Du lịch Đà Nẵng

Vì một thành phố an toàn và thân thiện trong mắt du khách

09:12, 09/06/2023 (GMT+7)

Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch thành phố và Trung tâm Hỗ trợ du khách Đà Nẵng thuộc Sở Du lịch là hai đơn vị luôn đồng hành cùng du khách trong hành trình khám phá và trải nghiệm ở thành phố bên sông Hàn. Trong đó, đội cứu hộ là những “người lặng thầm” với công việc nguy hiểm nhưng đầy ý nghĩa - bảo vệ tính mạng con người; đồng thời là lực lượng “tư vấn nhiệt tình, hỗ trợ hết mình” cho du khách.

Hỗ trợ tìm lại hộ chiếu cho khách Hàn Quốc. Ảnh: T.L
Hỗ trợ tìm lại hộ chiếu cho khách Hàn Quốc. Ảnh: T.L

Đội cứu hộ biển áo vàng

Dù là mùa đông rét buốt hay mùa hè nắng nóng, đội cứu nạn biển vẫn dõi mắt theo từng con sóng, tập trung tinh thần ứng cứu kịp thời người bị nạn khi có sự cố đuối nước xảy ra. Anh Lê Hữu Huy, Đội phó Đội cứu hộ (Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch thành phố) cho hay, 4 giờ 30 phút sáng mỗi ngày là bắt đầu ca làm việc buổi sáng của các nhân viên trong đội cứu nạn tại các bãi tắm du lịch biển.

Ngay khi hội ý nhanh với các tổ trưởng, đội trưởng, các nhân viên cứu hộ bắt đầu nhận nhiệm vụ dọc các bãi biển Đà Nẵng. Mỗi người một khu vực, nhưng cùng chung một trách nhiệm là không để sự cố đáng tiếc nào xảy ra với người dân, du khách khi tắm biển.

Đội cứu hộ tại các bãi tắm du lịch biển hiện có 94 người, chia làm 19 tổ công tác thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn khách tắm biển, bảo đảm an toàn cho người dân và khách tắm biển trong phạm vi quản lý trải dài hơn 30km dọc hai tuyến đường ven biển Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa và Nguyễn Tất Thành.

Từ năm 2018 đến nay, đơn vị đã ứng cứu an toàn hơn 374 trường hợp; mới đây, lực lượng cứu hộ biển Đà Nẵng cứu sống kịp thời một du khách nước ngoài bị đuối nước khi tắm và bơi vào khu vực có cắm bảng cảnh báo nguy hiểm, cấm tắm.

Do sóng to, vị khách này bị sóng cuốn trôi nhưng may mắn được nhân viên cứu hộ Phạm Minh Ngọc, Tổ cứu hộ tại lối xuống biển khu vực Hồ Xuân Hương, phát hiện, dùng phao cứu du khách vào bờ an toàn. Cùng với đó trong đội cứu hộ có nhiều đội viên đã dũng cảm, cứu khách du lịch bị sự cố đuối nước.

Anh Nguyễn Tấn Tài, Tổ trưởng tổ cứu hộ số 5 cho biết, anh không nhớ bản thân và các đồng nghiệp đã cứu được bao nhiêu người qua lằn ranh sinh-tử, nhưng anh quan niệm: mình làm nghề cứu hộ biển là bảo vệ, lo cho sinh mạng của con người. Biển Đà Nẵng là biển du lịch, các nhân viên ở đây cũng như một hướng dẫn viên du lịch nên phải thật sự yêu nghề mới “trụ” lại đến giờ.

Còn theo anh Lê Ta, Tổ trưởng tổ cứu hộ số 19, nhân viên cứu hộ phải có đủ sức khỏe, kỹ năng xử lý tình huống và không thể chậm trễ khi phát hiện có người đuối nước, luôn trong tư thế sẵn sàng xuống biển. Chưa kể, làm nghề cứu nạn còn phải am hiểu vùng biển, quản lý để không cho khách tắm ở khu vực nước sâu, mỗi khi nhìn thấy các dấu hiệu nguy hiểm là phải nhận thức được sớm.

