Chính trị

Đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo

07:57, 14/11/2024 (GMT+7)

Ngày 13-11, tại Đà Nẵng, Cục Biển và hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức hội thảo về đánh giá thực trạng việc thực hiện các quy định của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; đề xuất giải pháp hoàn thiện và định hướng sửa đổi, bổ sung luật này. Hội thảo có sự tham gia của đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường của 8 tỉnh, thành phố ven biển khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ cùng các đơn vị liên quan trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Phó Cục Biển và hải đảo Việt Nam Nguyễn Thanh Tùng cho rằng, qua thực tiễn gần 10 năm thi hành Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, có những điều, khoản của luật cần phải được rà soát, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, nhất là giải quyết các mâu thuẫn với các luật khác đã và đang được sửa đổi, bổ sung như Luật Thủy sản, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Địa chất và khoáng sản..., đặc biệt là một số nội dung mà Luật Đất đai năm 2024 mới quy định, trong đó có quy định liên quan đến hoạt động lấn biển. Xuất phát từ thực tiễn đó, Cục Biển và hải đảo Việt Nam đang tiến hành tổng kết, đánh giá việc thực hiện các quy định của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trong gần 10 năm qua.

Trên cơ sở đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung luật này trong thời gian tới. Việc này rất cần sự quan tâm, góp ý và phản ánh của các địa phương, đơn vị liên quan về thực tiễn để đánh giá và điều chỉnh, bổ sung quy định của luật cho phù hợp, nhằm triển khai thi hành luật một cách khả thi, đáp ứng yêu cầu cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển bền vững kinh tế biển nói riêng cũng như giữ vững chủ quyền, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên biển.

​​​​​​​Cục Biển và hải đảo Việt Nam cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo hướng đến mục tiêu hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác quản lý; thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc khai thác, sử dụng không gian biển, bảo vệ môi trường biển; giải quyết hài hòa quyền và lợi ích của nhà nước, người khai thác, sử dụng tài nguyên biển và nhà đầu tư; bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển và sự tham gia của các bên liên quan trong quá trình khai thác, sử dụng không gian biển và bảo vệ môi trường, hệ sinh thái biển.   

Theo báo cáo của Cục Biển và hải đảo Việt Nam, đến nay có hơn 560 khu vực ven biển, hải đảo được thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển với tổng chiều dài gần 1.700km (khoảng 50% tổng chiều dài bờ biển); chất lượng nước biển ven bờ được bảo đảm...

HOÀNG HIỆP

.