Chính trị
Tán thành việc ban hành Luật Công nghiệp công nghệ số
Ngày 23-11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng chủ trì thảo luận ở tổ 11 cùng với đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Sơn La, Tây Ninh, Long An.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng phát biểu thảo luận ở tổ. Ảnh: VŨ HƯNG |
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh sự cần thiết phải ban hành luật này, đồng tình với quy định tại Điều 4 và đánh giá cao Điều 5. Tuy nhiên, tại Điều 33 về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho khu công nghệ số, đại biểu nhận thấy nội hàm của việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghệ số được quy định cũng không có gì đặc biệt nổi trội. Do đó, Bí thư Thành ủy đề nghị cơ quan soạn thảo cần phải xem xét lại. Theo Bí thư Thành ủy, để thu hút được nhà đầu tư thì trong luật này phải quy định trình tự thủ tục rất đặc biệt, mang tính rút ngắn để bảo đảm việc dùng cả ngân sách Nhà nước để đầu tư kết cấu hạ tầng theo lĩnh vực này và thu hút đầu tư của xã hội.
Đại biểu Nguyễn Duy Minh, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố tán thành sự cần thiết phải ban hành Luật Công nghiệp công nghệ số và góp ý thêm một số nội dung trọng tâm. Theo đó, tại khoản 3, Điều 27 quy định về việc cấp thị thực dài hạn 5 năm cho nhân lực công nghệ số chất lượng cao trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ số và công nghiệp bán dẫn là người nước ngoài, đây là bước đi cần thiết để tạo điều kiện cho chuyên gia quốc tế đến và làm việc tại Việt Nam, đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghệ số và bán dẫn của nước ta.
Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc mở rộng thêm các hỗ trợ kèm theo, như chính sách cho thân nhân hoặc các ưu đãi về sinh hoạt, giáo dục, để chuyên gia quốc tế có thể an tâm sinh sống và phát triển lâu dài tại Việt Nam, như nhiều quốc gia trên thế giới đang áp dụng. Điều này không chỉ giúp thu hút mà còn giữ chân các chuyên gia đầu ngành, tạo tiền đề cho một nền công nghiệp công nghệ số bền vững và phát triển mạnh mẽ hơn. Khoản 4, Điều 27 dự thảo luật quy định về chính sách miễn giấy phép lao động cho nhân lực công nghệ số chất lượng cao - một động thái cần thiết để thu hút nguồn lực quốc tế.
Tuy nhiên, để bảo đảm chất lượng đội ngũ chuyên gia làm việc tại Việt Nam, đại biểu kiến nghị, bên cạnh việc miễn giấy phép lao động, cần có quy trình xác nhận chuyên môn thông qua các hiệp hội nghề nghiệp hoặc tổ chức chuyên ngành uy tín.
Đây là cách để giữ vững chuẩn mực cao trong lĩnh vực công nghệ, bảo đảm nhân lực đến Việt Nam thực sự đạt chất lượng. Quy trình xác nhận này cần được thiết kế hợp lý, không quá khắt khe, để tránh tạo thêm rào cản không cần thiết cho chuyên gia chất lượng cao khi họ muốn làm việc tại Việt Nam.
VŨ HƯNG - AN NHIÊN