Chính trị
Thu hút các nhà khoa học trẻ, chuyên gia giỏi trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn
ĐNO - Chiều 4-11, thảo luận ở hội trường Quốc hội về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, đại biểu Nguyễn Duy Minh, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố đề nghị cần có chính sách để thu hút các nhà khoa học trẻ, chuyên gia giỏi về công tác trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.
Đại biểu Nguyễn Duy Minh phát biểu thảo luận ở hội trường. Ảnh: VŨ HƯNG |
Đại biểu Nguyễn Duy Minh đánh giá cao kết quả đạt được trong phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, nhất là trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức của kinh tế thế giới đã ảnh hưởng, tác động lớn đến nền kinh tế nước ta.
Đặc biệt, đánh giá cao sự quyết tâm của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong công tác hoàn thiện thể chế, quan tâm, chỉ đạo quyết liệt để giải quyết những điểm nghẽn, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Để góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố đề xuất Chính phủ rà soát, ban hành các cơ chế, chính sách để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ưu tiên chính sách tạo môi trường để phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp, nhất là trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.
Theo đại biểu, hiện nay, đối với hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đang chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản luật khác nhau và rất phân tán, dẫn đến sự thiếu thống nhất và chưa giải quyết được các vấn đề tồn tại, vướng mắc, như các tiêu chí về quy mô doanh nghiệp, quy định tổng vốn đầu tư, các quy định khác theo pháp luật hiện hành.
Điều này khiến doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn khó được công nhận là doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc doanh nghiệp công nghệ cao mặc dù đáp ứng đủ điều kiện về công nghệ và tiềm năng phát triển tại Việt Nam.
Về ưu đãi thuế, các doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp vừa và nhỏ được hưởng các ưu đãi như mọi doanh nghiệp khác theo quy định của pháp luật hiện hành, chưa có chính sách cụ thể nào dành riêng cho doanh nghiệp khởi nghiệp.
Ngoài ra, Việt Nam cũng chưa có chính sách ưu đãi thuế cho các nhà đầu tư mạo hiểm nhằm khuyến khích họ đầu tư vào lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Do đó, các nhà đầu tư tại Việt Nam vẫn phải chịu thuế như đối với các khoản đầu tư khác; phí quản lý, quỹ cũng chịu thuế theo Luật Thuế doanh nghiệp.
Cùng với đó, việc thành lập Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng vẫn còn chậm; việc sử dụng tài sản công hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp, quy trình, thủ tục thanh toán của các sản phẩm, mô hình, ý tưởng mới được nhận hỗ trợ kinh phí ngân sách Nhà nước còn khó khăn.
Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu để thống nhất sửa đổi, bổ sung một số luật như: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Khoa học và công nghệ nhằm tạo hành lang pháp lý để thu hút nguồn lực cho phát triển đổi mới sáng tạo, đóng góp tích cực vào đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo sức bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Cùng với đó, chỉ đạo rà soát, đổi mới chương trình đào tạo đội ngũ giảng viên, sinh viên trong các chuyên ngành về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và vi mạch bán dẫn; có chính sách để thu hút các nhà khoa học trẻ, chuyên gia giỏi về công tác trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn; đẩy mạnh hợp tác giữa các trường đại học với các doanh nghiệp, nhà đầu tư, viện nghiên cứu có uy tín nhằm tạo môi trường để nâng cao chất lượng đào tạo và khả năng ứng dụng trong thực tế.
Bên cạnh đó, Chính phủ sớm trình Quốc hội xem xét có cơ chế, chính sách thí điểm để triển khai nhằm tạo điều kiện khai thác nguồn lực tài chính trong và ngoài nước để thúc đẩy phát triển kinh tế của đất nước.
VŨ HƯNG - AN NHIÊN