Với mục tiêu đa dạng các sản phẩm, loại hình du lịch, ngành du lịch thành phố đã và đang tạo điều kiện để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái nhưng hiện nay việc triển khai loại hình này đang gặp khó. Vì vậy, làm sao để phát triển cho hiệu quả là vấn đề cần đặt ra.
Du lịch cộng đồng, sinh thái sẽ thổi luồng gió mới vào sản phẩm du lịch, nhưng làm sao cho hiệu quả lại không hề dễ dàng. TRONG ẢNH: Một góc khu du lịch Yên Retreat, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang. Ảnh: HÀ KHUÊ |
Nhà cổ Tích Thiện Đường của gia đình ông Đỗ Hữu Minh (thôn Thái Lai, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) đang được đầu tư để hình thành một mô hình trải nghiệm bao gồm: một ngôi nhà vườn để khách lưu trú, khu vực để khách có thể tham gia trải nghiệm nấu, chế biến các món ăn địa phương như mì Quảng, bánh tráng, bánh bèo, bánh nậm, lọc...
Ông Minh cho biết, mô hình sẽ kết hợp cho du khách trải nghiệm tham quan di tích nhà cổ, làng quê và các món ăn địa phương. Tuy nhiên, ông Minh cho rằng, để mô hình này hoạt động hiệu quả thì ngoài việc đầu tư cơ sở hạ tầng còn cần có người hướng dẫn cho khách tham gia vào các hoạt động chế biến món ăn địa phương (xay bột, nấu mì Quảng...).
Mới đây, mô hình homestay đầu tiên tại Đà Nẵng của ông Đinh Văn Như, Bí thư Chi bộ thôn Giàn Bí (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) cũng đã khai trương và đưa vào hoạt động. Homestay của ông Như có sức chứa khoảng 20 người có thể ngủ qua đêm.
Du khách đến đây có thể trải nghiệm thêm các hoạt động của người dân tộc Cơ tu như: cùng tham gia sinh hoạt, ăn uống, trải nghiệm hoạt động làng nghề như dệt thổ cẩm... Tuy nhiên, ông Đinh Văn Như cho biết, từ khi đưa vào khai thác (tháng 9-2019) đến nay, đúng mùa mưa và thời tiết thất thường, cộng với đường xá xa xôi nên lượng khách đến với homestay khá ít; chủ yếu khách đi về trong ngày, khách qua đêm được chỉ khoảng 10 khách.
“Khách lên tới đây phàn nàn đường đi lại quá khó khăn nên ngại quay trở lại hoặc cũng sẽ không giới thiệu với bạn bè. Vì thế, tôi mong muốn chính quyền địa phương và thành phố sớm hoàn thiện con đường để việc đi lại của du khách được thuận tiện hơn”, ông Như bày tỏ.
Theo ông Lê Thiên Tư, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch V.E.I, loại hình du lịch sinh thái được một số quốc gia và địa phương lân cận khai thác rất hiệu quả. Ngay tại các xã của huyện Hòa Vang có rất nhiều tiềm năng nhưng việc đưa vào khai thác, ngoài cơ sở hạ tầng còn cần các dịch vụ tiện ích đi kèm để du khách có thể kết hợp trải nghiệm, hưởng thụ.
Ví dụ, khách quốc tế đến từ châu Âu thích những loại hình gắn liền với thiên nhiên như: trải nghiệm trồng rau, cấy lúa, bắt cá suối..., nhưng bù lại nhà vệ sinh hay dịch vụ ăn uống phải bảo đảm vệ sinh...
Ông Dương Minh Bình, Công ty Tư vấn dịch vụ và phát triển du lịch CBT (thành phố Hồ Chí Minh), đơn vị tư vấn xây dựng hoạt động mô hình homestay của ông Đinh Văn Như tại Hòa Bắc nhìn nhận, các dự án du lịch cộng đồng muốn phát triển thì cần phải xây dựng được sản phẩm, kết nối với các đơn vị lữ hành để đưa khách đến; đồng thời phải làm tốt công tác marketing, quảng bá rộng rãi để du khách biết tới thì mới có thể duy trì hoạt động lâu dài. Bên cạnh đó, cần có sự quan tâm hơn nữa của chính quyền, đơn vị, sở, ngành chức năng để mô hình phát triển bền vững, ổn định.
Ngoài những mô hình du lịch cộng đồng đã đưa vào hoạt động như của ông Đinh Văn Như, mới đây, UBND thành phố vừa ban hành hai đề án Phát triển du lịch cộng đồng Mân Thái - Thọ Quang và Đề án phát triển du lịch cộng đồng Nam Ô để bổ sung thêm các sản phẩm du lịch cho thành phố.
Theo ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố, việc hình thành và đưa vào các mô hình du lịch cộng đồng sinh thái là những sản phẩm mới, đóng góp vào sự phát triển chung của du lịch Đà Nẵng. Để những mô hình này hoạt động hiệu quả, thời gian tới, Sở Du lịch cũng sẽ kết hợp với UBND huyện Hòa Vang tăng cường quảng bá về sản phẩm để du khách biết đến và trải nghiệm.
HÀ KHUÊ