Chính trị
Chính quyền đô thị Đà Nẵng: Từ thí điểm đến chính thức - Bài cuối: Tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt về phát triển kinh tế - xã hội của thành phố
Quốc hội ban hành Nghị quyết số 136/2024/QH15 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; trong đó quy định tổ chức chính quyền đô thị tại Đà Nẵng, đồng thời hoàn thiện tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động của chính quyền đô thị từ ngày 1-1-2025.
Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh |
Trao đổi với Báo Đà Nẵng, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh cho biết:
- Nghị quyết số 136/2024/QH15 là văn bản pháp luật có tính định hướng lớn, là cơ sở để huy động các nguồn lực nhằm phát triển thành phố trong giai đoạn tiếp theo. Mục tiêu của nghị quyết là xây dựng bộ máy chính quyền thành phố gọn nhẹ, hoạt động nhanh nhạy, thông suốt, cơ quan hành chính tích cực, chủ động điều hành, giải quyết kịp thời và hiệu quả những vấn đề cấp bách ở địa phương; tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt về phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Đặc biệt, góp phần tích cực vào việc cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường thu hút đầu tư trong và ngoài nước, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động, nhất là trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư, quản lý đô thị, đất đai, tài nguyên, tài chính, ngân sách...
Đồ họa: XUÂN HẬU
* Căn cứ thực tiễn nào để Quốc hội chính thức cho phép thành phố Đà Nẵng tổ chức chính quyền đô thị, thưa đồng chí?
- Quốc hội “thể chế hóa” quy định chính thức tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng xuất phát từ cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn. Về cơ sở chính trị, pháp lý, Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng đã chỉ rõ: “Hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm ở nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt theo luật định”. Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã sửa đổi, bổ sung Điều 44 và Điều 58 về chính quyền địa phương ở quận và phường, tạo cơ sở pháp lý cho việc tổ chức chính quyền đô thị ở nơi có đủ điều kiện.
Căn cứ kết quả sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 79-KL/TW ngày 13-5-2024 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW, thống nhất chủ trương “thực hiện chính thức mô hình chính quyền đô thị và hoàn thiện tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động của chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng” và yêu cầu “tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật để tháo gỡ vướng mắc, bất cập khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị”. Đây được xem là cơ sở chính trị quan trọng để Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo Quốc hội rà soát, xây dựng và ban hành Nghị quyết số 136/2024/QH15 với 4 chương và 18 điều thay thế Nghị quyết số 119/2020/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
Về cơ sở thực tiễn, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14, Chính phủ đã tổ chức sơ kết báo cáo Quốc hội cho thấy thí điểm tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng đạt được những kết quả tích cực, tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thủ tục hành chính được cắt giảm, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, người dân. Tính năng động trong hoạt động điều hành của chính quyền, trách nhiệm cá nhân, nhất là của người đứng đầu UBND quận, phường được nâng cao. Việc phân cấp, ủy quyền cho cấp dưới và cơ quan chuyên môn được đẩy mạnh và thực hiện toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, bước đầu phát huy tính ưu việt của chính quyền đô thị, bảo đảm phát huy quyền làm chủ của người dân, góp phần quan trọng trong phát triển thành phố Đà Nẵng.
Như vậy, sau Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Hà Nội, từ ngày 1-1-2025, thành phố Đà Nẵng được chính thức thực hiện tổ chức chính quyền đô thị, “bảo đảm tương đồng với các thành phố lớn trong cả nước” theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 43-NQ/TW.
* Trong khoảng thời gian từ nay đến thời điểm nghị quyết có hiệu lực, thành phố tập trung những nhiệm vụ, giải pháp gì để việc triển khai nghị quyết bảo đảm hiệu lực, hiệu quả?
- Để Nghị quyết số 136/2024/QH15 sớm đi vào cuộc sống, khai thác hiệu quả các cơ chế, chính sách được Quốc hội thông qua thì thành phố phải vào cuộc, triển khai ngay các công việc trước mắt và lâu dài. Việc đầu tiên là UBND thành phố khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai Nghị quyết số 136/2024/QH15 với yêu cầu cụ thể các nhiệm vụ, giải pháp, tiến độ thực hiện và giao trách nhiệm chi tiết cho các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện trên địa bàn. UBND thành phố khẩn trương phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ ngành Trung ương tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định triển khai Nghị quyết số 136/2024/QH15, thành lập Ban chỉ đạo triển khai nghị quyết và quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ chế hoạt động của Ban chỉ đạo; phối hợp với Bộ Nội vụ tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 136/2024/QH15; phối hợp với Bộ Tư pháp tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 136/2024/QH15.
Đối với cấp thành phố, tham mưu, trình HĐND thành phố nghị quyết về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 136/2024/QH15. UBND thành phố sẽ ban hành kế hoạch triển khai thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, chỉ thị của Thành ủy, nghị quyết của HĐND thành phố ngay sau khi các văn bản được ban hành. Các sở, ngành, đơn vị liên quan nghiên cứu xây dựng, tham mưu ban hành các cơ chế, chính sách theo thẩm quyền được quy định tại Nghị quyết số 136/2024/QH15 về quản lý đầu tư; quản lý tài chính, ngân sách Nhà nước; quản lý quy hoạch, đô thị, tài nguyên, môi trường; thu hút nhà đầu tư chiến lược; đầu tư phát triển vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, thông tin truyền thông, quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo. Trong đó, trình Thường trực HĐND thành phố ban hành Nghị quyết về danh mục văn bản quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 136/2024/QH15 thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố và Chủ tịch UBND thành phố ban hành danh mục quyết định của UBND thành phố quy định chi tiết của nghị quyết.
