Chính trị

Quốc hội thông qua Luật Tư pháp người chưa thành niên

18:45, 30/11/2024 (GMT+7)

Sáng 30-11, với 461/463 (chiếm 96,24%) đại biểu tham dự tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Kết quả biểu quyết thông qua Luật Tư pháp người chưa thành niên. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Kết quả biểu quyết thông qua Luật Tư pháp người chưa thành niên. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Luật Tư pháp người chưa thành niên có nhiệm vụ bảo vệ quyền, lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên; bảo đảm việc xử lý người chưa thành niên phù hợp với độ tuổi, khả năng nhận thức, đặc điểm nhân thân, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; giáo dục, giúp đỡ người chưa thành niên tự sửa chữa sai lầm, cải thiện hành vi, trở thành công dân có ích cho xã hội.

Luật này quy định về xử lý chuyển hướng, hình phạt và thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên phạm tội; thủ tục tố tụng đối với bị hại và người làm chứng; thi hành án; tái hòa nhập cộng đồng và hỗ trợ bị hại; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên.

Đáng chú ý, Luật quy định các biện pháp xử lý chuyển hướng gồm: Khiển trách; hạn chế khung giờ sinh hoạt, đi lại; xin lỗi người bị hại; bồi thường thiệt hại; tham gia chương trình học tập, dạy nghề; điều trị, tư vấn tâm lý bắt buộc; lao động công ích; cấm tiếp xúc; cấm đến một địa điểm nhất định; giáo dục tại xã, phường, thị trấn; giáo dục tại trường giáo dưỡng.

Người chưa thành niên thuộc một trong các trường hợp sau đây, có thể được xem xét áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng gồm: Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng theo quy định của Bộ luật Hình sự; người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 123 của Bộ luật Hình sự; người chưa thành niên là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án.

Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày cho thấy, có ý kiến đề nghị mở rộng thêm một số tội danh và một số trường hợp không cho phép người chưa thành niên được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng. Bộ luật Hình sự hiện hành quy định 14 tội không áp dụng xử lý chuyển hướng đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và 8 tội không áp dụng xử lý chuyển hướng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.

Khi xét xử người chưa thành niên về những tội này, căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, Tòa án có 2 lựa chọn (hoặc là áp dụng hình phạt hoặc là áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng). Thể chế hóa Chỉ thị số 28-CT/TW của Bộ Chính trị về "phát triển hệ thống tư pháp thân thiện và bảo vệ trẻ em", dự thảo Luật đã chuyển biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng thành biện pháp xử lý chuyển hướng.

Theo đó, khi phạm vào những tội nêu trên, người chưa thành niên vẫn chỉ có thể bị áp dụng hoặc là giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc là hình phạt và không được phép áp dụng xử lý chuyển hướng ngoài cộng đồng nên không làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, người chưa thành niên sẽ được áp dụng đưa vào trường giáo dưỡng sớm hơn ngay từ giai đoạn điều tra (thay vì phải chờ đến khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm mới được áp dụng như hiện nay), từ đó rút ngắn đáng kể thời hạn tạm giam, hạn chế tối đa việc gián đoạn quyền học tập, học nghề.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng nếu bổ sung thêm các trường hợp không được phép áp dụng xử lý chuyển hướng như ý kiến nêu trên thì sẽ làm tăng nặng hơn rất nhiều trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên so với hiện hành. Như vậy, sẽ không phù hợp với quan điểm chỉ đạo xuyên suốt đặt ra đối với quá trình soạn thảo, thẩm tra, chỉnh lý dự thảo Luật là căn bản không được làm tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên so với quy định hiện hành. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ quan điểm chỉ đạo này và không bổ sung các trường hợp không được phép xử lý chuyển hướng mà gây bất lợi và làm nặng hơn trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên so với quy định hiện hành.

Về thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng (Điều 52), một số ý kiến đề nghị quy định đối với các vụ án có tranh chấp về bồi thường thiệt hại, tịch thu tài sản thì phải chuyển hồ sơ đề nghị Tòa án xem xét, quyết định (cả biện pháp xử lý chuyển hướng và bồi thường thiệt hại, tịch thu tài sản).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, trường hợp vụ án có liên quan đến bồi thường thiệt hại và các bên đồng thuận việc giải quyết bồi thường thì việc giao cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng (theo từng giai đoạn tố tụng tương ứng) sẽ bảo đảm nguyên tắc nhanh chóng, kịp thời, giúp người chưa thành niên có đủ điều kiện luật định sớm được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng. Tuy nhiên, trường hợp có tranh chấp về bồi thường thiệt hại mà phải tách riêng phần bồi thường để giải quyết thành một vụ án dân sự độc lập sẽ rất phức tạp; đồng thời, theo quy định tại Điều 45 Bộ luật hình sự thì việc tịch thu tài sản chỉ thuộc thẩm quyền của Tòa án. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và đã chỉnh lý, thể hiện tại Điều 52 của dự thảo Luật.

Theo TTXVN

.