Phát triển du lịch gắn với thương mại, dịch vụ - Bài cuối: Phối hợp đồng bộ, mang lại hiệu quả cao

.

Sự phối hợp giữa du lịch và thương mại thành công hay không nhờ vào sự đầu tư, chuẩn bị chu đáo của hai ngành, trong đó mỗi ngành phải có cách làm hay, hiệu quả và quan trọng là cùng hỗ trợ đồng bộ nhằm tạo ra các chương trình, sản phẩm hấp dẫn phục vụ du khách.  

Mua sắm không thể thiếu trong lịch trình của khách du lịch khi đến Đà Nẵng.  Trong ảnh: Du khách mua sắm tại chợ đêm Sơn Trà. Ảnh: THU HÀ
Mua sắm không thể thiếu trong lịch trình của khách du lịch khi đến Đà Nẵng. TRONG ẢNH: Du khách mua sắm tại chợ đêm Sơn Trà. Ảnh: THU HÀ

Nhiều hoạt động phối hợp, xúc tiến

Thời gian qua, Sở Du lịch và Sở Công Thương đã chủ động liên kết, tích cực phối hợp triển khai hiệu quả nhiều hoạt động, sự kiện quan trọng của thành phố nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm và đẩy mạnh hoạt động du lịch, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Cụ thể, hai ngành phối hợp trong công tác tổ chức Hội chợ quốc tế Thương mại, Du lịch và Đầu tư Hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC) hằng năm; Hội chợ du lịch quốc tế VITM Đà Nẵng 2022; phát động sự kiện “Tuần lễ khuyến mại kích cầu mua sắm Đà Nẵng 2022” (2 đợt); vận động các doanh nghiệp tham gia chương trình Tháng khuyến mại tập trung quốc gia năm 2022 và Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam 2022 - Online Friday...

Cùng với đó, hai ngành tham mưu UBND thành phố ban hành Quyết định số 1708/QĐ-UBND ngày 24-6-2022 phê duyệt Đề án “Nghiên cứu đề xuất hình thành một số chợ điểm phục vụ du lịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”. Sở Công Thương đã hoàn thành việc nâng cấp, cải tạo một số hạng mục chợ Hàn và đưa vào sử dụng trong tháng 3-2023, tạo điểm nhấn là chợ điểm du lịch của thành phố; triển khai mô hình thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ trực thuộc sở và nhân rộng mô hình này tại các chợ trên địa bàn thành phố, tạo phương thức thanh toán nhanh chóng, thuận tiện, cho du khách khi đến Đà Nẵng.

Sở Công Thương tiếp tục đẩy mạnh việc hỗ trợ các đơn vị, cơ sở sản xuất sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch trên địa bàn thành phố tham gia chính sách khuyến công và phát triển sản xuất sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch theo quy định tại Nghị quyết số 324/2020/NQ-HĐND ngày 9-12-2020 của HĐND thành phố.

Qua đó, khuyến khích doanh nghiệp phát triển các sản phẩm nổi bật của thành phố đến du khách trong nước và quốc tế; nghiên cứu tổ chức cuộc thi thiết kế sản phẩm lưu niệm, quà tặng để từ đó có thể thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất hàng loạt, số lượng lớn sản phẩm mang thương hiệu Đà Nẵng.

Để nâng cao chất lượng dịch vụ, hai ngành du lịch - công thương đã phối hợp tổ chức các lớp tập huấn về văn minh thương mại, an toàn thực phẩm, công tác quản lý chợ, bảo vệ môi trường, kỹ năng ứng xử phục vụ khách du lịch… nâng cao nhận thức của từng tiểu thương với ý thức mỗi người bán là một “đại sứ văn hóa”, là người đại diện cho thành phố trong mắt du khách.

Ông Võ Văn Anh, Chủ tịch Hội Hướng dẫn viên du lịch Đà Nẵng, cho rằng đã đến lúc thành phố cần nghiên cứu, kêu gọi đầu tư, có các trung tâm thương mại mua sắm lớn, bổ sung thêm các sản phẩm là quà tặng đặc trưng của Đà Nẵng.

Sau dịch bệnh, nhu cầu, thị hiếu của du khách có nhiều thay đổi, vì thế cần nghiên cứu để sản xuất các mặt hàng phù hợp với thị hiếu của du khách.

Có thể hướng tới các sản phẩm du lịch chất lượng cao như định hướng của thành phố; tạo ra chuỗi giá trị gia tăng về sản phẩm thương mại, lưu niệm, vui chơi, giải trí, ăn uống...

Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Xuân Bình, cần có sự phối hợp nghiên cứu, cơ cấu lại các sản phẩm phục vụ cho khách du lịch dựa trên hai yếu tố gồm: phát huy được yếu tố mang tính văn hóa của thành phố thông qua các sản phẩm du lịch; nghiên cứu tìm ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu theo hướng chất lượng cao, dịch vụ tốt.

