Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng, trong phần chính sách phát triển con người chủ trương: “Xây dựng và thực thi có hiệu quả chính sách dân số và phát triển. Xây dựng và thực hiện các chính sách về dinh dưỡng, an toàn thực phẩm, bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe và tầm vóc người Việt Nam, bảo đảm toàn dân đều được quản lý, bảo vệ chăm sóc sức khỏe”.
Theo tôi, trong những năm gần đây, Chính phủ và Bộ Y tế đã có nhiều nỗ lực nhằm củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở. Điều này đã được cụ thể hóa bằng hàng loạt các chính sách quan trọng như chính sách định hướng chung của Đảng về củng cố màng lưới y tế cơ sở, chính sách phát triển và chuẩn hóa các trạm y tế. Sự nghiệp phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân là một bộ phận của công tác an sinh xã hội. Chính sách an sinh xã hội nói chung và chính sách y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân phải gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 và là một phần không thể thiếu của chiến lược phát triển bền vững của đất nước.
Từ thực trạng thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2010-2020, quan điểm phát triển kinh tế-xã hội đất nước trong giai đoạn mới, khả năng phát triển về y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, tôi xin có một số đề nghị bổ sung các giải pháp về chính sách y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021 - 2030 như sau:
Một là, phát triển một cách đồng bộ các yếu tố xã hội phục vụ mục tiêu phát triển con người - nguồn nhân lực - nguồn lao động kết hợp chặt chẽ với đổi mới thể chế phù hợp. Chú trọng đầu tư phát triển nguồn lực con người - nguồn nhân lực - nguồn lao động chất lượng cao, lấy đó làm động lực chính cho sự phát triển.
Hai là, chú trọng đầu tư phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, môi trường sinh thái, cải thiện môi trường sống. Tăng cường đầu tư xây mới, nâng cấp và mở rộng các bệnh viện, trước mắt ưu tiên đối với chuyên khoa về tim mạch, ngoại chấn thương, sản, nhi, ung bướu, y học cổ truyền, phục hồi chức năng, ghép tạng, cấy ghép tế bào gốc và quan tân đầu tư cho hệ thống trung tâm y tế quận, huyện có công suất sử dụng giường bệnh quá cao. Đa dạng hóa, đa phương hóa các nguồn lực trong phát triển y tế. Nguồn lực nhà nước chủ yếu tập trung đầu tư và nâng cấp các cơ công lập sẵn có; cần tạo điều kiện, khuyến khích tư nhân và các lực lượng ngoài nhà nước để giảm tải và nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Ba là, tiếp tục tăng cường năng lực công tác phòng, chống dịch bệnh, phát hiện và xử lý các ổ dịch kịp thời, không để dịch bùng phát, lan rộng; đồng thời tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; chú trọng phát triển kỹ thuật y tế chuyên sâu; triển khai toàn diện các giải pháp chống quá tải bệnh viện cũng như tiếp tục thực hiện đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh...
Bốn là, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bằng việc giảm công suất sử dụng giường bệnh của các bệnh viện, phấn đấu không còn tình trạng bệnh nhân nằm ghép giường, bảo đảm không xảy ra quá tải cả ở khu vực phòng khám và khu vực điều trị nội trú; đẩy mạnh công tác đào tạo nâng cao trình độ năng lực cho cán bộ y tế, phù hợp với đặc điểm cung cấp dịch vụ của từng đơn vị và theo phân tuyến kỹ thuật.
D.M ghi