắc phục vướng mắc khi thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị. Đây là chính sách mới về tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận, bảo đảm việc thực hiện chức năng nhiệm vụ quản lý đô thị, phát huy hiệu quả quản lý Nhà nước khi tổ chức bộ máy tinh gọn, năng động, phù hợp với đặc thù từng địa bàn quận, tạo điều kiện sử dụng, quản lý biên chế công chức hợp lý, tiết kiệm, linh hoạt, khoa học hơn.

Một điểm mới đáng kể, Quốc hội chính thức quy định việc liên thông giữa cán bộ, công chức phường, xã với cán bộ công chức cấp huyện trở lên. Quy định này nhằm chuẩn hóa đội ngũ công chức phường, xã, tạo sự liên thông, đồng bộ trong quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, điều động và bố trí nguồn lực nhân sự phục vụ công tác xây dựng, tham mưu quản lý Nhà nước trên địa bàn thành phố, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính phục vụ tổ chức, công dân. Để đồng bộ với việc chính thức thực hiện chính quyền đô thị và chính sách liên thông quản lý cán bộ công chức phường, xã, Quốc hội thống nhất quy định thẩm quyền của HĐND thành phố quyết định cụ thể số lượng cán bộ, công chức làm việc tại phường, xã. Quy định này tạo sự linh động trong điều tiết, bố trí nguồn nhân lực, bảo đảm nâng cao hiệu lực sử dụng nguồn nhân lực, làm cơ sở thực hiện liên thông, thống nhất chế độ công vụ cán bộ, công chức phường, xã với công chức quận, huyện.

Nghị quyết quy định về thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ của HĐND quận, phường cho UBND thành phố, UBND quận và UBND phường khi không còn HĐND quận, phường, bảo đảm các nội dung liên quan đến thẩm quyền quyết định của HĐND quận, HĐND phường trước đây tại các văn bản pháp luật được quy định để khi thực hiện chính quyền đô thị, các địa phương có cơ sở pháp lý triển khai thực hiện. HĐND thành phố có thẩm quyền thay thế, bãi bỏ các văn bản do HĐND quận, phường ban hành trước 1-7-2021 để khắc phục “khoảng trống” về thẩm quyền thực hiện chức năng nhiệm vụ khi không còn HĐND quận, phường.

Một khó khăn được quan tâm nhất khi thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14 là quận, phường thành đơn vị dự toán ngân sách. Cơ chế này gây nhiều vướng mắc, hạn chế sự chủ động của các địa phương khi không còn là cấp ngân sách, không còn nguồn kết dư như trước đây. Nghị quyết số 136/2024/QH15 giúp tháo gỡ khó khăn này, tạo điều kiện cho quận, phường chủ động xử lý các nhiệm vụ phát sinh chưa được phân bổ dự toán ngân sách. Theo đó, dự toán chi ngân sách của UBND quận, phường được bố trí khoản chưa phân bổ từ 2% đến 4% tổng chi ngân sách quận, phường để thực hiện chi phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố, thảm họa, cứu đói, nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng, an ninh và nhiệm vụ cần thiết khác. Chủ tịch UBND quận, phường quyết định chi từ khoản chưa phân bổ, định kỳ 6 tháng, UBND phường báo cáo UBND quận tổng hợp, báo cáo UBND thành phố để báo cáo HĐND thành phố tại kỳ họp gần nhất.

Đáng chú ý, để tạo sự đồng bộ, hiệu quả trong quá trình thực hiện chính thức chính quyền đô thị, tạo động lực khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức, người có tài năng tham gia xây dựng và phát triển thành phố, Nghị quyết quy định chính sách thí điểm về thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức do thành phố quản lý và thí điểm quyết định mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, người tài năng của thành phố.

“Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết số 136/2024/QH15 thay thế Nghị quyết số 119/2020/QH14 là chủ trương của Trung ương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động, sáng tạo, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của thành phố trong tổ chức bộ máy, biên chế, chính sách và quản lý cán bộ, công chức, viên chức, góp phần thực hiện mục tiêu Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị. Việc này đã khẳng định quyết tâm chính trị, tạo sự thống nhất cao hơn về nhận thức và hành động cả ở Trung ương và địa phương trong thực hiện thành công các giải pháp và đạt được các mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết số 43-NQ/TW. Đồng thời, tiếp tục thể hiện sự quan tâm, động viên, khích lệ thành phố chủ động, sáng tạo hơn cho phát triển bền vững, nhanh hơn và đột phá hơn trong thời gian tới”, ông Võ Ngọc Đồng nhấn mạnh.

"Nghị quyết số 136/2024/QH15 là cơ sở pháp lý quan trọng, là nền tảng vững chắc mở ra nhiều cơ hội, động lực mới và các chính sách đặc thù nhằm thu hút các nguồn lực và phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của thành phố, tạo ra các đột phá đưa thành phố phát triển nhanh và bền vững trong thời gian đến”. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp thứ 19 HĐND thành phố Đà Nẵng khóa X

​​​​​​​T.HÙNG - T. HUY - N. PHÚ - H.NHUNG

.