Cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đồng bào các dân tộc thiểu số, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận thành phố hỗ trợ đồng bào phát triển kinh tế, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa. Qua đó, góp phần ổn định đời sống, bảo đảm an ninh, trật tự, phát triển kinh tế - xã hội thành phố.
Đồng bào Cơ tu tại thôn Tà Lang - Giàn Bí (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) khôi phục nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Ảnh: XUÂN HẬU |
Gương sáng trong đồng bào dân tộc thiểu số
Hơn 20 năm gắn bó tại Bệnh viện Đà Nẵng, bác sĩ chuyên khoa II Đinh Công Minh (SN 1977, dân tộc Chăm Rhe) luôn dốc toàn tâm, toàn lực vì người bệnh. Năm 2002, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Y dược Huế, bác sĩ Minh về công tác tại khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Đà Nẵng), sau đó là Khoa Cấp cứu, Hồi sức ngoại khoa rồi đến Khoa Nội hô hấp - Miễn dịch dị ứng. Dù ở vị trí công tác nào, bác sĩ Minh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chữa bệnh cứu người.
Từ năm 2014 đến nay, bác sĩ Minh tham gia chủ nhiệm 8 đề tài cấp cơ sở. Qua quá trình tìm tòi, nghiên cứu, bác sĩ cùng các đồng nghiệp tích lũy nhiều kiến thức, kinh nghiệm quý giá và ứng dụng vào công tác khám, điều trị cho người bệnh. Ngoài công việc chuyên môn, bác sĩ Minh còn tham gia các hoạt động thiện nguyện, khám và phát thuốc từ thiện tại các xã miền núi của thành phố.
“Tôi luôn nỗ lực để làm tốt công tác chuyên môn, đóng góp vào chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân. Tôi tâm niệm là người thầy thuốc phải làm bằng tâm, đức, coi bệnh nhân như người thân của mình và không ngừng học hỏi để nâng cao chuyên môn của bản thân”, bác sĩ Minh chia sẻ.
Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng Nguyễn Thành Trung, bác sĩ Đinh Công Minh là người có năng lực chuyên môn tốt, tâm huyết với người bệnh, được đông đảo bệnh nhân và đồng nghiệp tin tưởng, yêu mến. Bác sĩ Minh với đam mê nghiên cứu khoa học, có nhiều công trình nghiên cứu quan trọng, không ngừng học hỏi nâng cao tay nghề là tấm gương cho nhiều bác sĩ trẻ noi theo.
Sinh ra ở thôn Tà Lang (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang), anh Đinh Văn Hin (SN 1986), chàng trai trẻ đồng bào Cơ tu được người dân tín nhiệm bầu vào vị trí trưởng thôn kiêm Phó Bí thư Chi bộ thôn. Với kiến thức, cùng sự gần gũi, anh Hin tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, động viên người dân tham gia phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, đặc biệt là trong công tác bảo vệ rừng.
Là tổ trưởng tổ quản lý bảo vệ khoảng 10.000ha rừng, anh Hin đến từng nhà, tranh thủ những buổi họp dân, kết hợp tuyên truyền trên các nhóm mạng xã hội của thôn để mọi người nắm bắt. Anh vận động mọi người tham gia dịch vụ môi trường rừng, quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng Bà Nà - núi Chúa. Các hộ tham gia phải ký cam kết tham gia bảo vệ rừng khi mở lối khai thác keo và được hỗ trợ 28 triệu đồng/hộ/năm.
Qua nhiều năm kiên trì vận động, người dân nâng cao nhận thức về công tác quản lý, bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng, không còn tình trạng khai thác gỗ trái phép, phát rẫy trồng keo tự phát. Đối với thanh niên trẻ của thôn, khi chính quyền xã tạo điều kiện, kết nối với các doanh nghiệp nước ngoài, anh vận động tham gia xuất khẩu lao động 3-6 tháng để tăng thu nhập cho gia đình. Anh Hin phối hợp công an khu vực nắm thông tin người dân ở địa phương, tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn. Bên cạnh đó, anh vận động khôi phục những điệu múa, những nhạc cụ, văn hóa đặc sắc của người Cơ tu… để phát triển du lịch địa phương.
Là người có uy tín trong cộng đồng người Hoa ở thôn Trung Nghĩa (xã Hòa Ninh), ông Hứa Phương Đức luôn gương mẫu trong nếp sống, nếp nghĩ, gần gũi, nắm thông tin trong cộng đồng, hỗ trợ với người dân gặp khó khăn. Ông Đức tích cực vận động bà con người Hoa sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật Nhà nước, đoàn kết, nâng đỡ nhau về công việc, phát triển kinh tế, cùng nhau xây dựng cộng đồng. “Cộng đồng người Hoa tại thôn Trung Nghĩa luôn biết ơn sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo xã, Huyện ủy, Thành ủy để bà con được phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống”, ông Đức chia sẻ.