Cùng với đó, nghiên cứu, xây dựng Đề án Khu Thương mại tự do Đà Nẵng, trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Khu Thương mại tự do Đà Nẵng. Nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng khoa học và công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ được ưu tiên; khai thác có hiệu quả các khu công nghệ thông tin tập trung, khu công viên phần mềm để thúc đẩy phát triển lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và vi mạch bán dẫn; triển khai hiệu quả chuyển đổi số để phát triển các ngành, lĩnh vực sản xuất mới, y tế, giáo dục.
Các văn bản có liên quan, quy chế làm việc của các cấp sẽ được rà soát sửa đổi, bổ sung phù hợp với nghị quyết. Đối với công tác nhân sự, sẽ trình HĐND thành phố quyết định số lượng cán bộ, công chức làm việc tại phường, xã; hướng dẫn quy trình chuyển cán bộ phường và cán bộ, công chức xã thành cán bộ, công chức cấp huyện làm việc tại phường, xã; ban hành quy định về bầu cử, tuyển dụng, quản lý, sử dụng và phân cấp quản lý cán bộ, công chức làm việc tại phường, xã. Song song đó, tham mưu trình HĐND thành phố quan tâm đối với tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức; ban hành nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 107/2017/NQ-HĐND ngày 7-7-2017 của HĐND thành phố ban hành quy định chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao khu vực công thành phố Đà Nẵng, trong đó có quy định mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng của thành phố.
Trong quá trình triển khai thực hiện, thành phố sẽ tiếp tục phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu, rà soát và đề xuất bổ sung (nếu có) để bảo đảm cụ thể hóa đầy đủ các văn bản của các cấp có thẩm quyền trong việc triển khai hiệu quả, kịp thời Nghị quyết số 136/2024/QH15; tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật để tháo gỡ vướng mắc, bất cập khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị; nâng cao chất lượng chính quyền điện tử, xây dựng chính quyền số, nền kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh.
* Đồng chí chuẩn bị tâm thế và kế hoạch cụ thể như thế nào để lãnh đạo UBND thành phố, các sở, ngành, địa phương thực hiện tốt nhất, hiệu quả nhất chính quyền đô thị mà nghị quyết đã đề ra?
- Nhận thức sâu sắc Nghị quyết số 136/2024/QH15 thực sự là cơ hội để phát triển thành phố, với trách nhiệm người đứng đầu đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan, bên cạnh công tác tuyên truyền phổ biến sâu rộng đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân, phải khẩn trương tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thành ủy, HĐND thành phố, UBND thành phố ban hành đầy đủ các văn bản triển khai thực hiện trước và ngay sau khi nghị quyết có hiệu lực.Hiện, dự thảo kế hoạch triển khai nghị quyết của UBND thành phố đã trình Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy cho ý kiến.
Đối với nội dung tổ chức chính quyền đô thị, thành phố tập trung triển khai đồng bộ những chính sách mới bổ sung nhằm hoàn thiện tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động của chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng. Cụ thể, kiện toàn cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của HĐND thành phố, UBND, Chủ tịch UBND thành phố, quận, phường; chuẩn bị để thành lập Sở An toàn thực phẩm; rà soát, chủ động tổ chức bộ máy của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận khi tổ chức chính quyền đô thị. Bên cạnh đó, thống nhất quản lý chế độ công vụ theo hướng đồng bộ, liên thông cán bộ, công chức phường, xã với cán bộ, công chức cấp huyện trở lên; rà soát bổ sung quy chế làm việc UBND thành phố, quận, phường để quy định rõ hơn nhằm khắc phục “khoảng trống” về thẩm quyền thực hiện chức năng, nhiệm vụ khi không còn HĐND quận, phường và khắc phục khó khăn, vướng mắc về cơ chế tài chính của UBND quận, phường khi UBND quận, phường không còn là một cấp ngân sách…
Đối với nội dung về cơ chế, chính sách đặc thù, tập trung chỉ đạo, hoàn thiện dự thảo kế hoạch triển khai Nghị quyết số 136/2024/QH15 ngay sau khi có ý kiến chỉ đạo, thông qua của Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy; chuẩn bị tốt nhất về mọi mặt để thực hiện hiệu quả nghị quyết và kế hoạch triển khai Nghị quyết số 136/2024/QH15 của UBND thành phố.
Với sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, đồng thuận của cử tri và nhân dân, tôi tin tưởng thành phố sẽ thực hiện thành công nghị quyết mới, góp phần thúc đẩy, phát triển thành phố, xứng đáng với kỳ vọng của Trung ương.
* Cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi này!
N. PHÚ - H.NHUNG - T. HUY - T.HÙNG