Cuộc thi viết "Đà Nẵng ngày mới"
Điểm nhấn kiến trúc giữa lòng thành phố
Có nhiều bài báo ngợi ca những chiếc cầu bắc ngang sông Hàn, sông Cẩm Lệ. Những cây cầu ấy như dáng dấp các thiếu nữ điệu đà càng làm thành phố rực rỡ về đêm. Bên cạnh đó, có những chiếc cầu vượt ngoài chức năng kết nối lưu thông còn góp phần làm giảm ùn tắc và tai nạn, đồng thời trở thành điểm nhấn của kiến trúc đô thị Đà Nẵng.
Cầu vượt ngã ba Huế được khánh thành, đưa vào sử dụng ngày 29-3-2015 sau thời gian thi công không kể ngày đêm. (Ảnh chụp ngày 19-10-2021) Ảnh: ĐỨC HOÀNG |
Khi Đà Nẵng còn là thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, cả quận Liên Chiểu và gần hết quận Cẩm Lệ ngày nay thuộc huyện Hòa Vang. Thời gian này, nhóm bạn bè chúng tôi đều làm công việc của Nhà nước, ăn ở tập thể. Sáng sớm Chủ nhật, thấy vắng một đứa bạn, tôi hỏi thì cả nhóm bảo bạn đạp xe về quê từ sớm. Bây giờ chắc bạn tới ngã tư Hòa Cầm rồi.
Hòa Cầm hồi ấy thuộc xã Hòa Thọ, cách trung tâm thành phố hơn chục cây số, không hề xa xôi cách trở gì mà chẳng hiểu sao nhiều người cứ lấy địa danh Hòa Cầm để tính khoảng cách, trong khi có hàng loạt cái tên dọc đường thiên lý đáng nhớ như Cầu Đỏ, Miếu Bông… thì chẳng mấy ai đem ra ước lượng. Rất khó lý giải thuyết phục điều này. Có lẽ ngã tư Hòa Cầm là cánh cửa chính để người các vùng nông thôn trong tỉnh vào nội thành và ngược lại nên nó đã hằn in trong tâm trí của bao người.
Ngày ấy, tuy lưu lượng phương tiện tham gia giao thông còn ít ỏi nhưng ngay tại ngã tư Hòa Cầm, tai nạn vẫn luôn rình rập. Ngã tư này có địa hình khá hiểm yếu bởi chạy song song với quốc lộ 1A là đường sắt Bắc - Nam cùng với đường quốc lộ 14B từ trên đồi dốc xuôi xuống băng qua hai tuyến đường sắt - bộ theo hình chữ thập. Có những lúc tàu hỏa đang xình xịch lao qua, gác chắn được đóng lại mà một vài phương tiện vẫn tụt từ trên cao xuống gây tai nạn thảm khốc do mất phanh, hỏng thắng. Vì vậy, ngã tư Hòa Cầm luôn diễn ra cảnh ùn ứ, ách tắc giao thông. Cứ mỗi lần chạy xe qua đây, tôi đều có cảm giác mất an toàn.
Cuối năm 2003, cầu vượt Hòa Cầm được khởi công. Chỉ nghe cái tên cầu vượt thôi, ai cũng khấp khởi vui mừng. Rồi thấm thoắt thoi đưa, chiếc cầu vượt 6 nhịp với 6 làn xe, 2 làn dành cho người đi bộ rộng 28 mét vắt từ lưng đồi đá sỏi trải thoai thoải xuống thấp dài hơn 250 mét đã hiện hữu trước mắt bao người. Còn nhớ ngày khánh thành, bà con vùng ven phía nam thành phố hối hả kéo về. Những ánh mắt, nụ cười của các chàng trai, cô gái, các thành viên đội xe thồ tự quản Hòa Cầm đều ăm ắp niềm vui. Rồi những câu chuyện đau lòng tại điểm đen giao thông này đã lùi vào dĩ vãng được họ nhắc lại như để minh chứng về sự ra đời của cây cầu tại ngã tư Hòa Cầm là một tất yếu.