Người cứu hộ biển theo dõi vùng xoáy dòng chảy hằng ngày, ứng trực, cắm cờ, cảnh báo khu vực nguy hiểm cho du khách cũng như luôn giữ tâm thế sẵn sàng, mắt bao quát và không một phút lơ là. Đối với cứu nạn bãi biển, chỉ có 4 phút vàng để cứu người, nếu người đuối nước không được đưa lên bờ cấp cứu kịp sẽ bị chết não, dễ tử vong.

Theo anh Phạm Minh Ngọc, tổ viên lối xuống biển Hồ Xuân Hương, ngoài kỹ năng cứu hộ, phản ứng nhanh và bơi giỏi, thì nhân viên cứu hộ phải thật bình tĩnh xử lý tình huống khi tiếp cận người bị nạn để bảo đảm an toàn tính mạng của mình và cứu được người bị nạn...

Hỗ trợ du khách trong mọi tình huống

Được thành lập vào tháng 2-2013, Trung tâm Hỗ trợ du khách Đà Nẵng trực tiếp vận hành, quản lý, tư vấn, cung cấp thông tin du lịch miễn phí và hỗ trợ xử lý tình huống khẩn cấp đối với du khách tại thành phố Đà Nẵng.

Thời gian qua, trung tâm đã hỗ trợ rất nhiều du khách không tìm được khách sạn lưu trú, bị lạc đường, bỏ quên tài sản, thất lạc giấy tờ, gặp tai nạn, gia hạn visa, hỗ trợ phiên dịch cho khách trong một số tình huống... Trong trường hợp khẩn cấp, các chuyên viên có mặt ngay để kịp thời giúp đỡ du khách và bất kỳ thời điểm nào trong ngày, du khách đều có thể liên hệ với Tổ phản ứng nhanh về du lịch...

Gần 10 năm gắn bó với Trung tâm Hỗ trợ du khách, chị Lê Thị Ái Chung đã gặp không biết bao nhiêu tình huống khách đến Đà Nẵng không tìm được khách sạn lưu trú, đi lạc đường, bị mất tài sản... cần giúp đỡ. Mỗi lần nghe thông tin cần hỗ trợ, chị cùng các đồng nghiệp của trung tâm luôn sẵn sàng xử lý các tình huống nhằm hỗ trợ tốt nhất cho khách.

“Trong 10 năm công tác, tôi và đồng nghiệp đã hỗ trợ và xử lý nhiều trường hợp liên quan đến khách du lịch. Những góp ý về chất lượng trải nghiệm, những dòng tâm sự, lời cảm ơn của du khách chính là nguồn khích lệ cho chúng tôi tiếp tục công việc mang lại một môi trường du lịch Đà Nẵng thân thiện, mến khách”, chị Chung cho biết. 5 tháng đầu năm 2023, trung tâm đã phối hợp xử lý hành vi thô lỗ của đối tượng bán hàng rong; hỗ trợ tìm lại túi đồ của du khách; hỗ trợ trao trả hộ chiếu cho khách Hàn Quốc; hỗ trợ khách tìm lại điện thoại bỏ quên trên xe công nghệ...

Chị Huỳnh Thị Thiên Nga, phụ trách Trung tâm Hỗ trợ du khách, chia sẻ: “Đà Nẵng là thành phố du lịch nên chúng tôi mong muốn du khách giữ ấn tượng tốt đẹp về một thành phố thân thiện, an toàn và mến khách. Trung tâm thật sự là người bạn đồng hành của du khách nên luôn cố gắng hỗ trợ du khách các vấn đề khó khăn trong chuyến du lịch.

Đối với các trường hợp du khách bị nạn, các chuyên viên trung tâm đến tận nơi để hỗ trợ, thăm hỏi động viên và phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý kịp các tình huống khẩn cấp của du khách. Trải qua gần 10 năm hoạt động, trung tâm đã và đang trở thành địa điểm được du khách trong nước, quốc tế tin tưởng và đánh giá cao...

THÀNH LÂN

.