Chính trị
Lý Tự Trọng - Tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo
Đồng chí Lý Tự Trọng tên thật là Lê Hữu Trọng, sinh ngày 20-10-1914, trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước, đã góp phần bồi đắp lòng yêu quê hương, đất nước hun đúc ý chí và tinh thần học hỏi, vươn lên tìm con đường cứu nước của đồng chí.
Tấm gương đồng chí Lý Tự Trọng đã và đang soi đường, dẫn lối cho thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay xung kích, tình nguyện, đi đầu trên mọi lĩnh vực. TRONG ẢNH: Tượng đồng chí Lý Tự Trọng. Ảnh: BÁO HÀ TĨNH |
Người thanh niên tràn đầy nhiệt huyết cách mạng
Bước ngoặt cuộc đời Lý Tự Trọng là được lựa chọn sang Quảng Châu học tập và được đồng chí Nguyễn Ái Quốc đưa vào nhóm “Thiếu niên tiền phong Việt Nam”. Tại đây, Lý Tự Trọng được các đồng chí trong Tổng bộ hướng dẫn và hiểu được tại sao phải làm cách mạng đánh thực dân Pháp xâm lược, vì sao phải lập hội; Chủ nghĩa cộng sản là gì. Thời gian học tập ở Đại học Trung Sơn, Quảng Châu, Lý Tự Trọng đã thông thạo tiếng Trung và được cử làm liên lạc cho Tổng bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Quảng Châu. Vốn thông minh, hoạt bát, mưu trí, Lý Tự Trọng đã góp phần tích cực vào việc liên lạc giữa Tổng bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội với đảng bạn và cán bộ cách mạng Việt Nam hoạt động tại Trung Quốc, đồng thời tổ chức việc chuyển thư, tài liệu của Đảng về nước.
Phát súng của Lý Tự Trọng để cứu đồng chí Phan Bôi, người phụ trách tuyên truyền của Xứ ủy đang đứng diễn thuyết trước công chúng đã làm rung chuyển Sài Gòn. Thực dân Pháp không nghĩ một thanh niên mới 17 tuổi lại dám liều mình bắn chết mật thám LeGrand ngay trước công chúng.
Trong những ngày cuối cùng ở xà lim án chém, Lý Tự Trọng vẫn lạc quan yêu đời, tin tưởng vào sự thắng lợi của cách mạng. Thực dân Pháp đã không dám xử công khai Lý Tự Trọng. Lợi dụng lúc rạng sáng ngày 21-11-1931, chúng đã hèn hạ dựng máy chém ở ngay khám lớn Sài Gòn giết anh trong im lặng.
Tinh thần cách mạng bất khuất của Lý Tự Trọng đã làm cho kẻ thù vô cùng khiếp sợ, góp phần động viên cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng trong cả nước lúc bấy giờ. Cuộc đời của Lý Tự Trọng tuy ngắn ngủi nhưng tinh thần cách mạng của anh trở thành tấm gương sáng cho các thế hệ thanh niên noi theo. Câu nói bất hủ của anh “Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng không thể có con đường nào khác…” trở thành lý tưởng sống và kim chỉ nam hành động cho các thế hệ thanh niên Việt Nam trong mọi thời kỳ.
Tấm gương mẫu mực về chí khí chiến đấu
Những ngày bị bắt, thực dân Pháp đã tra tấn vô cùng dã man để Lý Tự Trọng khai báo những manh mối, thông tin bí mật của Đảng, của cách mạng. Nhưng những đòn roi, thủ đoạn tàn bạo của bọn thực dân đã không thể quật ngã người chiến sĩ cách mạng kiên cường. Tinh thần bất khuất, lòng gan dạ, dũng cảm của người chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi đã khiến một số tên mật thám từ căm giận đến sửng sốt, ngạc nhiên và khâm phục. Trong thời gian bị giam cầm, Lý Tự Trọng còn động viên, khích lệ đồng đội trong tù vững tin để tiếp tục chiến đấu cho độc lập, tự do của dân tộc.
