Chính trị
Nhiều trường gặp khó khi trả lương nhân viên vệ sinh
Năm học 2024 - 2025, thành phố bãi bỏ khoản thu phí vệ sinh ở tất cả trường công lập theo kết luận thanh tra số 388/KL-BGDĐT ngày 22-11-2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Vì vậy, các trường học phải sử dụng nguồn kinh phí từ ngân sách để hợp đồng nhân viên vệ sinh.
Công tác vệ sinh trường học được các trường chú trọng để bảo đảm môi trường sạch sẽ cho các em. Trong ảnh: Học sinh Trường Tiểu học Hoa Lư (quận Thanh Khê) vệ sinh tay trước bữa ăn. Ảnh: NGỌC HÀ |
Tại Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu), để bảo đảm công tác vệ sinh trường học, nhà trường hợp đồng 4 nhân viên với mức lương 4.622.000 đồng/người/tháng. Từ năm học 2023-2024 trở về trước, nguồn kinh phí trả cho nhân viên trích từ 80% nguồn thu từ khoản vệ sinh trường học với mức thu 130.000 đồng/học sinh/năm (chi trong 9 tháng học).
Từ năm học 2023-2024 trở về trước, Trường Tiểu học Hùng Vương (quận Hải Châu) hợp đồng 2 nhân viên làm vệ sinh trường học, mức lương gần 4,7 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, nguồn thu từ khoản vệ sinh trường học với mức thu 120.000/năm được dùng để chi trả lương cho 1,5 suất lương; 0,5 tổng số lương còn lại được trích từ chi phí vệ sinh trong khoản thu phụ vụ bán trú.
Cô Đỗ Thị Lệ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, mặc dù không thu khoản phí dịch vụ vệ sinh, tuy nhiên, công tác vệ sinh trong các trường học thì vẫn phải đảm bảo. Đặc biệt ở cấp tiểu học, học sinh ở lại trường sinh hoạt và học tập cả ngày. Các em còn nhỏ, chỉ cần sàn nhà vệ sinh không đủ khô ráo, rất dễ té ngã. Vì vậy, nhà trường vẫn duy trì hợp đồng với 2 nhân viên vệ sinh và trích từ ngân sách chi các hoạt động của trường để trả lương.
Trường THCS Ngô Thì Nhậm (quận Liên Chiểu) có 1.985 học sinh với 6 khu vệ sinh dành cho học sinh; ngoài ra, còn có 2 khu vệ sinh ở khu vực hiệu bộ. Nhà trường hợp đồng 3 nhân viên vệ sinh với mức lương khoảng 15 triệu đồng/tháng và trích từ nguồn ngân sách để thanh toán.
Theo thầy Phạm Thanh Bửu, Hiệu trưởng nhà trường, nguồn ngân sách cho các khoản chi hoạt động thường xuyên đã ổn định hằng năm và không được cấp bù cho khoản dịch vụ vệ sinh.
“Mỗi tháng, nhà trường phát sinh thêm 15 triệu đồng tiền lương nhân viên vệ sinh. Trong khi đó, không thể giảm các hoạt động giáo dục khác. Chúng tôi rà soát các khoản chi phí văn phòng phẩm, tiết kiệm điện… để bù đắp cho khoản chi vệ sinh nhà trường”, thầy Bửu nói.
Theo ông Nguyễn Đức Tú Anh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quận Hải Châu, khi không còn khoản thu vệ sinh trường học, ngân sách của các trường phải cấp bù từ khoảng 80-140 triệu đồng tùy theo số lượng nhân viên vệ sinh hợp đồng. Với những trường học có quy mô khoảng 16 lớp học trở lên ở bậc tiểu học, cũng đã phải có tối thiểu 2 nhân viên làm công tác vệ sinh. Vì thế, các trường mong muốn được cấp bù khoản lương cho nhân viên vệ sinh hoặc cho có chủ trương xã hội hóa khoản thu này theo hình thức một vài cá nhân tài trợ hoặc có cơ chế xây dựng giá dịch vụ để các trường thực hiện khoản thu này.
Cũng liên qua vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Lịch, Trưởng phòng GD&ĐT quận Liên Chiểu cho rằng, có nhiều ý kiến chủ trương xã hội hóa nhưng đây là phương án khó thực hiện. Do đó, phòng GD&ĐT quận đề xuất bổ sung kinh phí hoạt động cho các đơn vị để chi lương cho nhân viên vệ sinh.
Trong khi đó, Sở GD&ĐT cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố liên quan thực hiện tiền dịch vụ vệ sinh trường học, sở vừa tổ chức cuộc họp với Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố, lãnh đạo các sở, ngành có liên quan, UBND quận, huyện và thủ trưởng các đơn vị trường học trao đổi về xử lý khoản thu tiền dịch vụ vệ sinh trường học.
Các thành viên dự họp thống nhất đề nghị ngân sách thành phố cấp bù từ tháng 9 đến 12-2024 và năm 2025 cấp bổ sung dự toán theo đầu học sinh vào kinh phí chi hoạt động của các đơn vị, trường học. Sở GD&ĐT đã có văn bản gửi Sở Tài chính tham mưu cấp có thẩm quyền cấp bổ sung kinh phí dịch vụ vệ sinh.
NGỌC HÀ