Du lịch Đà Nẵng

DIỄN ĐÀN: ĐÀ NẴNG LÀM GÌ ĐỂ TRỞ THÀNH NƠI ĐÁNG ĐẾN VÀ ĐÁNG SỐNG?

Để Đà Nẵng là nơi đáng đến

05:55, 02/05/2023 (GMT+7)

Với 3,5 triệu du khách quốc tế đến Đà Nẵng trong năm 2019 (năm ngay trước đại dịch Covid-19), Đà Nẵng là điểm đến du lịch quốc tế lớn thứ ba và điểm đến du lịch biển lớn nhất Việt Nam.

Cầu Vàng Đà Nẵng là điểm tham quan hấp dẫn du khách khi đến thành phố Đà Nẵng xinh đẹp. Ảnh: P.V
Cầu Vàng Đà Nẵng là điểm tham quan hấp dẫn du khách khi đến thành phố Đà Nẵng xinh đẹp. Ảnh: P.V

Với diện tích bằng một nửa Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng là thành phố có sông, núi, biển với cảnh quan thiên nhiên rất đẹp và hấp dẫn đối với du khách. Hiếm có thành phố nào ở nước ta có hệ sinh thái du lịch đa dạng như Đà Nẵng. Đà Nẵng lại còn nằm giữa ba di sản văn hóa thế giới là cố đô Huế, phố cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn, với khoảng cách du khách có thể đi về trong ngày. Để phát triển kinh tế du lịch, hiếm có địa phương nào ở nước ta có những điều kiện thuận lợi như Đà Nẵng.

Trong những năm gần đây, Đà Nẵng quan tâm phát triển rất mạnh hạ tầng du lịch. Khu nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Peninsula Resort không chỉ nổi tiếng ở trong nước, mà còn 4 lần được Hiệp hội Du lịch quốc tế WTA vinh danh là khu nghỉ dưỡng sang trọng nhất thế giới, năm 2017 được chọn làm nơi tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC, đồng thời là điểm đến quen thuộc của giới tỷ phú trên thế giới.

Hàng chục thương hiệu khách sạn nổi tiếng thế giới có mặt dọc bờ biển rất dài và đẹp của Đà Nẵng, cùng với những sân golf đẳng cấp thế giới. Khu du lịch Sun World Ba Na Hills cũng được WTA vinh danh là khu du lịch biểu tượng hàng đầu thế giới, với Cầu Vàng từng làm khuynh đảo truyền thông quốc tế ngay từ khi ra mắt và có sức hút du lịch rất mạnh. Công viên suối nước nóng núi Thần Tài, Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng cũng là những điểm nhấn ấn tượng đối với du khách nội địa và quốc tế.

Đà Nẵng cũng bắt đầu quan tâm đến du lịch MICE (du lịch hội họp, hội nghị, triển lãm). Từ đầu năm 2022 đến nay, thành phố đã đón hơn 70 đoàn MICE với tổng số hơn 35.000 khách tham gia. Con số 35.000 khách MICE mà Đà Nẵng đã đón được chưa nhiều, nhưng là tín hiệu tích cực cho việc đầu tư phát triển phân thị khách du lịch có thu nhập cao này trong chiến lược du lịch của thành phố. Nhiều sự kiện, lễ hội lớn đã được tổ chức như Diễn đàn Phát triển đường bay châu Á (Routes 2022), Lễ hội du lịch golf Đà Nẵng, Carnival đường phố...

Tuy nhiên, nhìn vào cấu trúc du khách quốc tế đến Đà Nẵng, tỷ trọng du khách là khách chi tiêu cao còn rất nhỏ. Du khách quốc tế đến Đà Nẵng phổ biến vẫn là các phân thị bình dân. Hai thị trường nguồn lớn nhất là Hàn Quốc và Trung Quốc, chiếm tới 70% tổng du khách quốc tế, tiếp đến là ba thị trường Thái Lan, Nhật Bản và Mỹ (chiếm khoảng 15%).

Để khai thác tốt các thế mạnh của du lịch Đà Nẵng, nâng tầm điểm đến và tăng doanh thu bình quân của du khách quốc tế, chiến lược phát triển du lịch Đà Nẵng cần hướng tới các thị trường khách hạng sang, chi tiêu cao. Đây không phải là mục tiêu của riêng du lịch Đà Nẵng, mà của du lịch Việt Nam nói chung, nhưng Đà Nẵng có nhiều điều kiện thuận lợi để hiện thực hóa hơn các địa phương khác.

