Chính trị

Nâng cao hiệu quả triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở gắn với công tác dân vận chính quyền

14:43, 10/09/2024 (GMT+7)

ĐNO - Sáng 10-9, Ban Thường vụ Thành ủy tổ chức tọa đàm “Nâng cao hiệu quả triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở gắn với công tác dân vận chính quyền”. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Đình Vĩnh, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Trần Thắng Lợi, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi đồng chủ trì tọa đàm.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Đình Vĩnh (giữa) phát biểu kết luận tại hội nghị. Ảnh: T.PHƯƠNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Đình Vĩnh (giữa) phát biểu kết luận tại tọa đàm. Ảnh: T.PHƯƠNG

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Phát biểu đề dẫn, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Trần Thắng Lợi cho biết, Ban Tổ chức tọa đàm đã nhận được 17 tham luận của 17 cơ quan, đơn vị với nội dung về đánh giá kết quả về tình hình triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, công tác dân vận chính quyền và những mô hình “Dân vận khéo”; cách làm hay, hiệu quả tại địa phương, đơn vị; những tồn tại, khó khăn, hạn chế; đồng thời, làm rõ nét thêm về công tác tổ chức tuyên truyền thực hiện, để Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được đi vào cuộc sống.

Trưởng ban Dân vận Thành ủy Trần Thắng Lợi đề nghị các đại biểu tập trung phân tích về các giải pháp nâng cao hiệu quả triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và công tác dân vận theo phạm vi, chức năng, nhiệm vụ được giao trên các mặt như: thông tin tuyên truyền, công tác vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện; về năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức tại địa phương và các cơ quan nhà nước trong công tác phục vụ nhân dân, đảm bảo phát huy dân chủ, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các tầng lớp nhân dân; về vai trò tham gia của nhân dân trong quản lý và giám sát hoạt động của chính quyền địa phương gắn với phát huy vai trò phản biện xã hội của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội.

Trưởng ban Dân vận Thành ủy Trần Thắng Lợi phát biểu đề dẫn tại tọa đàm. Ảnh: T.P
Trưởng ban Dân vận Thành ủy Trần Thắng Lợi phát biểu đề dẫn tại tọa đàm. Ảnh: T.P

Đồng thời, xác định về vai trò của người đứng đầu trong việc lắng nghe, giải quyết kịp thời những kiến nghị, phản ánh của người dân; về công tác phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành trong việc triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; đổi mới công tác dân vận chính quyền theo hướng thống nhất và đồng bộ, theo đúng quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị và phương châm“kiến tạo”, “phục vụ”, “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm”; thực hiện hiệu quả mô hình “Chính quyền thân thiện, vì nhân dân phục vụ”, tăng cường sự gắn bó giữa Đảng, chính quyền với nhân dân.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: X.H
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: X.H

Trao đổi về vai trò của báo chí trong việc phản ánh, giám sát việc thực hiện dân chủ ở cơ sở gắn với công tác dân vận chính quyền, Phó Tổng biên tập Báo Đà Nẵng Trần Thị Thu Thủy cho biết, Báo Đà Nẵng tích cực đưa tin, bài, ảnh, video, các sản phẩm đa phương tiện về những mô hình cải cách hành chính, công tác lãnh đạo của chính quyền, địa phương các cấp trong việc xử lý đơn thư, khiếu nại, tiếp công dân định kỳ.

Báo Đà Nẵng tham gia giám sát quá trình thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính Nhà nước thông qua việc phản ánh về các nội dung liên quan đến năng lực thực thi công vụ, tinh thần trách nhiệm, sự am hiểu và thực hiện đúng pháp luật; trách nhiệm nêu gương của cán bộ, công chức. Báo Đà Nẵng vừa cung cấp thông tin, vừa tạo sự tác động để các cơ quan có sự thay đổi, điều chỉnh phù hợp.

Phó Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng Trần Thị Thu Thủy phát biểu tham luận tại tọa đàm. Ảnh: T.P
Phó Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng Trần Thị Thu Thủy phát biểu tham luận tại tọa đàm. Ảnh: T.P

Phó Tổng biên tập Báo Đà Nẵng đề nghị cần bảo đảm các điều kiện thực hiện giám sát của báo chí đối với các cơ quan hành chính Nhà nước để phát huy vai trò của báo chí trong việc phản ánh, giám sát việc thực hiện dân chủ ở cơ sở gắn với công tác dân vận chính quyền.

