Chính trị

Ủng hộ việc tổ chức chính quyền đô thị thành phố Hải Phòng và thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương

15:51, 31/10/2024 (GMT+7)

ĐNO - Ngày 31-10, Quốc hội thảo luận tổ về dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng và việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương.

Quang cảnh buổi thảo luận tổ. Ảnh VH
Quang cảnh buổi thảo luận tổ. Ảnh: V.H

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng chủ trì thảo luận tổ 11 cùng với Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Sơn La, Tây Ninh, Long An.

Thảo luận dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng thống nhất với dự thảo, đồng thời đề nghị 2 vấn đề mà Cơ quan soạn thảo cần xem xét bổ sung, điều chỉnh phù hợp.

Thứ nhất, liên quan tới điểm a, khoản 1, Điều 2 về “Thẩm quyền HĐND thành phố”, Bí thư Thành ủy cho rằng, cần phải bổ sung cho HĐND thành phố Hải Phòng thẩm quyền về việc phân chia khoản vượt thu cho các quận, phường.

Nếu không có cơ chế điều tiết phần vượt thu cho các địa phương thì sẽ không tạo ra động lực trong quá trình thúc đẩy vượt thu ngân sách.

Thứ hai, liên quan đến khoản 2, Điều 9 của dự thảo về thời điểm có hiệu lực của nghị quyết, Bí thư Thành ủy đề nghị cần xem thực hiện sớm hơn ngày 1-7-2026 như dự thảo đưa ra. Qua đó, tạo sự chủ động trong việc sắp xếp nhân sự tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2025-2030.

Về vệc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội đồng tình ủng hộ.

Tuy nhiên, theo đại biểu, về cơ sở thực tiễn, cần phải quan tâm thêm một số vấn đề như việc làm cho một bộ phận dân mất đất sản xuất, tăng chi cho hộ nghèo theo chuẩn Trung ương.

Cùng với đó, phải bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống nhưng không làm phát sinh xung đột, rào cản, trở ngại quá trình phát triển và hiện đại hóa đô thị.

Ngoài ra, theo đại biểu, khi thành lập thành phố trực thuộc Trung ương sẽ thu hút một lực lượng di dân lớn cũng như khách du lịch đến thành phố, gây áp lực không nhỏ lên cơ sở hạ tầng xã hội như nhà ở, y tế, giáo dục, vệ sinh môi trường, giao thông, nhất là bảo tồn di sản. Do đó, cần phải xác định rõ hơn trong phần định hướng về phát triển văn hóa-xã hội.

Đặc biệt, sau khi thành lập thành phố trực thuộc Trung ương sẽ tăng khối lượng thủ tục hành chính, cần phải đầu tư nguồn lực lớn, trong khi nguồn thu ngân sách của tỉnh còn khiêm tốn, đề nghị Trung ương quan tâm, hỗ trợ; đồng thời, địa phương cần đào tạo, nâng cao tổ chức bộ máy hiện đại, đặc biệt là năng lực quản lý đô thị từ cấp thành phố, quận, phường.

VŨ HƯNG - AN NHIÊN


 

.