Để biến Đà Nẵng thành điểm đến của thị trường khách hạng sang, Đà Nẵng cần đặt ra và giải quyết (hoặc thúc đẩy giải quyết) một số vấn đề quan trọng như sau:

Thứ nhất, cần đầu tư một số hạng mục hạ tầng du lịch cao cấp như bến du thuyền đẳng cấp quốc tế; mở rộng sân bay Đà Nẵng, với nhà ga hành khách mới hiện đại, nhà ga VIP và sân đỗ dành cho các máy bay phản lực tư nhân, trực thăng. Cần có giải pháp để ở Đà Nẵng nói riêng, Việt Nam nói chung sớm có trực thăng du lịch cao cấp, trực thăng y tế vì đây là các dịch vụ mà đối tượng khách hạng sang quốc tế muốn có ở các điểm đến du lịch của họ.

Thứ hai, phát triển mạnh kinh tế đêm, chủ yếu là các hoạt động phục vụ du lịch, phát triển nhiều không gian du lịch có thể hoạt động 24/24. Quy hoạch, đầu tư một quần thể vui chơi giải trí, thương mại và dịch vụ cao cấp (có thể xây trên đất liền hoặc đất lấn biển như quần thể Marina Bay Sands ở Singapore). Phát triển các dịch vụ du lịch dọc theo hai bờ sông Hàn theo cách tiếp cận mọi không gian giáp nước phải là công cộng, không có rào chắn. Sông Hàn nên có đường đi bộ (riverwalk) dài hàng km với nhiều cây xanh dọc hai bờ sông.

Thứ ba, ở tầm dịch vụ, cần thiết kế và tiếp thị nhiều dịch vụ phục vụ giới tỷ phú quốc tế như đám cưới, sinh nhật VIP, VVIP, các bữa tiệc cao cấp với các đầu bếp hạng sao Michelin.

Thứ tư, về cải tạo môi trường đô thị, Đà Nẵng cần phát triển mạnh giao thông công cộng theo hướng giao thông xanh với xe buýt điện, taxi điện, thậm chí cả tàu điện (tram) thay cho mô hình giao thông lộn xộn hiện tại vừa phản cảm vừa gây ô nhiễm do quá nhiều xe cá nhân (ô-tô, xe máy). Một địa phương gần Đà Nằng đang thúc đẩy theo hướng này là Huế, Đà Nẵng rất nên đồng hành.

Thứ năm, kiến nghị Chính phủ cải thiện đáng kể chính sách visa du lịch. Visa là nút thắt đầu tiên và lớn nhất ở nước ta đối với việc thu hút du khách quốc tế. Thái Lan miễn visa du lịch cho 64 nước, Singapore cho 157 nước. Thời hạn miễn visa của Thái Lan trước đại dịch Covid-19 phổ biến là 30 ngày, nay tăng lên 45 ngày. Việt Nam chỉ miễn visa cho 25 nước và thời hạn miễn chỉ 15 ngày, là mức miễn visa du lịch quá thấp để chúng ta có thể cạnh tranh thu hút du khách quốc tế so với các điểm đến khác như Thái Lan, Singapore.

Rất khó thu hút được du khách hạng sang đến Việt Nam bằng nếu họ phải xin visa trong khi họ có thể dễ dàng bay đến nhiều nước khác bất kỳ lúc nào, không cần visa. Vấn đề không phải ở khoản phí visa, mà ở thủ tục xin visa khó chịu đối với họ, những người vốn được nhiều điểm đến du lịch mời chào. Cần cải thiện online Visa, Visa-On-Arrival cả về các điều kiện áp dụng và nền tảng công nghệ. Người viết bài này từng đến một gia đình tỷ phú ở Mỹ để giới thiệu tour du lịch cao cấp, nhưng chỉ mỗi yếu tố visa đã đủ để họ lắc đầu, vô hiệu hóa mọi thứ hay ho nhất chúng ta có ở Việt Nam dành cho họ.

Một “quốc gia - thành phố” nhỏ như Singapore, có diện tích khoảng 2/3 Đà Nẵng, điều kiện tự nhiên không đa dạng bằng, nhưng có số lượng du khách quốc tế nhiều hơn cả nước Việt Nam (năm 2019 Singapore đạt hơn 19 triệu khách quốc tế, so với 18 triệu khách vào Việt Nam) và có doanh thu du lịch quốc tế cao hơn cả nước Việt Nam. Đó là điều chúng ta cần trăn trở và hành động.

TS. LƯƠNG HOÀI NAM
Thành viên Hội đồng tư vấn du lịch (TAB)

.