Chính trị

Kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 (1945 - 2024)

Hải trình khẳng định chủ quyền biển đảo

08:16, 01/09/2024 (GMT+7)

Những năm qua, hải trình nối đất liền với biển đảo tại Đà Nẵng, đặc biệt là quần đảo Trường Sa luôn gắn tàu Kiểm ngư KN 390. KN 390 thường được ví von là “tàu không ngủ” trên sóng nước và khẳng định sắc son nhiệm vụ tham gia bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo…

Được bàn giao đưa vào sử dụng năm 2016, tàu Kiểm ngư số hiệu KN 390 là loại tàu tuần tra xa bờ dài ngày, kết hợp tìm kiếm cứu nạn. KN 390 có chiều dài 90,5m, chiều rộng lớn nhất là 14m, chiều cao mạn 7m, lượng giãn nước lên đến 2.500 tấn. Trong điều kiện bình thường, tàu có tầm hoạt động liên tục 5.000 hải lý. Ngoài nhiệm vụ thường xuyên, KN 390 đưa nhiều đoàn đại biểu ra thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa.
Thuyền trưởng Hoàng Ngọc Chung trong kíp trực chỉ huy tàu KN 390 trên hải trình đưa đại biểu ra thăm quần đảo Trường Sa. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Hiên ngang trước sóng dữ

Được coi là con tàu hiện đại nhất của lực lượng kiểm ngư Việt Nam đến thời điểm này, tàu KN 390 đã thực hiện sứ mệnh đưa nhiều đoàn công tác ra thăm quần đảo Trường Sa và các nhà giàn.

Sáng tinh mơ trên bến cảng Vùng 3 Hải quân, đoàn công tác bắt đầu hành trình ra thăm quần đảo Trường Sa với rất nhiều mong ngóng, nhất là khi nhiều đại biểu lần đầu bước lên tàu kiểm ngư KN 390. Ai cũng xúc động khi ngắm nhìn hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng trang trọng trên tháp chỉ huy, nổi bật giữa thân tàu trắng dài tới hơn 90m. Vận hành nhiệm vụ tàu KN 390 có nhiều ngành, trong đó ngành cơ điện được coi là trọng yếu. Thuyền trưởng Hoàng Ngọc Chung chia sẻ: tàu KN 390 rất hiện đại cho nên hệ thống điện được thiết kế phân lập. Hỏng phần nào chỉ ảnh hưởng phần đó, tập trung sửa dứt điểm là xong. Tuy nhiên, các bộ phận, các ngành trên tàu thực hiện nhuần nhuyễn nhiệm vụ một cách đồng bộ, đúng nguyên tắc bởi thiết kế của KN 390 có tầm hoạt động liên tục lên đến 5.000 hải lý, không thể để bất kỳ sai sót nào xảy ra trong những hành trình dài ngày giữa biển khơi.

Kết thúc chuyến hải trình đến thăm quần đảo Trường Sa từ giữa tháng 4-2024 nhưng câu chuyện về những cán bộ, chiến sĩ thuộc tổ xuồng tàu KN 390 đã để lại trong mỗi đại biểu những cảm xúc khác nhau. Các anh giống như một chiếc cầu nối đưa các đại biểu lên thăm đảo. Tàu KN 390 thường neo từ xa ở các điểm đảo. Khi hiệu lệnh di chuyển lực lượng đến các điểm đảo thì các anh đảm bảo an toàn vào vị trí theo quy định. Nhanh chóng, chuyên nghiệp, trong giây lát, các anh đã có mặt đúng vị trí, thực hiện nghiêm theo khẩu lệnh của người chỉ huy.