Bác sĩ Đinh Công Minh (đứng), dân tộc Chăm Rhe, luôn nỗ lực trong công việc. |
Đồng hành thúc đẩy phát triển kinh tế
Hiện nay, thành phố có có 32 thành phần dân tộc thiểu số, với 5.880 người. Những năm qua, thành phố triển khai nhiều nghị quyết, quyết định về công tác dân tộc và các chính sách dân tộc phù hợp với điều kiện của vùng miền và địa phương. Hơn 2 năm triển khai, mô hình homestay tại xã Hòa Bắc của chị Rơ Dzâm Thị Hồng đem lại hiệu quả phát triển kinh tế du lịch và tạo công việc cho phụ nữ địa phương. Đây là một trong hai mô hình được nhận 300 triệu đồng theo chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế của người đồng bào dân tộc thiểu số của huyện.
“Với mong muốn góp phần phát triển du lịch địa phương và cải thiện đời sống, tôi quyết tâm thuyết phục gia đình xây dựng homestay. Để có được kết quả ngày hôm nay là sự đồng hành của địa phương, hỗ trợ vốn, tư vấn cách triển khai… Tôi rất biết ơn sự đồng hành, chia sẻ này”, chị Hồng cho biết.
Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc Hồ Phú Thanh cho biết, trước đây khi nói đến đồng bào Cơ tu chỉ biết đến những khó khăn về kinh tế, đường xá đi lại xa xôi, trắc trở. Những năm gần đây, nhờ đầu tư nâng cấp hạ tầng, giao thông đi lại thuận lợi, đồng bào Cơ tu đã có những thay đổi về đời sống, xây dựng các mô hình du lịch sinh thái cộng đồng, đặc biệt phát triển du lịch văn hóa. Xã sẽ tiếp tục quan tâm, đầu tư các mô hình homestay, hỗ trợ phát triển các dịch vụ để phục vụ du lịch sinh thái cộng đồng ở hai thôn.
Tại huyện Hòa Vang, trong 5 năm qua, thành phố tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu với tổng kinh phí 181,673 tỷ đồng. Đến nay, các thôn vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện đều có điện lưới quốc gia; hệ thống giao thông được bê-tông hóa đến kiệt, hẻm; hệ thống truyền thanh, internet từ huyện, xã đến các thôn được đồng bộ.
Theo Bí thư Huyện ủy Tô Văn Hùng, với những chính sách đầu tư cho vùng đồng bào, dân tộc thiểu số, chính người đồng bào đã nhận thức được trách nhiệm và vai trò của bản thân, chung tay xây dựng, đoàn kết dân tộc, chấp hành tốt chủ trương, pháp luật của Nhà nước, tham gia sản xuất tốt đóng góp kinh tế cho địa phương, giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc.
Thời gian đến, huyện tiếp tục rà soát, đầu tư mới, nâng cấp cơ sở hạ tầng, các công trình thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở các thôn; hỗ trợ các mô hình phát triển kinh tế; mô hình du lịch cộng đồng của đồng bào Cơ tu; triển khai đề án Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của người Cơ tu, đặc biệt là tập trung chỉ đạo khẩn trương hoàn tất các thủ tục để tiến hành khởi công và sớm hoàn thành công trình Trung tâm Văn hóa du lịch cộng đồng người Cơ tu; chú trọng phát triển đảng viên người dân tộc thiểu số; tăng cường bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Không ngừng cải thiện đời sống vật chất, tinh thần Từ năm 2019 đến nay, nhờ các chính sách đầu tư, hỗ trợ của thành phố, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số huyện Hòa Vang được cải thiện. Cụ thể, hơn 95% hộ đồng bào có phương tiện nghe nhìn; hệ thống trường học, các chợ, thiết chế văn hóa… được đầu tư nâng cấp. Huyện giao 421,24ha đất rừng và hỗ trợ 744 triệu đồng cho 116 hộ ở Tà Lang và Giàn Bí thực hiện trồng rừng; hỗ trợ các mô hình phát triển kinh tế; nâng cấp trường học, có 2 trường đạt chuẩn quốc gia, 2 trường đang hoàn thiện thủ tục công nhận, hỗ trợ về tiền ăn bán trú, tiền học phẩm cho các học sinh đồng bào dân tộc thiểu số tại các cấp học, tổ chức triển khai dạy phụ đạo cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số cấp THCS. 100% người dân tộc Cơ tu và người Việt gốc Hoa được cấp thẻ bảo hiểm y tế; tập trung bảo tồn và phát triển văn hóa cộng đồng người Cơ tu; thành lập tổ hợp tác du lịch sinh thái cộng đồng và 8 nhóm phục vụ du lịch; hỗ trợ xây dựng nhà ở tại khu tái định cư Tà Lang - Giàn Bí. Hỗ trợ 423 hộ được vay vốn để phát triển kinh tế với kinh phí 15,035 tỷ đồng; giới thiệu việc làm cho 225 lượt lao động; hỗ trợ 40 lao động vào làm việc tại các khu du lịch trên địa bàn xã Hòa Phú và ưu tiên cho 28 trường hợp đủ điều kiện tham gia chương trình tu nghiệp lao động tại Hàn Quốc. |
XUÂN HẬU