Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Trần Việt Dũng:

Bảo đảm chất lượng môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu

.

Qua nghiên cứu dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và ý kiến góp ý của các thành viên trong Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, tôi thống nhất với chủ đề của đại hội lần này. Chủ đề mang tính khái quát cao, có tính định hướng cho thời kỳ phát triển của đất nước. Tôi đồng ý với đánh giá tổng quát nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ XII. Bởi 5 năm qua, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã nỗ lực phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Đất nước tiếp tục phát triển nhanh và khá toàn diện. Hầu hết các lĩnh vực tạo nhiều dấu ấn nổi bật. Dự thảo Báo cáo chính trị cũng đã thẳng thắn chỉ rõ những thiếu sót, hạn chế, khuyết điểm trong thực hiện các nhiệm vụ. Tôi đề nghị, dự thảo báo cáo cần nhấn mạnh, làm nổi bật hơn nữa những điểm đáng tự hào của Việt Nam, như: cử lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc; vai trò của Việt Nam trong đối nội, đối ngoại và ứng phó với Covid-19; chỉ đạo xử trí các tình huống trên Biển Đông khôn khéo, giữ vững chủ quyền biển, đảo và môi trường ổn định, hòa bình, hợp tác và phát triển.

Trong nội dung về “Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy”, báo cáo đã đánh giá và khẳng định vai trò của MTTQ và các đoàn thể nhân dân góp phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và có nhiều đóng góp khác cho sự phát triển của đất nước; đồng thời cũng nêu ra những hạn chế của MTTQ Việt Nam. Theo tôi, trong báo cáo nên phân tích kỹ nguyên nhân để đề ra các biện pháp khắc phục và tiếp tục khẳng định vai trò của MTTQ Việt Nam trong việc góp phần phát huy dân chủ và thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội.

Ở phần đánh giá chung về 10 năm thực hiện cương lĩnh xây dựng đất nước, 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, theo tôi, trong 35 năm qua, nước ta đã hoàn thành các mục tiêu giảm nghèo, các chính sách bảo hiểm xã hội, ưu đãi người có công, trợ giúp xã hội phát triển khá đồng bộ, phù hợp với nhu cầu người dân và xu hướng quốc tế. Tuy nhiên, chúng ta chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của các vấn đề xã hội. Nhiều địa phương quan tâm đến phát triển kinh tế nhưng chưa tính toán đầy đủ tác động môi trường, xã hội. Vì vậy, tôi đề nghị cần bổ sung những số liệu đo đếm về lĩnh vực văn hóa, xã hội.

Ở phần định hướng phát triển giai đoạn 2021-2030, trong định hướng thứ 6, đề nghị nhấn mạnh vấn đề bảo đảm chất lượng môi trường sống, nên sửa thành: Chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo đảm chất lượng môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường.

Trang 34, về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực, phát triển con người, đề nghị sửa thành: Tiếp tục đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và tình hình thiên tai dịch bệnh nhằm phát triển con người toàn diện, đáp ứng những yêu cầu phát triển mới của kinh tế - xã hội, của khoa học và công nghệ và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Trong dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII, phần công tác xây dựng Đảng về chính trị, tôi cho rằng công tác xây dựng chính trị, tư tưởng trong đảng viên ở một số cấp ủy ít được chú trọng, để xảy ra biểu hiện suy thoái về chính trị, thiếu niềm tin vào sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Công tác phòng, chống tham nhũng mặc dù đã đạt được nhiều kết quả, tuy nhiên chưa thật sự đồng bộ và có tính răn đe cao. Do đó, cần nghiên cứu chủ trương, đổi mới, chỉnh đốn hệ thống chính trị gắn với đổi mới, chỉnh đốn Đảng. Về thi hành Điều lệ Đảng, vẫn còn những hạn chế, vướng mắc, bất cập trong thi hành Điều lệ Đảng, chủ yếu liên quan đến nội dung trong các quy định, hướng dẫn của Trung ương. Do đó không cần bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng hiện hành mà giao cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định, cơ quan chuyên môn như Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương ban hành hướng dẫn thực hiện.

HUY HOÀNG ghi

;
;
.
.
.
.
.