Ông Nguyễn Thành, Chủ tịch HĐTV, Giám đốc Nhà Xuất bản Đà Nẵng:

Cần đánh giá về văn hóa đúng mức và đúng tầm

.

Trong Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, tại mục 4.3, đánh giá tình hình văn hóa, xã hội và đời sống nhân dân, có nhận định: “Các hoạt động văn hóa tiếp tục được quan tâm”; nhưng nội dung thể hiện còn chung chung, chưa nêu rõ được những kết quả, nhất là sự đầu tư và kết quả chuyển biến về mặt văn hóa, chưa tương xứng với phần đánh giá về mặt kinh tế - xã hội ở trên.

Trong phần hạn chế, yếu kém, báo cáo cũng nêu vắn tắt: “Hiện tượng đạo đức, văn hóa xã hội xuống cấp trong gia đình, học đường và xã hội gây bức xúc trong xã hội”. Trong phần phân tích nguyên nhân chủ quan của hạn chế, yếu kém, một nhận định đáng được quan tâm là: “Chưa thống nhất trong nhận thức và hành động về hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và về việc gắn kết giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường”. Trong bài học kinh nghiệm thứ 4, có nhận định: “Phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh toàn dân tộc, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, khát vọng phát triển và sức mạnh của nhân dân”.

Trong khi đó, dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định quan điểm: “Phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội”.

Xâu chuỗi các thành tố trên, cho thấy văn hóa luôn được Đảng khẳng định có vai trò rất lớn (nền tảng tinh thần của xã hội), nhưng việc tổng kết, đánh giá về văn hóa trong Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 lại chưa tương xứng. Sự “chưa tương xứng” đó cũng được nêu rõ trong phần hạn chế, khuyết điểm của dự thảo Báo cáo chính trị: “Văn hóa chưa được quan tâm tương xứng với kinh tế và chính trị, chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước”. Bên cạnh đó, trong các chỉ tiêu chủ yếu, thì không có chỉ tiêu nào về lĩnh vực văn hóa.

Nhiệm vụ thứ 7 trong mục IV (Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu) xác định: Phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh toàn dân tộc, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với xã hội; trong đó có nêu “Xây dựng, phát huy yếu tố văn hóa để thực sự là đột phá phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế”. Như vậy, trên cơ sở vai trò, tầm quan trọng của văn hóa, nội dung báo cáo cần có sự đánh giá đầy đủ, đứng mức và đúng tầm hơn về văn hóa ở phần đánh giá kết quả 5 năm (2016-2020), để làm sao thể hiện rõ và đúng về đầu tư và phát triển văn hóa của 5 năm qua; từ đó xây dựng nhiệm vụ và giải pháp phát triển văn hóa trong giai đoạn 2021-2025 theo đúng tinh thần “thực sự là đột phá” như báo cáo đã nêu ra.

;
;
.
.
.
.
.