Lần lữa tới 9 năm sau, ngày 29-3-2015, cầu vượt tại ngã ba Huế được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Cầu vượt này cũng xuất phát từ thực tiễn của đô thị, từ quyền lợi chính đáng của nhiều người dân trong và ngoài thành phố. Để nhường chỗ cho cầu vượt, gần 500 hộ các quận Thanh Khê, Liên Chiểu, Cẩm Lệ phải rời xa nếp nhà đã gắn bó bao năm đi đến nơi ở mới. Đây là cầu vượt nối liền, thông mạch với các tuyến đường ra Bắc, vào Nam và rẽ một nhánh về phía Đông để vào trái tim thành phố. Dự án được đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, hoàn thành trong 16 tháng quả là sự nỗ lực rất lớn của hàng trăm kỹ sư và bàn tay cần mẫn của hàng ngàn người thợ.
Như một thói quen, tôi không bao giờ chen chúc đi qua các cây cầu mới sau giờ phút chính thức đưa vào sử dụng mặc dù lòng luôn háo hức. Đợi đến chiều ngày lãnh đạo thành phố và Bộ Giao thông vận tải cắt băng khánh thành, tôi mới chở anh bạn chạy vòng vèo lần lượt các tầng cầu đến quên cả lối ra. Cơn mưa cuối xuân bất chợt đến, những hạt li ti thấm vạt áo se se, mưa phủ màu bàng bạc cả phố phường ngập tràn trong rừng cờ đỏ thắm của ngày đưa cầu vượt ngã ba Huế vào sử dụng đúng dịp tròn 40 năm Ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng. Tôi và bạn tấp vào quán giải khát ở gần đó để tránh mưa.
Vừa đợi những giọt cà phê đen quánh rơi chậm chạp, vừa ngắm nhìn toàn cảnh cây cầu, bạn tôi rất am hiểu văn hóa Chămpa gật gù rằng, bên cạnh tính hiện đại, cầu vượt này có lối kiến trúc cực kỳ độc đáo, ẩn chứa bên trong nhiều ý nghĩa. Nếu ai có chút thời gian tĩnh lặng để ngẫm nghĩ, nhân cách hóa lên một cung bậc khác sẽ thấy rõ hơn cây trụ tháp hình parabol cũng như các tầng cầu vượt chính là biểu tượng của Linga và Yoni, vị thần Silva tượng trưng cho sức mạnh và sự sáng tạo của con người.
Những gì anh bạn chia sẻ đã gợi cho tôi những nghĩ suy. Uy lực của thần linh ở đâu thì tôi chưa thấy nhưng ý chí và sức mạnh của con người là có thật, bởi ngoài tiền bạc đổ vào cây cầu còn có sự chịu đựng gian khổ của biết bao con người trên “công trường không ngủ”. Mặc cho ngày cũng như đêm, mặc cho gió giông bão bùng, nhịp điệu hối hả, ầm ào vẫn luôn tuôn chảy. Một công trình mười đêm như chục luôn rực ánh đèn. Tiếng máy của các loại cơ giới ì ầm thâu đêm, khuấy động cả một vùng và không ít người sống trong các ngôi nhà xung quanh cũng bao đêm dài chẳng hề trọn giấc mà không một lời thở than trách.
Đà Nẵng nay có chiếc cầu vượt thứ ba không kém phần hiện đại tại nút giao thông phía tây cầu Trần Thị Lý. Cũng hẳn hoi 3 tầng, có đường hầm trong lòng đất dài gần một cây số bên dưới đường Duy Tân tới tận chân cầu. Phần cầu vượt được đưa vào sử dụng tạm trong tháng 7 và dự kiến hoàn thành cả dự án vào cuối năm nay.
Thêm một chiếc cầu được hình thành là thêm niềm vui và tự hào của người dân Đà Nẵng, bởi việc đi lại thuận tiện hơn, tình trạng ùn tắc và tai bạn giao thông cũng giảm đi, thành phố lại thêm đẹp, thêm lung linh với những điểm nhấn của kiến trúc đô thị hiện đại.
THÁI KIỀU VI