Chính trị
Kê khai tài sản nhằm phòng, chống tham nhũng
Kiểm soát tài sản, thu nhập thông qua bản tự kê khai của người có chức vụ, quyền hạn là một trong những việc quan trọng trong xây dựng các giải pháp nhằm phòng, chống tham nhũng. Sự liêm chính của người có chức vụ, giúp cơ quan quản lý Nhà nước giám sát, phòng ngừa các hành vi sai trái của cán bộ.
Dựa trên những quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 và Nghị định số 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, các ban, ngành, địa phương trên cả nước triển khai công tác kiểm soát tài sản, thu nhập có hiệu quả, công khai, trung thực, bảo đảm về trình tự, thủ tục. Trọng tâm là xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ hoạt động trong các lĩnh vực, các công việc nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, có nhiều dư luận về tham nhũng, tiêu cực; cán bộ hoạt động trong các lĩnh vực tổ chức, cán bộ, quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng, đất đai, quy hoạch và thực hiện cấp phép, đấu thầu, đấu giá, tài chính ngân sách, quản lý vốn tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý các vụ án, vụ việc.
Tại Sở Tài nguyên và Môi trường, công tác quán triệt, tuyên truyền các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập tại sở và các đơn vị trực thuộc được triển khai thống nhất, nhất là việc rà soát hướng dẫn kê khai ở thời điểm nộp để giảm thiểu các sai sót, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tính nghiêm túc của người kê khai.
Theo đó có 84 cán bộ thuộc diện kê khai tài sản (năm 2023), trong đó có 5 trường hợp thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý, 9 trường hợp thuộc Ban Thường vụ quận ủy, huyện ủy quản lý, 70 bản kê khai nộp cho Thanh tra thành phố. Sau thời gian nộp kê khai, sở niêm yết công khai tại văn phòng cơ quan trong 15 ngày. Năm 2023, có 6/70 bản kê khai thuộc Thanh tra thành phố kiểm soát được xác minh sai sót như ghi thời điểm kê khai, ghi sai tổng thu nhập, không kê khai biến động… được chỉ ra và điều chỉnh.
Những kết quả phải xác minh và kết luận được công khai tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ sở mở rộng. Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Hồng An cho rằng việc kê khai tài sản là chủ trương đúng của Đảng và Nhà nước, thể hiện sự trung thực trong kê khai tài sản của cán bộ, góp phần vào công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực. “Cần phải xem nhận thức về câu chuyện kê khai quan trọng đối với mỗi cán bộ, có thể ảnh hưởng đến việc bổ nhiệm cán bộ, vì vậy phải nắm tài sản mà mình có, kê khai lần đầu phải chuẩn để những lần sau kê khai bổ sung thuận lợi hơn”, ông An nói.
Ông Trần Văn Thích, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quận ủy Ngũ Hành Sơn, cho biết, năm 2023, Quận ủy quản lý 170 bản kê khai, có 6 bản kê khai nộp về cấp trên thuộc ngành quản lý. Cũng trong năm này Ủy ban Kiểm tra Quận ủy bắt đầu thành lập đoàn kiểm tra chuyên đề kiểm soát tài sản, thu nhập của 5 trường hợp. Qua đó phát hiện có những bản kê khai chưa đầy đủ, chưa bảo đảm theo mẫu, cần xác minh tài sản thu nhập và giải trình biến động. Nguyên nhân là do người kê khai hiểu không đầy đủ trong biểu mẫu cần kê. Năm nay dự kiến Ủy ban Kiểm tra Quận ủy sẽ kiểm tra 6 trường hợp và tiến tới có thể kiểm tra ngẫu nhiên 10% bản kê khai mỗi năm.
Những năm qua, Ủy ban Kiểm tra Quận ủy tiến hành kiểm tra chuyên đề về thực hiện nhiệm vụ và nêu gương của người đứng đầu một số ngành có tính nhạy cảm. Theo ông Thích, đoàn kiểm tra chưa phát hiện ra dấu hiệu vi phạm, nếu quá trình kiểm tra, giám sát thấy có vấn đề thì năm sau sẽ đưa vào diện kiểm soát tài sản thu nhập.
Tại quận Cẩm Lệ, ông Nguyễn Đức Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quận ủy, cho biết ngoài con số 176 người thuộc diện kê khai do Ban Thường vụ Quận ủy quản lý, năm 2023 quận có 3 người không thuộc diện kê khai hằng năm, nhưng tài sản biến động tăng từ 300 triệu đồng trở lên cũng phải kê khai tài sản. “Việc kê khai chủ yếu dựa vào tính tự giác của cán bộ, đảng viên. Nhìn bảng kê khai sẽ biết ngay sự tự giác của mỗi người và quan trọng là sự giải trình biến động có hợp lý hay không. Tôi nghĩ kê khai tài sản cũng là một cách kiểm soát tốt việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”, ông Hùng chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Hồng Ân, Phó chánh Thanh tra thành phố, cho biết qua hoạt động giám sát, tự kiểm tra nội bộ, UBND thành phố đã chỉ đạo thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên thực hiện tự kiểm tra nội bộ nhằm ngăn ngừa, kịp thời phát hiện và xử lý theo quy định các dấu hiệu tiêu cực, nhũng nhiễu và các hành vi có dấu hiệu tham nhũng. Qua tự kiểm tra chưa phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tập trung chỉ đạo thực hiện theo đúng các quy định của Trung ương, chương trình, kế hoạch đã đề ra; công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân được coi trọng; việc hoàn thiện thể chế phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được quan tâm; các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được triển khai thực hiện đồng bộ; việc thực hiện công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động được chú trọng; công tác kiểm soát tài sản thu nhập được triển khai thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được triển khai thực hiện đồng bộ góp phần hạn chế nguy cơ xảy ra tham nhũng.
Hiện nay, số người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập thuộc phạm vi quản lý của UBND thành phố là 3.916 người, trong đó thuộc thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập của Thanh tra thành phố là 2.521 người. Thanh tra thành phố đã ban hành 58 kết luận xác minh tài sản, thu nhập theo kế hoạch xác minh năm 2023. Năm 2024, Thanh tra thành phố đang thực hiện xác minh, tài sản, thu nhập của 20 người thuộc 6 cơ quan, đơn vị và các đơn vị trực thuộc. |
HOÀNG NHUNG