Chính trị
Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng góp ý dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi)
ĐNO - Sáng 6-11, phát biểu thảo luận ở hội trường Quốc hội về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), đại biểu Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, cho rằng dự án luật cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm trong việc tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, giao cho địa phương quyết, làm và chịu trách nhiệm.
Đại biểu Trần Chí Cường phát biểu thảo luận ở hội trường Quốc hội sáng 6-11. Ảnh: V.H |
Theo đại biểu, dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) trình tại kỳ họp lần này đã hiện thực hóa được những chủ trương tại Hội nghị lần thứ 10 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Đồng thời, dự thảo về dự án luật đã nghiên cứu tháo gỡ được những vấn đề lâu nay đang vướng mắc trong thực tiễn triển khai hoạt động đầu tư công từ các quy định của Luật Đầu tư công hiện hành. Tuy nhiên, để dự thảo dự án luật hoàn thiện, đại biểu Trần Chí Cường đề xuất nhiều nội dung quan trọng.
Thứ nhất, bên cạnh việc tháo gỡ các bất cập, vướng mắc thông qua sửa đổi, bổ sung các điều, khoản như báo cáo giải trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách đã nêu, việc bổ sung một số quy định mới như việc tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, sử dụng các nguồn vốn ngoài vốn đầu tư công cho công tác chuẩn bị đầu tư, phân cấp điều chỉnh kế hoạch đầu tư công, phân cấp quyết định chủ trương đầu tư các nhóm dự án sẽ góp phần rút ngắn thời gian trong việc triển khai thực hiện dự án đầu tư công.
Tuy nhiên, vấn đề quy trình thủ tục thực hiện đầu tư dự án công cần phải được nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh nhằm rút ngắn hơn nữa thời gian thực hiện dự án. Thủ tục đầu tư không chỉ được quy định trong Luật Đầu tư mà còn được quy định trong nhiều luật khác nhau như đất đai, xây dựng, môi trường, chuyển giao công nghệ, phòng cháy chữa cháy…
Theo quy định hiện hành, thời gian thực hiện các thủ tục về đất đai, xây dựng, môi trường, chuyển giao công nghệ, phòng cháy chữa cháy thường mất nhiều thời gian. Mỗi thủ tục lại có yêu cầu riêng về hồ sơ, trình tự và thời gian, một số thủ tục lại quy định nhiều bước thực hiện (thủ tục xây dựng), một số thủ tục phải thực hiện tuần tự, kết quả của thủ tục này là đầu vào của thủ tục khác.
Tính trung bình, thời gian để thực hiện đầy đủ các thủ tục nêu trên (tùy theo loại dự án A, B hay C) sẽ kéo dài từ khoảng 250 đến 350 ngày mới khởi công xây dựng, tức là phải hơn 8 tháng kể từ khi HĐND cấp tỉnh thông qua mới thực hiện.
Trên thực tế, thời gian thực hiện thủ tục có thể kéo dài hơn do độ trễ vì phải hoàn thiện các hồ sơ và tài liệu có liên quan. Vì vậy, đại biểu đề nghị dự thảo luật cần nghiên cứu bổ sung quy định thời gian ở các bước lập thủ tục và phê duyệt của các cơ quan, tương tự như quy định ở Điều 36a bổ sung Luật Đầu tư quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt trình Quốc hội trong dự án luật sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư đối tác công tư và Luật Đấu thầu.
Thứ hai, dự án Luật Đầu tư công sửa đổi quy định thời gian bố trí vốn đối với dự án nhóm A là 6 năm, nhóm B là 4 năm và nhóm C là 3 năm, không thay đổi so với quy định tại Luật Đầu tư công hiện hành.
Với thời gian thực hiện quy trình thủ tục như đã nêu ở trên thì việc thực hiện theo quy định tại khoản 2, Điều 89 Luật Đầu tư công hiện hành về hạn mức đối với phần vốn của các dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư trong kỳ đầu tư công trung hạn hiện tại chuyển tiếp sang kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau không được vượt quá 20% là việc bất khả thi.
Vì vậy, đại biểu đề nghị xem xét nâng hạn mức phần vốn chuyển tiếp của kỳ đầu tư công trung hạn hiện tại sang kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau không vượt quá 50% trên cơ sở căn cứ định hướng, chiến lược phát triển, dự kiến nguồn vốn và khả năng cân đối vốn của Trung ương và địa phương khi phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn.
VŨ HƯNG-AN NHIÊN