Phát triển du lịch đường sông

.

Với lợi thế là những dòng sông trải dài từ những miền quê về đến cửa biển, du lịch đường thủy nội địa là sản phẩm tiềm năng mà Đà Nẵng đang thúc đẩy đầu tư, quảng bá.

Theo Sở Du lịch, hiện trên địa bàn thành phố có 16 tàu du lịch đủ điều kiện hoạt động, trong đó có 12 tàu hoạt động tuyến cảng Sông Hàn (cũ) - cầu Trần Thị Lý và 4 tàu phục vụ tuyến vịnh Đà Nẵng. Năm 2018, UBND thành phố cấp phép cho 17 đơn vị đóng 24 tàu mới, trong đó có 9 tàu đã đưa vào hoạt động.

Trên mỗi tàu thường có các dịch vụ như: ca nhạc, karaoke, ăn uống, giải khát... Các dịch vụ múa Chăm, du ngoạn vịnh Đà Nẵng, tham quan bãi Sủng Cỏ cũng được đưa vào từ năm 2018.

Giám đốc Sở Du lịch Ngô Quang Vinh nhận định, việc đầu tư đóng mới tàu theo tiêu chuẩn quy định hiện nay đã nâng cao chất lượng đội tàu du lịch, bảo đảm an toàn và đáp ứng được nhu cầu phục vụ khách du lịch trên các tuyến.

Bên cạnh việc đầu tư phương tiện, Sở Du lịch cũng chú trọng đào tạo đội ngũ thuyền viên và nhân viên phục vụ trên tàu, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, chuẩn hóa nguồn nhân lực du lịch phục vụ khách du lịch.

Về cơ bản, các tàu thực hiện tốt bộ quy tắc ứng xử văn minh, lịch sự, để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách khi đến với thành phố. Tuy nhiên, bài toán trong những năm qua của du lịch đường thủy nội địa Đà Nẵng là nhiều tiềm năng vẫn còn bỏ ngỏ.

Theo các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch đường sông trên địa bàn thành phố, các bến tàu du lịch chưa được đầu tư đúng mức, các điểm đến thiếu dịch vụ, các sản phẩm du lịch chưa đa dạng... Cụ thể, hiện đa số các tàu du lịch chỉ tập trung khai thác tuyến cảng Sông Hàn (cũ) - cầu Trần Thị Lý, trong khi các tuyến khác có rất ít khách hoặc thậm chí chưa được khai thác.

Các tàu vẫn chỉ neo đậu tại bến Sông Hàn và bến Sông Thu (cũ). Hai bến này dù đã được đầu tư nâng cấp, nhưng vẫn mang tính chất tạm thời, không ổn định và thiếu các dịch vụ bổ sung để phục vụ du khách. Trong khi đó, việc đầu tư xây dựng 4 bến mềm (gồm CT15, K20, Túy Loan và Thái Lai) còn chậm.

Lãnh đạo Sở Du lịch thẳng thắn nhìn nhận, nhiều doanh nghiệp phản ánh thủ tục cấp phép theo quy định vận tải tuyến Sông Hàn - Hòn Chảo và tuyến Sông Hàn - cửa biển - bán đảo Sơn Trà còn chậm, ảnh hưởng đến việc khai thác tiềm năng du lịch vịnh Đà Nẵng và bán đảo Sơn Trà cũng như hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong khi đó, các điểm đến và dịch vụ trên các tuyến như Bãi Cát Vàng (quận Sơn Trà), làng rau La Hường (quận Cẩm Lệ), di tích cách mạng K20 (quận Ngũ Hành Sơn), Túy Loan, Thái Lai (huyện Hòa Vang) lại chậm được lập dự án, khảo sát và kêu gọi đầu tư.

Tại cuộc họp bàn giải pháp phát triển du lịch đường thủy nội địa vào cuối tháng 12-2018, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng đã giao Sở Du lịch chủ trì xây dựng kế hoạch phát triển điểm đến, sản phẩm dịch vụ trên tuyến du lịch đường thủy nội địa thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2019-2021, báo cáo UBND thành phố xem xét ban hành trong tháng 1-2019.

Sở Xây dựng lấy ý kiến về quy hoạch cảnh quan hai bên bờ sông Hàn, lập và trình UBND thành phố phê duyệt quy hoạch tổng thể mặt bằng các bến thủy nội địa theo sơ đồ vị trí đón trả khách và neo đậu tàu thuyền trên địa bàn thành phố, từ đó có cơ sở kêu gọi đầu tư cảng Sông Hàn, cảng Sông Thu (cũ) và các bến thủy nội địa.

Đối với các tour, tuyến hiện có, cần chú trọng đa dạng các dịch vụ trên thuyền như ăn uống; bar-café, xây dựng bản thuyết minh du lịch đường sông, đào tạo và nâng cao nghiệp vụ cho các lái tàu, nhân viên phục vụ… cũng như tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá về du lịch đường sông đến với người dân và du khách mạnh mẽ hơn.

Năm 2018, du lịch thành phố có sự tăng trưởng mạnh, lượng khách du lịch đường sông tại Đà Nẵng là hơn 506.000 lượt khách, tăng 44,2% so với năm 2017. Trong đó, 90% số khách là khách quốc tế, với đa phần là khách Trung Quốc, Hàn Quốc.

 PHONG LAN

;
;
.
.
.
.
.