Trên chặng đường tiến về phía trước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng luôn có khát vọng lớn là làm sao để thành phố không ngừng “thay da đổi thịt” và là nét son chấm phá đầy ấn tượng trên dải đất miền Trung đầy khó khăn, gian khổ nhưng kiên cường, dũng cảm.
Hình ảnh về một Đà Nẵng “hiện đại, tươi đẹp, an bình, thân thiện” có sức lan tỏa sâu rộng không chỉ ở trong nước mà còn với thế giới. Ảnh: KIM LIÊN |
Trong suốt 45 năm qua kể từ khi quê hương được hoàn toàn giải phóng, nhất là khi trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã dấy lên nhiều phong trào như: “Dám nghĩ, dám làm”, “Nhà nước và nhân dân cùng làm” hay các chương trình “Thành phố 4 an” và “5 không”, “3 có”…, khơi dậy sự đồng tình, ủng hộ của toàn xã hội, tình nguyện hiến đất, di dời, chuyển đổi nơi cư trú của khoảng 100.000 hộ dân để chỉnh trang đô thị, nhanh chóng tạo nên diện mạo mới về hạ tầng cơ sở, hạ tầng kỹ thuật cũng như các hoạt động sản xuất - kinh doanh và đời sống văn hóa - xã hội. Vì vậy, Đà Nẵng được xem là điểm nhấn trong tiến trình xây dựng, phát triển của miền Trung và cả nước trong chặng đường 20 năm qua.
“Ý Đảng, lòng dân”
Nhân tố quyết định cho thành quả tuyệt vời đó là “Ý Đảng, lòng dân” hòa quyện vào nhau, cùng hướng tới một mục tiêu cao cả, tạo nên sức mạnh to lớn trong quá trình triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố qua các nhiệm kỳ, nhất là từ khi có Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 16-10-2003 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Hình ảnh về một Đà Nẵng “hiện đại, tươi đẹp, an bình, thân thiện”, là điểm đến an toàn cho du khách, là nơi tổ chức nhiều sự kiện mang tầm quốc gia và quốc tế như Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, Lễ hội pháo hoa quốc tế (DIFF)… đã có sức lan tỏa sâu rộng không chỉ ở trong nước mà trên thế giới.
Nhưng để có những thành quả như ngày hôm nay, Đà Nẵng cũng đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức, thậm chí là những bài học đắt giá trong quá trình tổ chức, lãnh đạo, điều hành. Như vài năm trở lại đây, ngoài việc phải chống chọi với thiên tai, dịch bệnh vô cùng khốc liệt…, Đà Nẵng phải tập trung khắc phục, xử lý những sai phạm, vi phạm của các cá nhân, tập thể theo kết luận của Trung ương và những bất cập trong quá trình phát triển; vừa phải tập trung phát triển kinh tế, chăm lo cải thiện đời sống người dân, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
“Tiếp lửa” cho khát vọng
Song, Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân vẫn luôn có khát vọng cháy bỏng không ngừng thúc đẩy việc xây dựng thương hiệu “Thành phố đáng sống”. Và khát vọng chính đáng đó đã được “tiếp lửa” từ sự quan tâm đặc biệt và kỳ vọng của lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ cùng các bộ, ban, ngành Trung ương và nhân dân cả nước, dành những tình cảm đặc biệt cho Đà Nẵng, mở ra một hướng đi quan trọng, bền vững trong giai đoạn phát triển mới từ 2021-2025 và những năm tiếp theo. Đó là, Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chỉ trong vòng 20 năm, Bộ Chính trị đã dành cho thành phố sự quan tâm hết sức đặc biệt với 2 nghị quyết quan trọng, mong muốn Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ. Phát triển Đà Nẵng là một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ phát triển của đất nước; trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế; là thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên; trở thành đô thị sinh thái hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống, có tổ chức Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; chính quyền tiên phong trong đổi mới và phát triển; người dân có mức sống thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước với chất lượng cuộc sống tốt, thân thiện, hạnh phúc và sáng tạo; quốc phòng- an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc.
ĐỒ HỌA: MAI ANH |
Đó là, Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Đây là bước thể chế hóa các chủ trương của Đảng để tạo cho Đà Nẵng các cơ sở pháp lý nhằm xây dựng mô hình chính quyền đô thị mạnh, gọn nhẹ, hiệu quả; kịp thời đề ra các quyết sách nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh, mạnh, bền vững trong giai đoạn mới. Sắp tới, Thủ tướng sẽ xem xét phê duyệt Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Có thể nói, 3 văn kiện nói trên của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ ban hành là “3 trụ cột” căn bản, là động lực cả trước mắt lẫn lâu dài cho Đảng bộ, chính quyền và người dân Đà Nẵng tiếp tục thực hiện khát vọng của mình.
Với truyền thống cách mạng hào hùng và khát vọng cháy bỏng, các tầng lớp nhân dân Đà Nẵng sẽ đồng hành với Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố vừa được Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXII bầu ra, sớm đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đi vào cuộc sống để “đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, bứt phá mạnh mẽ hơn, bền vững hơn của thành phố trong tương lai”, như phát biểu của Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa tại phiên khai mạc Đại hội.
Trên chặng đường khát vọng phát triển, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, cũng như nhân dân cả nước cùng bạn bè quốc tế luôn luôn dành cho Đà Nẵng những tình cảm, niềm tin và sự kỳ vọng lớn lao.
TUYẾT MINH