Đứng trước cái chết, Lý Tự Trọng không hề run sợ, anh đã chủ động biến phiên tòa của đế quốc thành một diễn đàn của người chiến sĩ cộng sản. Khi luật sư bào chữa xin bọn thực dân “mở lượng khoan hồng” vì Lý Tự Trọng chưa đến tuổi trưởng thành, “hành động thiếu suy nghĩ”, anh đã gạt phắt và dõng dạc nói: “Tôi hành động có suy nghĩ, tôi hiểu việc tôi làm, tôi làm vì mục đích cách mạng. Tôi chưa đến tuổi trưởng thành thật, nhưng tôi đã đủ trí khôn để hiểu con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác”. Khi bộ trưởng thuộc địa Pháp trực tiếp gặp Lý Tự Trọng và thốt ra những giọng điệu: “Tuổi thanh niên ngông cuồng, nước Pháp sẵn sàng tha thứ cho anh.
Đối với những người thông minh, chính phủ bao giờ cũng nâng đỡ, chỉ cần anh thật thà hối cải. Nếu muốn anh có thể sang Pháp học để trở về giúp đất nước, tha hồ quyền cao chức trọng, vợ đẹp con khôn, ăn mặc sung sướng”. Đáp lại, Lý Tự Trọng đã dõng dạc: “Ta sinh ra không phải để ăn thứ cơm ấy”. Những câu nói mang đầy “chất thép” ấy đã thể hiện niềm tin, tinh thần lạc quan vào con đường cách mạng giải phóng dân tộc và quyết chiến đấu với giặc tới cùng của người chiến sĩ cộng sản trẻ Lý Tự Trọng.
Tuổi trẻ học tập và noi gương Lý Tự Trọng
Con đường cách mạng của các thế hệ tiền bối và đồng chí Lý Tự Trọng đã và đang soi đường, dẫn lối cho thế hệ trẻ hôm nay xung kích, tình nguyện, đi đầu trên mọi lĩnh vực. Trong những năm qua, các các cấp bộ Đoàn, Hội đã có nhiều sáng kiến, phát động nhiều cuộc vận động, nhiều phong trào thi đua có ý nghĩa thiết thực.
Mỗi cuộc vận động, mỗi phong trào đều tạo môi trường lành mạnh, tác động tích cực tới nhận thức và hành động của tuổi trẻ. Đặc biệt, dù trong môi trường, lĩnh vực nào, các thế hệ tương lai của đất nước cũng xác định rõ mục tiêu, lý tưởng, quyết chí vươn lên; phát huy tinh thần, ý chí tự lực tự cường trong học tập, rèn luyện, sáng tạo trong lao động.
Các phong trào hành động cách mạng “Thanh niên tình nguyện”, “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc” và các chương trình đồng hành với thanh niên trong học tập; trong khởi nghiệp, lập nghiệp; trong rèn luyện và phát triển kỹ năng trong cuộc sống, nâng cao thể chất, đời sống văn hóa tinh thần đã được xác định phù hợp với đặc điểm, trình độ, năng lực, thế mạnh của thanh niên; đáp ứng được những nhu cầu, mong mỏi của tuổi trẻ, qua đó phát huy được vai trò xung kích, tình nguyện, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời tạo môi trường, điều kiện để thanh, thiếu niên trưởng thành, phát triển toàn diện.
Từ các phong trào đã xuất hiện ngày càng nhiều những tập thể, cá nhân tiêu biểu đi đầu trong các lĩnh vực học tập, lao động sản xuất, sáng tạo khoa học công nghệ, bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Lý Tự Trọng, tri ân công lao to lớn, ý chí kiên cường, tinh thần bất khuất, tấm gương hy sinh quên mình vì nước, vì dân của người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên và các thế hệ tiền bối đã cống hiến trọn đời cho cách mạng, thế hệ trẻ hôm nay nguyện noi gương anh quyết tâm học tập, lao động xây dựng quê hương, đất nước ngày càng tươi đẹp.
S.TRUNG
(Theo đề cương tuyên truyền kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Lý Tự Trọng - Người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên (20-10-1914 – 20-10-2024) do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Tỉnh ủy Hà Tĩnh biên soạn)