Chính trị

Hòa Vang triển khai hiệu quả các mô hình dân vận khéo

08:34, 07/08/2024 (GMT+7)

Các đơn vị, địa phương huyện Hòa Vang triển khai hiệu quả các mô hình “Dân vận khéo” theo Đề án số 04-ĐA/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về một số giải pháp đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn thành phố, góp phần vào công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Đoàn Thanh niên huyện Hòa Vang hỗ trợ công dân trong mô hình “Tổ hỗ trợ công dân lưu động”. Ảnh: PV
Đoàn Thanh niên huyện Hòa Vang hỗ trợ công dân trong mô hình “Tổ hỗ trợ công dân lưu động”. Ảnh: PV

Mô hình “Phân loại và thu gom rác tái chế, xây dựng quỹ an sinh xã hội” được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện chủ trì triển khai, theo dõi, đôn đốc nhân rộng tại 6 xã: Hòa Phước, Hòa Châu, Hòa Tiến, Hòa Phong, Hòa Sơn và Hòa Liên. Ban đầu, mỗi xã chọn 1 thôn để phát động thực hiện điểm, đến nay, 100 thôn/10 xã triển khai thực hiện. Chủ tịch Hội LHPN huyện Hòa Vang Trần Thị Kim cho biết, để thực hiện tốt mô hình, hội các cấp tổ chức tuyên truyền phân loại rác thải tại nguồn và phong trào “Chống rác thải nhựa”. Đặc biệt, Hội LHPN huyện và các xã trao 230 thùng phân loại rác tái chế, 50 giỏ đi chợ… cho hội viên; tổ chức ra quân thu gom rác thải tại nguồn, rác thải nhựa. Từ nguồn kinh phí thu được hơn một năm qua, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn huyện nhận đỡ đầu 28 trẻ em mồ côi, với kinh phí 123 triệu đồng và tổ chức trao 813 suất quà cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn, đau ốm, trẻ em khuyết tật, trẻ em mồ côi với số tiền hơn 236,6 triệu đồng. 

Đối với mô hình “10 ngàn - vạn yêu thương” do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện chủ trì triển khai, thực hiện, đến nay đã nhân rộng tại 6 xã: Hòa Khương, Hòa Phong, Hòa Phú, Hòa Nhơn, Hòa Ninh và Hòa Bắc. Ông Bùi Nam Dũng, Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện cho biết, Mặt trận các xã tổ chức tuyên truyền, vận động mỗi hộ gia đình trên địa bàn xã đóng góp 10.000 đồng/hộ/năm để tạo quỹ khuyến học. Từ nguồn quỹ thực hiện hỗ trợ các em học sinh thuộc hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về học phí, sách vở, đồng phục và các chi phí khác. “60 thôn/6 xã đã thực hiện vận động được 15.033 hộ dân tham gia đóng góp với kinh phí hơn 226 triệu đồng, qua đó hỗ trợ cho gần 850 em học sinh hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn các xã, mỗi suất quà trị giá từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng, giúp học sinh có thêm điều kiện học tập tốt”, ông Dũng nói.

Từ năm 2023 đến nay, Hội Cựu chiến binh huyện chủ trì triển khai, nhân rộng mô hình “Vận động nguồn lực hỗ trợ sinh kế giúp cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn vươn lên thoát nghèo” trên địa bàn 11 xã. Hội Cựu Chiến binh các xã chủ động xây dựng kế hoạch tham mưu Ban Thường vụ Đảng ủy xã triển khai, đồng thời theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện. Đảng ủy 11 xã phát động vận động đảng viên tự nguyện tham gia đóng góp ít nhất từ 100.000 đồng/đảng viên/năm trở lên để tạo nguồn hỗ trợ cho các gia đình hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã. Đến nay, 11/11 Đảng ủy xã triển khai cho 195 chi bộ trực thuộc thực hiện mô hình, vận động 3.818 đảng viên tham gia đóng góp được hơn 424 triệu đồng. Từ nguồn kinh phí trên, các xã đã sử dụng hơn 194 triệu đồng để hỗ trợ sinh kế, hỗ trợ khó khăn đột xuất cho 216 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ 200 suất ăn từ thiện tại bệnh viện và sẽ tiếp tục thực hiện hỗ trợ các hộ khó khăn trong thời gian đến. Một số xã triển khai thực hiện tốt mô hình như: Hòa Sơn, Hòa Phong, Hòa Nhơn, Hòa Tiến, Hòa Khương…

Mô hình “Tổ hỗ trợ công dân lưu động” do Huyện đoàn chủ trì triển khai, nhân rộng tại các xã trên địa bàn huyện. Bí thư Huyện đoàn Nguyễn Thị Giang Thủy cho biết, năm 2023, Huyện đoàn triển khai thực hiện mô hình tại 5 xã; năm 2024, nhân rộng tại 9/11 xã. UBND các xã tiến hành tập huấn kỹ năng nghiệp vụ, hướng dẫn thủ tục hồ sơ hành chính liên quan đến các lĩnh vực đất đai, môi trường, trật tự xây dựng cho các tổ. Các tổ triển khai hỗ trợ lưu động theo cụm dân cư vào thứ bảy hoặc chủ nhật tại nhà văn hóa thôn để hỗ trợ giải quyết những khó khăn, vướng mắc của công dân về thủ tục hành chính.

“Qua 1 năm triển khai mô hình đã góp phần hỗ trợ công tác cải cách hành chính trên địa bàn huyện, kịp thời nắm bắt và xử lý các kiến nghị của người dân, hạn chế tình trạng kiến nghị vượt cấp, khiếu kiện, khiếu nại kéo dài, góp phần xây dựng chính quyền “gần dân, sát dân”, xây dựng nền hành chính “thân thiện”, chị Giang Thủy nói.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hòa Vang Lê Trung Thắng cho biết, thời gian qua, huyện triển khai 8 mô hình “Dân vận khéo” cấp thành phố, 3 mô hình cấp huyện. Các mô hình “Dân vận khéo” phát huy hiệu quả, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn huyện. Trong thời gian tới, Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội huyện, đảng ủy các xã tiếp tục khảo sát, đề xuất nhân rộng các mô hình được giao chủ trì triển khai, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện đối với các xã, thôn còn lại, bảo đảm phù hợp đặc điểm, điều kiện thực tế từng địa phương.

TRƯỜNG SƠN

.