Nông dân tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật

.

Khi đất canh tác ngày càng thu hẹp, việc ứng dụng khoa học vào thực tế trồng trọt, chăn nuôi là yêu cầu đối với nông dân hiện nay. Vì vậy, trên địa bàn thành phố, ngày càng xuất hiện nhiều nông dân giỏi ứng dụng khoa học kỹ thuật, không chỉ đem lại thu nhập cao cho gia đình mà còn mở ra hướng phát triển tốt cho cộng đồng.

Nông dân xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang) sử dụng máy  thu hoạch lúa. Ảnh: LÊ VĂN THƠM
Nông dân xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang) sử dụng máy thu hoạch lúa. Ảnh: LÊ VĂN THƠM

Ở huyện Hòa Vang, những năm gần đây, nông dân vận dụng tốt tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất lúa lên hơn 65 tạ/ha. Tiêu biểu như sản xuất lúa hữu cơ ở các xã Hòa Tiến, Hòa Phước, Hòa Phong. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật cũng triển khai thực tế trong trồng rau chuyên canh ở xã Hòa Phong; sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu ở xã Hòa Nhơn; nuôi cá nước ngọt, nuôi gà thả vườn ở xã Hòa Khương, trồng măng tre Điền Trúc ở xã Hòa Bắc, Hòa Phú. Giỏi ứng dụng kỹ thuật, nông dân Hòa Vang đã canh tác nhiều loại cây, con giống mới có giá trị kinh tế cao như trồng mít Thái, trồng cam cao sản, nuôi gà Đông Tảo, kết hợp nuôi cá và ếch...

Đơn cử như ông Hồ Bảy (ở xã Hòa Bắc) nổi bật về tài năng, hiệu quả làm kinh tế vườn và đi tiên phong trồng cây dó bầu ở xã miền núi này. Ông Bảy cho rằng, từ 4 yếu tố cổ truyền về nghề nông (nước, phân, cần, giống), nông dân bây giờ phải ứng dụng khoa học để thâm canh, tăng vụ, nâng cao năng suất, trồng đan xen các loại cây trên cùng một diện tích như cây leo giàn ở phía trên, cây ăn lá ở phía dưới, trồng cây dài ngày kết hợp với cây ngắn ngày…

Hay như trang trại heo rừng của anh Trần Đức Quốc ở xã Hòa Ninh nuôi trên 20 heo nái, mỗi năm heo mẹ đẻ 2 lứa, mỗi lứa trung bình 5 con, heo con 3 tháng tuổi, nặng từ 10-12kg, giá bán tại chỗ trên 600.000 đồng/kg. Anh Quốc truy cập kiến thức trên internet áp dụng vào việc làm trại nuôi và chăm sóc heo rừng. Theo đó, anh tạo nhiều gò, hang, hốc, bụi cây trong trại nuôi để phù hợp với đặc điểm hoang dã của heo rừng, và nhờ vậy, heo chóng lớn hơn. Theo anh Quốc, nông dân bây giờ cần phải giỏi khoa học kỹ thuật và biết sử dụng công nghệ thông tin phục vụ quá trình đầu vào, đầu ra. “Nhiều tiến bộ mới về lai tạo giống hay thị trường tiêu thụ, nếu mình không vận dụng kịp thời thì rất dễ bị thất thu”, anh Quốc nhấn mạnh.

Tại khu vực nội thành, nhiều nông dân tận dụng các khu đất chưa xây dựng công trình để trồng hoa và các loại cây cảnh, đem lại hiệu quả cao. Ông Trần Nguyễn Thanh Tâm ở phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) tận dụng lô đất trống tại khu tái định cư Bàu Năng để sản xuất non bộ, cây cảnh với nhiều kích cỡ. Mỗi sản phẩm non bộ, cây cảnh có giá từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng.

Hằng ngày, ông Tâm kéo vòi tưới nước khắp vườn vào lúc sáng sớm, rồi miệt mài chăm sóc, cắt tỉa từng chiếc lá. Non bộ, cây cảnh của ông có nhiều dáng thế, ý nghĩa phong phú, đáp ứng được sở thích của nhiều đối tượng. Theo ông Tâm, làm non bộ, cây cảnh phải ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào việc chăm sóc, ghép cành, tạo tán, chế tác dáng thế; non bộ, cây cảnh phải thể hiện ý nghĩa phù hợp với quan niệm truyền thống của dân tộc.

Ngay ở trung tâm thành phố, nhiều nông dân giỏi vận dụng kỹ thuật làm các ngành nghề mới như chế tác tiểu cảnh, nuôi cá cảnh, làm hồ cá trang trí, sản xuất rau cải mầm, trồng rau xanh trong không gian hẹp. Gia đình bà Trần Thị Thu (ở phường Thanh Bình, quận Hải Châu) vừa trồng các loại cây nhỏ để làm tiểu cảnh, vừa lập cơ sở hoa viên và kinh doanh vật tư, phân bón, đem lại thu nhập mỗi năm từ 600 - 800 triệu đồng.

Nông dân bây giờ phải giỏi kỹ thuật - điều đó đã trở thành sự thật sinh động trong khắp thành phố, thúc đẩy phong trào sản xuất - kinh doanh giỏi phát triển, tạo chuyển biến mạnh mẽ trên mặt trận nông nghiệp. Theo Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Nguyễn Đình Khánh Vân, nông dân giỏi kỹ thuật như những bông hoa thơm trong vườn hoa sản xuất - kinh doanh giỏi, đóng góp quan trọng vào tiến trình xây dựng thành phố giàu đẹp, văn minh.

Qua bình xét cuối năm 2019, Đà Nẵng có 32 hộ nông dân sản xuất - kinh doanh (SXKD) giỏi cấp Trung ương, 342 hộ nông dân SXKD giỏi cấp thành phố, 1.381 hộ nông dân SXKD giỏi cấp quận/huyện và 4.039 hộ nông dân SXKD giỏi cấp xã/phường.

LÊ VĂN THƠM

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích