Chính trị

Cơ chế kiểm soát quyền lực trong xây dựng pháp luật

07:48, 16/08/2024 (GMT+7)

Quy định số 178-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật là một bước quan trọng trong việc kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quá trình xây dựng pháp luật.

Có thể nhận thấy, hậu quả của việc tham nhũng chính sách, pháp luật gây ra vô cùng to lớn, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của đất nước. Đó là tham nhũng trong quá trình xây dựng pháp luật làm suy giảm niềm tin của người dân vào tính minh bạch và công bằng của hệ thống pháp luật. Các quy định pháp luật bị ảnh hưởng bởi tham nhũng thường không hỗ trợ phát triển kinh tế và xã hội một cách bền vững.

Tham nhũng trong xây dựng pháp luật thường dẫn đến việc ban hành các quy định không công bằng, tạo ra sự bất công và phân biệt đối xử trong xã hội. Khi tham nhũng xảy ra trong quá trình xây dựng pháp luật làm cho nguồn lực quốc gia bị lãng phí một cách nghiêm trọng. Các dự án không cần thiết hoặc kém hiệu quả có thể được phê duyệt để phục vụ lợi ích cá nhân, dẫn đến việc lãng phí ngân sách nhà nước và tài nguyên quốc gia. Điều này làm giảm khả năng cung cấp các dịch vụ công cộng và đầu tư vào các lĩnh vực cần thiết khác.

Quy định số 178-QĐ/TW nêu rõ các cơ chế để nhận diện và phòng, chống 6 hành vi tham nhũng và 5 hành vi tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; đặt ra các quy trình kiểm tra, giám sát kỹ lưỡng từ khâu soạn thảo, thẩm định, đến việc ban hành văn bản pháp luật. Các hoạt động này phải tuân thủ các tiêu chuẩn công khai, minh bạch và có sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức để bảo đảm không xảy ra các hành vi sai phạm. Trước khi ban hành, các văn bản pháp luật cần được đánh giá tác động đầy đủ, cả về mặt kinh tế, xã hội lẫn pháp lý. Điều này giúp phát hiện sớm các dấu hiệu của sự can thiệp không minh bạch, các điều khoản có lợi cho nhóm lợi ích riêng, hoặc những yếu tố có thể dẫn đến tham nhũng. Toàn bộ quá trình lập pháp phải được công khai, bao gồm cả các tài liệu liên quan, các cuộc họp thẩm định và ý kiến đóng góp từ các bên liên quan. Sự minh bạch này giúp công chúng và các tổ chức độc lập có thể theo dõi và phát hiện các hành vi bất thường.

Quy định yêu cầu các cơ quan và cá nhân tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật phải kê khai trung thực và rõ ràng về các mối quan hệ lợi ích liên quan. Nếu phát hiện có sự xung đột lợi ích, các biện pháp xử lý sẽ được áp dụng ngay lập tức để tránh những hành vi lạm dụng quyền lực vì lợi ích cá nhân. Những cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm minh theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, từ kỷ luật hành chính đến truy cứu trách nhiệm hình sự, nhằm răn đe và phòng ngừa các hành vi tham nhũng trong công tác xây dựng pháp luật.

Cơ chế nhận diện tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật theo Quy định 178-QĐ/TW được xây dựng với nhiều lớp giám sát và đánh giá nhằm bảo đảm tính minh bạch, công bằng và ngăn chặn hiệu quả các hành vi lạm dụng quyền lực. Việc thực hiện đúng và nghiêm túc các cơ chế này không chỉ giúp tăng hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà còn góp phần nâng cao chất lượng của hệ thống pháp luật, mang lại niềm tin cho xã hội.

ĐOÀN SƠN

.