Cuộc thi viết "Đà Nẵng ngày mới"
Thành phố, sự kỳ diệu và chị tôi
Lần nào về thăm quê, chị cũng đi chuyến bay vào buổi xế chiều và chọn chỗ ngồi bên cửa sổ để có cảm giác như đang ngồi trên tấm thảm bay cổ tích nhìn ngắm thành phố lên đèn diễm lệ, kỳ ảo giữa hoàng hôn.
Bờ đông trở mình vươn dậy, xóa đi những khu nhà chồ nhếch nhác để cả hai bờ sông Hàn đều khang trang, hiện đại. Ảnh: ĐỨC HOÀNG |
1. Rời làng đá Non Nước quê nhà, chị theo ba mẹ ra sống ở làng chài An Đồn bên bờ đông sông Hàn, ngày đó thuộc quận Ba, Đà Nẵng. Chị mang tên một loài hoa có hương thơm được dùng làm thuốc, Lài, nhưng người dân biển cứ gọi là Lừa. Riết một hồi, bực, chị đổi tên thành Kỳ. Tôi chẳng mê cái tên này, nghe nó... kỳ kỳ làm sao!
Những ngày nghỉ học, nhất là hè, tôi thường đi xe Lam từ Cẩm Lệ xuống bến xe Chợ Cồn, lội bộ ra bến phà “bên ni Hàn”, làm chuyến “sang ngang” qua “bên tê Hà Thân”, rồi ngược ra An Đồn thăm chị. Lúc được chị đưa đi, lúc một mình ngang dọc qua những con hẻm đầy cát, chật hẹp và sâu hun hút, thoai thoải từ trên đường nhựa xuống đến bờ đá sát mé sông. Những căn nhà đủ kích cỡ từ xa trông lô nhô như đất đá người khổng lồ làm rơi vãi khi đào sông trong truyền thuyết. Phố bên sông, trong cái nhìn của cậu học trò trung học là tôi ngày đó, đẹp như tranh - bức tranh mang màu sắc hoang dại pha chút huyền bí.
Đời sống của người dân ở bờ Đông sông Hàn vào những năm 80 của thế kỷ trước vẫn còn lắm khó khăn. Nhà chị nằm trong số hiếm hoi những nhà ở An Đồn có công trình vệ sinh, nghĩa là việc thiếu nhà vệ sinh, thiếu nước sạch... là chuyện thường ngày. Như thế mới thấy người dân nơi đây đã trải qua những khó nhọc, cơ cực trong quãng thời gian đi lại bằng những chuyến phà ngang qua lại đôi bờ...
2. Năm 1993, chồng chị đưa cả gia đình vào Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) mưu sinh bằng nghề làm đá Non Nước. Sự đổi thay của Đà Nẵng sau thời điểm 1997 được chị “cập nhật” đầy đủ, bởi năm nào vợ chồng chị cũng về quê giỗ ông, bà nội - tôi gọi là ông, bà ngoại. Khi thành phố triển khai dự án Bạch Đằng Đông, cả vùng đất heo hút, nghèo khó “bên tê Hà Thân” đổi thay từng ngày. Phố quen bỗng hóa lạ. Chị tìm không ra lối cũ về An Đồn. Cây sộp cổ thụ từng định vị nhà chị đã được dời về chùa, Lăng Ông An Đồn bên cạnh được thu hẹp, nhường chỗ mở rộng đường Ngô Quyền thành 4 làn xe.
Ngày 29-3-2000, cầu Sông Hàn chính thức khánh thành, được khắc hình cùng với danh thắng Ngũ Hành Sơn lên biểu tượng của Đà Nẵng. Giỗ bà năm đó, chị và tôi thơ thẩn tản bộ trên chiếc cầu trong mơ của chị.
