Cuộc thi viết "Đà Nẵng ngày mới"

Có một chiếc cầu trong tôi

09:40, 16/07/2021 (GMT+7)

Ngày này tháng nọ tôi qua lại cầu sông Hàn không biết bao nhiêu mà kể, vậy mà cây cầu này không bao giờ cũ trong mắt tôi. Đêm đêm, tôi chạy xe máy dọc sông Hàn, khung cảnh quen lắm nhưng tôi không khỏi trầm trồ trước cái tráng lệ của ánh đèn neon rực rỡ luôn mang lại cho tôi cảm giác mới mẻ. Cảnh quan chung quanh làm hậu cảnh tôn vinh vẻ đẹp của cầu.

Ảnh: NGUYỄN TRÌNH
Ảnh: NGUYỄN TRÌNH

Cách đây không lâu, tôi và một người bạn đang định cư ở nước ngoài nói chuyện với nhau trên messenger, bạn hỏi: Cầu Sông Hàn có gì khác, gọi là đặc trưng so với những cây cầu còn lại ở Đà Nẵng? Thiệt tình tôi không trả lời được. Tôi chỉ biết đó là cầu quay và công trình này có sự đóng góp của người dân Đà Nẵng, còn thông tin hơn nữa thì tôi không rõ. Thế mới biết, có những cái quen thuộc như cơm ăn nước uống hằng ngày nên không để ý, nhưng có những chi tiết cần quan tâm thì ta lại... “bí”. Tôi hẹn với bạn sẽ tra cứu và trả lời sau.

Một ngày, tôi gặp một bạn cũ thời học phổ thông, nguyên đại biểu HĐND thành phố, từng tham gia đề án xây dựng cầu sông Hàn năm xưa. Câu trả lời của bạn làm tôi thỏa mãn: Đây là cây cầu quay đầu tiên do kỹ sư, công nhân Việt Nam tự thiết kế, thi công và là cây cầu quay duy nhất ở Việt Nam lúc ấy. Hằng đêm, vào khoảng 0 giờ 30, phần giữa của cây cầu xoay 90 độ quanh trục và nằm dọc theo dòng chảy của dòng sông để thông đường cho tàu lớn đi qua; đến khoảng 3 giờ 30, cầu sẽ quay trở lại như cũ. Cây cầu không chỉ phục vụ cho mục đích giao thông quan trọng mà còn là một kiệt tác kiến trúc và nghệ thuật hiện đại. Đây là công trình lớn đầu tiên của Đà Nẵng được xây dựng theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Câu trả lời ngắn nhưng cho thấy cả quá trình gập gềnh trong xây dựng cầu. Tổng mức đầu tư để xây dựng cầu Sông Hàn khoảng 95 tỷ đồng. Nhưng thời điểm đó vô cùng khó khăn, thành phố không đủ ngân sách cho việc xây dựng cầu. Vì vậy, chính quyền Đà Nẵng đã kêu gọi người dân chung tay góp sức để xây dựng cây cầu quay có một không hai này. Ngày đó, vận động đóng góp xây dựng cầu Sông Hàn có lẽ là cuộc vận động rộng lớn nhất được đông đảo người Đà Nẵng hưởng ứng nồng nhiệt.

Trong một chiều hè, khi hóng mát dưới chân cầu Sông Hàn, phía đường Lê Duẩn, bâng quơ tôi nhìn trên bảng vàng ghi công (thật ra là bảng bằng đồng) gắn ở chân cầu phía đường Lê Duẩn thấy khắc tên tượng trưng đồng bào Đà Nẵng, bà con đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng nhiều nơi, Việt kiều trên khắp thế giới, nhiều bạn bè quốc tế đóng góp, bỗng thấy lòng rưng rưng...

Tôi nhớ cuộc vận động đóng góp xây dựng cầu Sông Hàn xuống đến từng tổ dân phố nên tôi cũng góp phần trong đó. Những ngày giãn cách xã hội mùa Covid-19, lục soạn tủ sách, tôi vô tình thấy lại biên lai thu tiền xây dựng cầu qua sông Hàn ghi tên mình. Phiếu phát hành vào tháng 1-1999, tôi cầm nó trên tay mà nghĩ về một kỷ niệm đáng nhớ của mình gắn với thành phố. Không biết có ai còn giữ phiếu như tôi không?

Hơn 20 năm đi lại trên cầu thuận tiện, tôi đã quên những chuyến phà, chuyến đò ngang thơ mộng một thời gắn bó với tôi và cũng đầy bất trắc trong những đêm đông mưa bão. Hình như giờ đây, những chuyến phà ấy chỉ còn trong những câu chuyện kể như chuyện đời xưa của những người lớn tuổi.

Tôi vui theo cái vui của quận Sơn Trà, một vùng đất nay đã thay da đổi thịt bằng diện mạo hoàn toàn mới mẻ. Những công trình xây dựng ấn tượng, đẹp đẽ đã mọc lên nơi đây. Thay thế những khu nhà chồ nhếch nhác, tạm bợ dọc bờ sông năm xưa, nay là đường Trần Hưng Đạo thoáng đãng, diễm lệ.

Trong mắt tôi, có nhiều công trình có thể làm nên điểm nhấn của thành phố, nhưng cầu Sông Hàn vẫn là số một. Tôi từng tự hào kể với bạn phương xa từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, hay từ nước ngoài về những kỳ lễ hội pháo hoa quốc tế - cũng là “đặc sản” và trở thành “thương hiệu” của Đà Nẵng. Lúc ấy, cầu Sông Hàn nổi lên như là biểu tượng của Đà Nẵng với những sắc màu lung linh. Đoàn thuyền hoa xuôi ngược trên sông, dòng hoa đăng sóng sánh cùng sông nước đã chấm phá thêm nét duyên cho sông Hàn ngày hội.

Trên thế giới có những chiếc cầu đi vào lịch sử, vào văn học, vào điện ảnh như “Chiếc cầu trên sông Drina”, “Cầu sông Kwai” thì trong lòng tôi cũng có một cây cầu như thế, đó là cầu qua sông Hàn ở Đà Nẵng quê tôi - thành phố của “một bên núi, một bên sông, một bên biển rộng”.

NGUYỄN PHIN

 

.