Đưa đại biểu đoàn công tác số 5-2024 lên thăm các đảo ở quần đảo Trường Sa
Đưa đại biểu đoàn công tác số 5-2024 lên thăm các đảo ở quần đảo Trường Sa

Những chiếc xuồng công tác được hạ xuống, sẵn sàng đưa đại biểu và hàng quà lên đảo. Mỗi người một nhiệm vụ, một vị trí, người ném dây, người bắt dây, người lái xuồng. Tất cả phối hợp nhịp nhàng, lần lượt đón từng món quà, từng vị khách. Trước sức mạnh của từng đợt sóng va vào thành tàu, các anh như tấm khiên chắn, che chở từng món quà, trân quý chút tình cảm từ đất liền. Không dừng lại ở đó, các anh còn tận tình hướng dẫn, đặt trách nhiệm cao nhất đón đại biểu xuống xuồng. Với các anh, đây là nhiệm vụ quan trọng, không được phép xảy ra bất kỳ sơ suất nào, dù là nhỏ nhất. Nhờ thế, mỗi đại biểu lại có thêm một kỹ năng đó là đếm nhịp sóng, chớp thời cơ, lên xuống xuồng an toàn.

Ở điểm đảo Cô Lin, sóng biển cuộn lên dữ dội nhưng với bản lĩnh, kinh nghiệm của những thủy thủ tàu KN 390 đã hiên ngang cắt những cơn sóng tưởng chừng như nhấn chìm mũi xuồng nhưng rồi vẫn vút lên lướt đi trên sóng, tiến dần về phía đảo. Các anh như là những người con của biển, bởi hơn ai hết, các anh hiểu rõ từng con nước, từng con sóng… Xuồng cập đảo, sự phối hợp nhịp nhàng giữa người bắt dây trên đảo cũng không kém phần vất vả. Những vạt áo ướt sẫm mồ hôi xen lẫn với sóng biển càng làm đẹp hơn các chiến sĩ trên đảo, để rồi khi rời đi, hình ảnh những cánh tay vẫy chào lưu mãi trong tâm trí mỗi đại biểu.

Tập trung theo dõi và chờ đợi đón những đoàn trở về sau khi thăm các điểm đảo, Nguyễn Tiến Phước (Chi đội Kiểm Ngư số 3) không giấu được vẻ căng thẳng. Kết thúc mỗi chuyến thăm điểm đảo, anh đều thở phào nhẹ nhõm khi thấy các đại biểu cập bến, cập tàu an toàn.

Theo đại biểu Huỳnh Cự (đoàn công tác thành phố Đà Nẵng), sự tận tình, can trường của cán bộ, thủy thủ đoàn tàu KN 390 tạo được sự vững lòng, truyền nhiệt huyết và sức khỏe cho mỗi đại biểu, nhất là đại biểu lớn tuổi đến với vùng biển đảo của Tổ quốc. 

Con tàu không ngủ

Biển Đông trong đêm hè, gió lộng, khơi xa thăm thẳm. Vậy mà có lúc, đèn thuyền câu mực của ngư dân ta sáng rực cả một vùng. Trên boong tàu kiểm ngư, các cán bộ, nhân viên tàu lặng lẽ quan sát chung quanh, ca trực này nối tiếp ca trực khác cho đến khi mặt trời mọc, ngày mới của biển cả lại bắt đầu. Ra khơi trên con tàu tuần tra xa bờ hiện đại vừa là nhiệm vụ, vừa là niềm tự hào của lực lượng kiểm ngư, góp phần thực thi pháp luật thủy sản trên các vùng biển Việt Nam.

Đêm đến giữa trùng khơi, các kíp trực KN 390 giống như những “mắt tàu” không ngủ, lặng lẽ quan sát tứ bề: Lúc thì xa xa chân trời tối đen như mực, lúc thì tàu câu mực của ngư dân ta với dàn đèn công suất lớn, cùng nhau tạo nên một vùng sáng rực trong đêm… Càng về vùng biển phía nam, gió mùa về, trên boong tàu lác đác có đại biểu chống chọi được cơn say sóng, cùng nhau đứng ngắm nhìn trời biển bao la của quê hương. Các đại biểu đoàn Đà Nẵng thường tụ hội… câu cá đêm, tiếng reo vui, tiếng nói cười dòn tan bởi liên tục có cá cắn câu.

