Trao đổi với Báo Đà Nẵng về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025, Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Võ Ngọc Đồng cho biết, có 3 địa phương phải thực hiện sắp xếp là quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, với số phường từ 17 xuống còn 8 phường, giảm 9 phường. Như vậy, thực hiện đề án, thành phố Đà Nẵng sẽ còn 36 phường và 11 xã.
Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Võ Ngọc Đồng. |
* Việc sắp xếp đơn vị hành chính cũng như điều chỉnh địa giới, cử tri nơi thực hiện sáp nhập và người dân thành phố đánh giá như thế nào ? Qua sắp xếp, có bao nhiêu cán bộ dôi dư , thưa ông?
- Ngoài sắp xếp 17 phường còn 8 phường, thành phố phải điều chỉnh địa giới tại một số địa phương, như điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính giữa quận Thanh Khê và quận Liên Chiểu để mở rộng địa giới đơn vị hành chính quận Thanh Khê. Cụ thể: Điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính giữa phường Thanh Khê Tây thuộc quận Thanh Khê và phường Hòa Minh thuộc quận Liên Chiểu; giữa phường Thanh Bình và phường Thuận Phước thuộc quận Hải Châu để mở rộng địa giới đơn vị hành chính phường Thanh Bình; giữa phường Mân Thái và phường Thọ Quang để mở rộng địa giới đơn vị hành chính phường Mân Thái.
Để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, thành phố đã lấy ý kiến của cử tri ở các địa phương có sáp nhập, điều chỉnh. Kết quả, hầu hết cử tri đều đồng ý với tỷ lệ hơn 94%. Trong đó, tỷ lệ cao nhất là tại phường Phước Ninh (quận Hải Châu) với 99,97% cử tri đồng ý, thấp nhất là phường Thọ Quang có tỷ lệ 84,12% cử tri đồng ý. Như vậy, kết quả lấy ý kiến cử tri bảo đảm đạt hơn 50% số cử tri đồng ý theo quy định.
Căn cứ thực trạng số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách của các phường trước khi thực hiện sáp nhập và định mức cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách của các phường sau sáp nhập; theo đề án Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của các quận, huyện thì số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư của toàn thành phố là 167 người gồm: 54 cán bộ, 69 công chức và 44 người hoạt động không chuyên trách.
* Việc sắp xếp cán bộ dôi dư tại thành phố đã triển khai như thế nào?
- Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định: “Các địa phương được bố trí số lượng biên chế công chức sau sắp xếp không vượt số lượng trước khi sắp xếp và cho phép giải quyết số cán bộ, công chức dôi dư trong thời hạn 5 năm (60 tháng) kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính có hiệu lực”. Để bảo đảm quyền lợi của cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2023-2025, cấp ủy, chính quyền các cấp của thành phố đã tập trung đồng bộ các giải pháp về tuyển dụng, bố trí, sắp xếp và đề xuất các chế độ, chính sách cụ thể.
Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Thành ủy đã có chủ trương tạm dừng tuyển dụng tại các cơ quan hành chính, rà soát để tạo điều kiện cho cán bộ, công chức các phường thuộc diện sáp nhập có đủ tiêu chuẩn, điều kiện, năng lực đến công tác tại các sở, ban, ngành ở thành phố và các quận, huyện không thuộc diện sáp nhập. Quận ủy, UBND các quận có các phường thuộc diện sắp xếp đơn vị hành chính chủ động rà soát và có phương án bố trí sắp xếp đối với các trường hợp dôi dư trong 60 tháng theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, gồm nghỉ hưu đúng tuổi, nghỉ hưởng các chế độ tinh giản và điều động đến công tác tại các phường không thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và các cơ quan, đơn vị khác thuộc quận hiện còn thiếu biên chế bảo đảm phù hợp với vị trí việc làm, trình độ chuyên môn, năng lực công tác...
Theo đề án, phường Xuân Hà và phường Tam Thuận sẽ sáp nhập với tên gọi mới là phường Xuân Hà. TRONG ẢNH: Chủ tịch UBND Lê Trung Chinh thành phố kiểm tra hành chính công vụ tại phường Xuân Hà vào năm 2023. Ảnh: NGỌC PHÚ |
* Tại kỳ họp thứ 19, HĐND thành phố khóa X biểu quyết thông qua Nghị quyết về chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn thành phố giai đoạn 2023-2025. Ông có thể nói rõ hơn về chính sách này?
- Để tạo điều kiện, động viên các trường hợp dôi dư khi sắp xếp không thể bố trí lại được, thành phố đã xây dựng chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Tại kỳ họp HĐND thành phố vừa qua đã thông qua nghị quyết về thực hiện chính sách này.
Việc ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã nhằm kịp thời động viên, khuyến khích cho cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách cấp xã nghỉ công tác do thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế bảo đảm phù hợp với quy định của Nhà nước và điều kiện thực tế của địa phương. Đồng thời, hỗ trợ cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã giải quyết khó khăn khi bị cắt giảm để thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính. Theo đó, cán bộ, công chức cấp xã nghỉ trong thời gian 12 tháng kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 có hiệu lực thi hành, cứ mỗi tháng nghỉ trước so với thời điểm kết thúc lộ trình giải quyết cán bộ, công chức dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thì được hỗ trợ 1/2 tháng tiền lương hiện hưởng; nghỉ sau 12 tháng kể từ ngày nghị quyết có hiệu lực thì cứ mỗi tháng được hỗ trợ 1/4 tháng tiền lương hiện hưởng.
Đối với người hoạt động không chuyên trách có thời gian công tác từ 5 năm trở lên thì cứ mỗi tháng nghỉ trước so với thời điểm kết thúc lộ trình sắp xếp được hưởng hỗ trợ bằng 1/2 mức phụ cấp hằng tháng hiện hưởng; dưới 5 năm được hưởng hỗ trợ bằng 1/4 mức phụ cấp hằng tháng hiện hưởng.
Trường hợp cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách có thời điểm nghỉ hưu trước thời điểm kết thúc lộ trình sắp xếp thì số tháng được hưởng hỗ trợ được tính bằng số tháng nghỉ trước so với thời điểm nghỉ hưu nêu trên.
Với các giải pháp nêu trên, trong thời gian đến, cấp ủy và chính quyền các quận và phường thuộc diện sắp xếp sẽ hoàn thành việc bố trí cán bộ dôi dư theo đúng lộ trình quy định theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Ông Hồ Thuyên, Chủ tịch UBND quận Thanh Khê: Điều động người dôi dư về các đơn vị còn trống biên chế Sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, địa phương dôi dư 79 người (cán bộ phường: 25 người, công chức: 33 người, người hoạt động không chuyên trách: 21 người). UBND quận chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát, đánh giá năng lực, chuyên môn của từng cá nhân và vị trí việc làm của các cơ quan, đơn vị thuộc quận để bố trí, sắp xếp phù hợp đối với đội ngũ dôi dư. Điều động về công tác tại các cơ quan, đơn vị thuộc quận đối với các trường hợp đáp ứng yêu cầu chuyên môn, phù hợp với vị trí việc làm các cơ quan hiện còn trống biên chế; bố trí về các phường thuộc quận do tăng thêm số lượng công chức và người hoạt động không chuyên trách. Đồng thời đề xuất thành phố rà soát, tiếp nhận về các cơ quan, đơn vị đối với các trường hợp thuộc thành phố còn thiếu nhân sự và các phường, xã trên địa bàn thành phố do tăng thêm số lượng công chức và người hoạt động không chuyên trách theo Nghị định số 33/2023/NĐ-CP về quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. |
NGỌC PHÚ thực hiện