Bên cạnh đó, cần phát huy được các sản phẩm quà tặng chất lượng cao, gắn với các biểu tượng mang tính biểu trưng của thành phố; thu hút các thương hiệu quốc tế lớn về thời trang, túi xách sản xuất tại Đà Nẵng; thu hút được các nhà đầu tư lớn xây dựng các trung tâm thương mại; có các dòng sản phẩm cao cấp để phục vụ đa dạng các thị trường khách.

Xây dựng hạ tầng thương mại đồng bộ

Ngoài 2 chợ trung tâm thành phố gồm chợ Hàn và chợ Cồn, ven bờ sông Hàn, nhất là khu vực bờ đông, tập trung nhiều chợ truyền thống như chợ Bắc Mỹ An, chợ An Hải Đông, chợ An Hải Bắc, chợ Hà Thân… Tại các chợ này, người dân và du khách có thể trải nghiệm lối sống, sinh hoạt và mua sắm sản phẩm đặc thù địa phương và miền Trung, giao lưu mua sắm với tiểu thương trong chợ; thưởng thức ẩm thực, mua hàng thủ công mỹ nghệ…

Ở phía tây, chợ Túy Loan là chợ truyền thống thuộc khu vực trung tâm của huyện Hòa Vang có vị trí thuận lợi khi nằm trên tuyến đường có thể kết hợp với một số điểm du lịch dọc sông Túy Loan, lễ hội đình làng Túy Loan, làng nghề bánh tráng Túy Loan... Vì vậy, thời gian đến, Sở Du lịch tiếp tục phối hợp Sở Công Thương triển khai hiệu quả các chương trình mua sắm, khuyến mãi; nâng cao chất lượng sản phẩm, văn minh thương mại, an toàn thực phẩm… bảo đảm phục vụ du khách trong nước và quốc tế.

Giám đốc Sở Công Thương Lê Thị Kim Phương cho biết, thành phố xác định mục tiêu đến năm 2030, xây dựng thành phố trở thành một trong những trung tâm thương mại của đất nước; phát triển ngành thương mại thành phố theo hướng hiện đại, tăng trưởng nhanh và bền vững; đưa mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại trở thành kênh bán buôn, bán lẻ hàng hóa chủ yếu tại khu vực đô thị.

Trong định hướng phát triển du lịch gắn với chợ truyền thống, ngành công thương thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ hình thành hệ thống chợ điểm phục vụ du lịch hiện đại mang bản sắc riêng của đô thị phát triển ở Việt Nam, bảo đảm cung cấp hàng hóa dịch vụ dân sinh và sản phẩm du lịch đặc thù; đóng góp để Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm thương mại, du lịch của đất nước; góp phần thúc đẩy thương mại và nhất là du lịch thực sự trở thành ngành mũi nhọn, có đóng góp cao trong cơ cấu GRDP của thành phố.

Cụ thể, đến năm 2030 hình thành hệ thống chợ điểm phục vụ du lịch với 11 chợ được lựa chọn, tập trung chủ yếu ở khu vực ven sông Hàn và bờ đông (ven biển Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn). Đầu tư chợ Hàn, chợ Cồn, chợ Bắc Mỹ An và chợ An Hải Bắc... bảo đảm thỏa mãn các tiêu chí của chợ điểm phục vụ du lịch; thực hiện chức năng chợ dân sinh và điểm phục vụ du lịch theo hướng hiện đại.

Bên cạnh chợ truyền thống, hệ thống hạ tầng thương mại được đầu tư đồng bộ, hiện đại với 8 trung tâm thương mại, 71 siêu thị tổng hợp, siêu thị chuyên doanh, hơn 400 cửa hàng tiện lợi, tự chọn, 9.300 cửa hàng, quầy hàng bán lẻ, hộ kinh doanh độc lập, 10 tuyến phố chuyên doanh và 1 trung tâm hội chợ triển lãm mang tầm khu vực, quốc gia và quốc tế.

Với sự phối hợp đồng bộ của hai ngành du lịch và công thương chắc chắn sẽ tạo ra những lợi thế nhất định cho mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương trong thời gian tới.

Theo số liệu của Cục Thống kê thành phố, dịch vụ là điểm sáng và động lực tăng trưởng kinh tế trong những năm trở lại đây. Tỷ trọng giá trị tăng thêm của khu vực dịch vụ trong GRDP tăng dần qua các năm: năm 2018 chiếm 63,7% trong toàn bộ GRDP, năm 2019 chiếm 64,6%, năm 2020 chiếm 66,1%, năm 2021 chiếm 66,8%, năm 2022 chiếm 68,4%. Hằng năm, lượng khách du lịch đến Đà Nẵng đều tăng cao, cao điểm như năm 2019, thành phố đón 8,6 triệu lượt, trong đó, khách quốc tế ước đạt 3,5 triệu lượt. Do đó, ngoài phục vụ đời sống người dân trên địa bàn thành phố, thì nhu cầu thị trường thương mại - dịch vụ dành cho khách du lịch rất lớn. Vì vậy, thành phố cần tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh các mặt tiền lớn buôn bán phục vụ khách du lịch; quan tâm đầu tư các khu mua sắm miễn thuế dành cho khách.

THU HÀ - QUỲNH TRANG

;
;
.
.
.
.
.