Tàu KN 390 làm nhiệm vụ tại đảo Sinh Tồn, huyện đảo Trường Sa tháng 4-2024
Tàu KN 390 làm nhiệm vụ tại đảo Sinh Tồn, huyện đảo Trường Sa tháng 4-2024

Kinh nghiệm của lực lượng kiểm ngư là giữa biển khơi thì không gì không thể xảy ra. Do đó, nhiệm vụ của họ là luôn tuân thủ nghiêm các chế độ trực, không chỉ để tàu di chuyển an toàn, đúng lộ trình mà còn phải xử lý nhiều tình huống có thể phát sinh, nhất là trong đêm tối. Thủy thủ Phan Hồng Trung kể: ‘KN 390 như “con tàu không ngủ”. Nhờ đó, chúng tôi không ít lần phát hiện, xử lý các tình huống cần được cứu hộ, cứu nạn từ ngư dân ta, nhất là trong mùa mưa bão của miền Trung”.

Thuyền trưởng Hoàng Ngọc Chung chia sẻ: “Có trường hợp đang thực hiện nhiệm vụ trên biển, bố mẹ mất, nhận tin buồn nhưng không thể về. Lúc đó, chỉ huy tàu và các đồng đội chỉ có thể thay nhau động viên, chia sẻ nỗi buồn và hỗ trợ làm lễ cúng truyền thống từ xa...”. Theo Thuyền trưởng Chung, cán bộ, nhân viên KN 390 một năm được nghỉ phép một lần để về nhà. Nếu tàu không có nhiệm vụ rời bờ thì có thể giải quyết cho mọi người tranh thủ về 30% quân số, trực 70%. “May mắn với anh em kiểm ngư hay các lực lượng thực thi pháp luật khác trên biển là hậu phương thấu hiểu, thủ trưởng quan tâm, là động lực lớn để mọi người hoàn thành nhiệm vụ được giao”, thuyền trưởng Chung nói.

Trời đã tờ mờ sáng. Bình minh vàng óng nơi chân trời. Trên boong tàu, bộ phận điều hành ở trong và ngoài buồng chỉ huy vẫn giữ vững vị trí trực, bảo đảm “mắt tàu” sáng thông suốt, tiếp tục hải hành dài ngày giữa biển nhà.

Ở ngư trường truyền thống trên Biển Đông, ngư dân ta vươn khơi đến đâu thì lực lượng kiểm ngư hiện diện đến đó. Giữa biển lớn, họ là điểm tựa nơi đầu sóng, song hành cùng nỗ lực của người Việt bao đời ra khơi, phát triển kinh tế biển, đồng thời kiên cường bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Tình yêu biển đảo và mong muốn được hành trình trên những con tàu đã đưa Hoàng Ngọc Chung đến với Học viện Hải quân. Sau khi tốt nghiệp, anh đầu quân về lực lượng kiểm ngư, hiện là Thuyền trưởng tàu KN 390 thuộc Chi đội kiểm ngư số 3. Hoàng Ngọc Chung tâm sự, đã nhiều lần đưa các đoàn công tác đi qua vùng biển đảo Cô Lin - Len Đao - Gạc Ma, nhưng anh không kìm được cảm xúc, ứa nước mắt mỗi lần dâng hương, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh bảo vệ đảo, bảo vệ chủ quyền. “Bảo vệ chủ quyền biển đảo là trách nhiệm và tâm huyết của mỗi người dân Việt Nam, với bản thân tôi cũng vậy. Đây chính là động lực để chúng tôi vượt qua mọi áp lực, khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ, là chỗ dựa cho ngư dân bám biển”, Hoàng Ngọc Chung nói.

Được bàn giao đưa vào sử dụng năm 2016, tàu Kiểm ngư số hiệu KN 390 là loại tàu tuần tra xa bờ dài ngày, kết hợp tìm kiếm cứu nạn. KN 390 có chiều dài 90,5m, chiều rộng lớn nhất là 14m, chiều cao mạn 7m, lượng giãn nước lên đến 2.500 tấn. Trong điều kiện bình thường, tàu có tầm hoạt động liên tục 5.000 hải lý. Ngoài nhiệm vụ thường xuyên, KN 390 đưa nhiều đoàn đại biểu ra thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa.

TRIỆU TÙNG

.