Chính trị

Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Nhà giáo

09:00, 20/11/2024 (GMT+7)

Ngày 20-11, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV tiếp tục họp đợt thứ 2 từ ngày 20-11 đến 30-11. Sáng 20-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo.

Theo chương trình kỳ họp, sáng 20-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Chiều 20-11, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Trưởng Ban Soạn thảo trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (tối đa 10 phút).

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (tối đa 10 phút).

Quốc hội thảo luận ở hội trường về: Chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam; điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Trước đó, đợt 1 Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV họp từ ngày 21-10 đến hết ngày 13-11. Đây là kỳ họp có khối lượng công việc nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ tới nay, nên Kỳ họp thứ 8 có thời gian kéo dài hơn, với nhiều nội dung quan trọng về: Công tác nhân sự, xây dựng pháp luật, đánh giá về kết quả phát triển kinh tế xã hội năm 2024 nhiệm kỳ 2021 - 2025, chuẩn bị triển khai Đại hội Đảng các cấp năm 2025 và tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc năm 2026.

Ngay trong ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp, Quốc hội đã tiến hành thảo luận và biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết bầu Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Lương Cường.

Bên cạnh công tác nhân sự, tại Kỳ họp thứ 8, số dự án luật, dự thảo nghị quyết lên tới con số 31; nhiều chính sách được đánh giá đột phá theo tư duy mới về xây dựng pháp luật.

Công tác lập pháp là nội dung trọng tâm, chiếm phần lớn thời gian của Kỳ họp thứ 8. Trong đợt 1, các đại biểu Quốc hội đã phát huy dân chủ, trí tuệ, chuyên nghiệp, khoa học, tập trung góp ý toàn diện về nội dung và kỹ thuật lập pháp của các dự án Luật.

Trong các phiên họp của đợt 1, Quốc hội và đại biểu nghe các báo cáo về các dự án Luật như: Tờ trình về dự án Luật Điện lực (sửa đổi); Tờ trình về dự án Luật Dữ liệu; Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Tờ trình về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi); dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên; dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn…

Theo tinh thần của kỳ họp, các đại biểu thảo luận, xem xét trên tinh thần Luật cần ngắn gọn, chỉ quy định những vấn đề theo đúng thẩm quyền của Quốc hội, không luật hóa các vấn đề thuộc thông tư, nghị định; không cầu toàn, không nóng vội; không quy định cứng nhắc; chuyển tư duy quản lý sang khơi thông nguồn lực, tăng cường phân cấp, phân quyền triệt để, thực chất, đảm bảo đủ khả năng cho cá nhân, cơ quan được phân cấp, phân quyền có thể tổ chức thực hiện công việc; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; kiểm soát quyền lực, không để lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong các luật, nghị quyết.

Đợt 1 của Kỳ họp thứ 8 cũng đã hoàn thành 2 ngày chất vấn và trả lời chất vấn, là phần nội dung được cử tri mong chờ.

Chịu trách nhiệm trả lời chính tại các phiên chất vấn có Thủ tướng Phạm Minh Chính và 3 tư lệnh ngành tham trả lời chất vấn là: Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm cao. Các đại biểu đánh giá phần điều hành các phiên chất vấn của Chủ tịch Quốc hội đã linh hoạt, dứt khoát. Điều này làm cho phiên chất vấn đảm bảo được nội dung đi vào chiều sâu, không lan man vào các nội dung nằm ngoài nội dung chất vấn.

Theo baotintuc.vn

.