Mang tâm trạng của kẻ tha hương quay về cố quận, chị dõi nhìn cây đa gần bến phà Hà Thân xưa, hình dung ra con bé lớp 3 là chị ngày nào cùng cả nhà lên phà. Qua bên kia không thấy chị đâu, nhìn dòng nước đỏ ngầu cuồn cuộn tuôn về cửa biển, ai nấy bất giác rùng mình nghĩ đến một điều không may. Ba chị, tôi gọi bằng cậu, vội vã lên phà quay lại, rưng rưng khi tìm thấy chị đôi mắt đỏ hoe đứng co ro bên quầy bán vé. Chị kể, vừa nhấc một chân định bước xuống thì phà đã quày quả rời bến, một phụ nữ đứng bên đã kịp giữ chị lại trước khi quá muộn...
Nơi chân cầu bờ đông Sông Hàn trước kia có một bến sông dành cho quân đội có tên là Cầu Đen. Gần đó có một căn cứ Hải quân Mỹ và một bãi đáp máy bay trực thăng. Vẹn nguyên trong ký ức chị là hình ảnh những chiếc tàu há mồm của quân đội Mỹ cập bến, nhả ra cơ man súng ống, xe cộ các loại,...
Mọi thứ gợi lên chiến tranh giờ đã nhường chỗ cho yên bình, tươi sáng. Bờ đông sông Hàn trở mình vươn dậy xóa đi những khu nhà chồ nhếch nhác, những ngõ tối rình rập hiểm nguy..., biến “thành phố Bông Sên” trong cách nói lái đùa cợt ngày nào thành “thành phố bên sông” thực sự.
3. Khi quê nhà lần đầu tiên diễn ra Cuộc thi bắn pháo hoa (về sau là Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng), bạn bè chị ở Đà Lạt đi xem về ai cũng ca ngợi hết lời. Tôi được cơ quan phân công phụ trách Tổ tác nghiệp pháo hoa, mấy lần lấy vé cho chị nhưng chị cứ lỡ hẹn, đành ngậm ngùi xem trên tivi. Chị mơ một ngày được tận mắt chiêm ngưỡng những bông hoa pháo nở trên sông đêm quê nhà, trên nhịp cầu nối những buồn vui giữa ngày đã qua và ngày đang tới trong chị. Giấc mơ tưởng đâu thành hiện thực vào năm 2020 thì lễ hội phải dừng tổ chức vì Covid-19.
Tháng 5 vừa qua, dịch bùng phát đợt thứ tư, lại ngăn không cho chị về Đà Nẵng giỗ bà nội.
Khi Đà Nẵng thực hiện “ai ở đâu thì ở đó”, tôi chiều nào cũng báo tin cho chị về tình hình phòng, chống dịch ở thành phố bên sông Hàn. Chị khắc khoải trông mong quê nhà sớm được bình yên, bởi tháng Mười này chị có lễ đại tường người cô, tôi gọi dì; cuối năm lại đến giỗ ông.
Nỗi nhớ quê ngày một đầy thêm trong lòng người xa xứ, rồi bất chợt vỡ òa hạnh phúc khi tin vui đến quá đỗi diệu kỳ. Trái tim chị chừng như phập phồng đập theo biểu đồ các ca mắc Covid-19 nơi quê nhà. Khi lần đầu số ca mắc chỉ còn một chữ số, chị nhắn: Em ơi, Đà Nẵng mình thiệt là kỳ diệu. Chị nhắn tin cho em mà bàn phím nhòe đi vì nước mắt...
Tôi bất giác cảm thấy yêu cái tên Kỳ của chị. Với tôi, nó có nghĩa là “lạ đến mức làm người ta phải ngạc nhiên”, như kiểu Đà Nẵng vươn mình như Phù Đổng sau phần tư thế kỷ trực thuộc Trung ương, đang nỗ lực đẩy lùi Covid-19 để lấy lại đà phục hồi và tăng trưởng kinh tế... như kỳ vọng của bao người dân thành phố.
VĂN THÀNH LÊ (Mến tặng chị H.T.K)