Chính trị

9 tháng năm 2024, kinh tế - xã hội cả nước có nhiều điểm sáng nổi bật

14:06, 07/10/2024 (GMT+7)

ĐNO - Sáng 7-10, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9-2024 và hội nghị trực tuyến với các địa phương đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2024; tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ ngày 5-1-2024 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024...

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 và Hội nghị Chính phủ với các địa phương. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận phiên họp. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Tại điểm cầu Đà Nẵng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng và Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh tham dự phiên họp.

Đánh giá về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tháng 9-2024, quý 3 và 9 tháng đầu năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương sự nỗ lực, trách nhiệm của các bộ, ngành Trung ương, địa phương trong việc triển khai quyết liệt, hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội theo tinh thần chủ đề năm 2024  “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững.”

Trong đó, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng, đặc biệt chú trọng rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách.

Tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước; 9 tháng năm 2024 tốt hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng (bên trái) và Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đồng chủ trì điểm cầu Đà Nẵng.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng (bên trái) và Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đồng chủ trì điểm cầu Đà Nẵng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương nỗ lực, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn để phấn đấu thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2024 và tạo đà cho sự phát triển năm 2025.

Triển khai quyết liệt, hiệu quả, kịp thời Nghị quyết số 143/NQ-CP về các nhiệm vụ giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát; tiếp tục ưu tiên cho tăng trưởng gắn với phát triển kinh tế vĩ mô; chủ động, phối hợp thực hiện các chính sách tiền tệ.

Tập trung đẩy mạnh, tạo đột phá trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân trên 95% kế hoạch được giao; tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới là kinh tế số, tuần hoàn, chuyển đổi xanh.

Đẩy mạnh toàn diện thể chế pháp luật, cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số quốc gia. Chú trọng làm tốt công tác an sinh xã hội, phát triển văn hóa, giáo dục, y tế; không để thiếu xăng, dầu, nước, vật tư y tế, đầu vào sản xuất kinh doanh của người dân.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của nhân dân, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, nhà đầu tư.

Trên cơ sở đó, căn cứ vào chức năng, quyền hạn của các bộ, ngành, địa phương để kịp thời đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh công tác đối ngoại, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước…

Báo cáo tại hội nghị cho biết, tình hình kinh tế - xã hội tháng 9, quý 3 và 9 tháng năm 2024 tiếp tục có nhiều điểm sáng, đạt nhiều kết quả quan trọng, cao hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực. Cụ thể, tăng trưởng GDP quý 3 ước đạt 7,4% so với cùng kỳ, cao hơn 0,7% so với kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (6,7%), tính chung cả 9 tháng tăng 6,82%.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 3,88%; an ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm; cơ bản bảo đảm cân đối cung cầu lao động. Kim ngạch xuất khẩu tăng 15,4%, nhập khẩu tăng 17,3%; xuất siêu ước đạt 20,8 tỷ USD.

Các động lực tăng trưởng từ phía cung, cầu tiếp tục chuyển biến và phục hồi tích cực. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý 3 tăng 11,4%, cao nhất từ năm 2019 đến nay; chỉ số tiêu thụ tăng 12,5%, tỷ lệ tồn kho giảm.

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục là điểm sáng, tổng vốn FDI đăng ký 9 tháng khoảng 24,8 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 tăng 7,6%, 9 tháng tăng 8,8%. Các lĩnh vực dịch vụ, du lịch phục hồi mạnh, lượt khách quốc tế 9 tháng đạt trên 12,7 triệu, tăng 43,0%.

Tình hình chính trị - xã hội ổn định, tiềm lực quốc phòng, an ninh được tăng cường. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, nhất là đối ngoại cấp cao được triển khai chủ động, đồng bộ, toàn diện và hiệu quả, không ngừng củng cố và nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước, mở ra các cơ hội hợp tác, hướng phát triển mới.

Đối với công tác phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, tính đến ngày 30-9, các bộ, cơ  quan và địa phương đã phân bổ chi tiết 664,9 nghìn tỷ đồng, đạt 98,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; phân bổ chi tiết khoảng 26,4 nghìn tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư (đạt 97% kế hoạch) và 20,2 nghìn tỷ đồng vốn sự nghiệp (đạt 100% dự toán) cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

VĂN HOÀNG

.