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi cho biết, để thực hiện hiệu quả triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và các văn bản quy định chi tiết một số điều của Luật, các Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy về công tác dân chủ, dân vận chính quyền; tham mưu triển khai các nội dung cải cách hành chính, chuyển đổi số gắn với các ứng dụng chính quyền điện tử, thành phố thông minh.

Các địa phương, đơn vị chú trọng việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, không làm đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn…

Tăng cường phối hợp, triển khai thực hiện

Tham luận về vai trò của Công đoàn tham gia xây dựng và thực hiện dân chủ tại nơi làm việc trong các doanh nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng Nguyễn Thành Trung nêu thực trạng, hiện nay, việc tiếp nhận các quy định pháp luật là triển khai thực hiện quy định về quy chế dân chủ đối với doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, số lượng lao động ít vẫn còn gặp khó khăn. Một số doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, việc làm và thu nhập người lao động không ổn định nên việc triển khai thực hiện dân chủ ở cơ sở không được quan tâm thực hiện,..

Vì vậy, đề xuất cần có sự phối hợp, can thiệp, vào cuộc quyết liệt của cơ quan chính quyền, các biện pháp hành chính của của cơ quan quản lý lao động bảo đảm pháp luật được thực thi một cách nghiêm túc, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về chuyên đề thực hiện dân chủ tại nơi làm việc; kiên quyết xử lý vi phạm hành chính đối với  những đơn vị chây ì, không chấp nhận pháp luật; phát huy vai trò của Công đoàn trong thực hiện Quy chế dân chủ.

Trao đổi về ý kiến trên, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Nguyễn Thành Nam cho biết, sở tích cực ban hành các văn bản chỉ đạo gửi đến các doanh nghiệp về việc tăng cường thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định của pháp luật; phối hợp với Công đoàn và các cơ quan liên quan trong kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp về bảo đảm đầy đủ các chính sách, pháp luật, công tác an toàn cho người lao động. Đồng thời, kiến nghị đối với việc xử lý các doanh nghiệp vi phạm phát luật về lao động; cần điều chỉnh luật cho phù hợp, đơn giản hóa các thủ tục để Công đoàn phát huy hết vai trò là cơ quan đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Tăng Hoàng Hôn Thắm cho biết, Mặt trận các cấp đã chủ động phối hợp với chính quyền cùng cấp xây dựng quy chế phối hợp với HĐND, UBND về thực hiện dân chủ. Năm 2023, các ban thanh tra nhân dân phối hợp, tham gia 667 cuộc giám sát; trong đó, tham gia với các cơ quan hữu quan 227 cuộc; tự tiến hành giám sát 440 cuộc, phát hiện 230 vụ việc có vi phạm. Đồng thời, kiến nghị thành phố quan tâm chế độ chính sách cho hoạt động ban thanh tra nhân dân và chức danh trưởng ban thanh tra nhân dân phường, xã.

Phát biểu kết luận, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Đình Vĩnh nhấn mạnh, cần tăng cường công tác tuyên truyền Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Nghị định số 59/2023/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, các văn bản hướng dẫn của Thành ủy, UBND thành phố; tiếp tục thực hiện dân chủ khi tổ chức chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị cụ thể hóa, ban hành những chính sách phù hợp với phát triển của thành phố, xác định các chức năng, nhiệm vụ tại đơn vị, địa phương; chú trọng các nội dung liên quan trực tiếp đến người dân như đẩy mạnh cải cách hành chính, công tác tiếp công dân, giải quyết các đơn thư, khiếu nại của nhân dân; công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải sát cơ sở, lắng nghe ý kiến từ cơ sở.

Đồng thời, cần kiểm tra giám sát, theo dõi kết quả triển khai công tác dân vận, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, phát huy vai trò của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp. Công tác hậu kiểm cần được triển khai quyết liệt để xử lý dứt điểm những tồn tại, vướng mắc ở cơ sở; chú trọng triển khai các quy chế phối hợp giữa chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, các sở, ban, ngành.

XUÂN HẬU - THANH PHƯƠNG


 

.