Sự kiện - Lễ hội

Lễ hội đình làng Hải Châu: Hội làng giữa phố

14:48, 05/04/2014 (GMT+7)

ĐNĐT - Đình Hải Châu là một trong những ngôi đình có không gian hài hòa, quy mô lớn, kiến trúc đẹp ở Đà Nẵng hiện nay. Gắn với đình Hải Châu là lễ hội đình làng Hải Châu được tổ chức vào ngày 10-3 âm lịch hằng năm với nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc.

Lễ chánh tế - nghi lễ truyền thống tại đình làng Hải Châu năm 2013. (Ảnh tư liệu ĐNĐT)
Lễ chánh tế - nghi lễ truyền thống tại đình làng Hải Châu năm 2013. (Ảnh tư liệu ĐNĐT)

Thăng trầm đình làng

Đình làng Hải Châu nằm trong khuôn viên rộng 3.500m2 tại kiệt 48/46 đường Phan Châu Trinh (phường Hải Châu 1, quận Hải Châu) trong quần thể các di tích của làng Hải Châu, gồm: Nhà thờ Tiền hiền, nhà thờ các chư phái tộc và Miếu Bà. Giữa lòng thành phố Đà Nẵng hiện đại, đình làng Hải Châu đối nghịch với không gian cổ kính, tọa lạc sừng sững với thời gian, nhắc nhở con cháu hôm nay nhớ đến quá khứ của những ngày đầu lập làng, lập ấp.

Đình Hải Châu hiện là một trong những ngôi đình có kiến trúc đẹp, không gian cổ kính, hài hòa của thành phố. Trước mặt đình là hồ nước hình chữ nhật, giữa hồ có cây cổ thụ lớn. Qua một khoảng sân rộng là đến những công trình chính của đình bao gồm nhà tiền đường, hai dãy nhà hành lang nối liền phía sau đến nhà chính diện. Kiểu nhà tiền đường một gian hai chái. Chính điện theo lối ba gian hai chái. Vật liệu chính được sử dụng là gỗ, mái lợp âm dương, tường xây gạch. Trên cổng Tam Quan vẫn còn ghi rõ tên “Hải Châu Chánh Xã” bằng chữ Hán.

Theo tìm hiểu lịch sử của đình làng được lưu giữ tại phường Hải Châu 1, đình làng Hải Châu được lập đầu tiên vào năm Gia Long thứ 5 (1806) để thờ Thành Hoàng làng và các vị Tiền hiền, Hậu hiền của làng tại khu đất Nghĩa Lợi bên bờ sông Hàn.

Đình làng Hải Châu năm 1950
Đình làng Hải Châu năm 1950

Đến năm 1858, do chiến tranh tàn phá, đình bị hư hại nặng. Nhân dân đã xin xây dựng lại đình tại khu đất nay thuộc trường Cao đẳng Y tế thành phố (số 99 Hùng Vương, quận Hải Châu), lúc đó là vào năm 1860.

Đến năm 1903, do nạn dịch đậu mùa, người Pháp đã sử dụng đình làng làm trạm y tế để khám chữa bệnh. Tuy 1 năm sau đó, người Pháp đã trả lại đình nhưng nhân dân Hải Châu cho rằng ngôi đình đã bị ô uế nên làm đơn thỉnh nguyện lên vua Thành Thái, xin cho phép xây dựng đình Hải Châu ở một nơi khác (ngay tại vị trí hiện nay, thuộc phường Hải Châu 1, quận Hải Châu). Lần xây dựng lần này được xem là hoàn thiện nhất (ngày nay vẫn giữ được nguyên bản) gồm đình làng, nhà thờ Tiền hiền, nhà thờ 43 Chư phái tộc, Miếu Bà, cổng Tam Quan và một hồ sen.

Vì có một ý nghĩa quan trọng trong lịch sử như vậy, vào năm 2001, đình làng Hải Châu đã được công nhận là di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia. Để bảo tồn, phát huy và tôn vinh những giá trị của đình làng Hải Châu, đầu năm 2002, thành phố đã cho trùng tu khu di tích và đến năm 2005 thì chính thức hoàn thành.

Hiện nay, đình làng Hải Châu còn lưu giữ rất nhiều hiện vật, hoành phi, liễn đối bằng chữ Hán, được sơn son thiếp vàng, có niên đại hàng mấy trăm năm, có giá trị văn hóa, lịch sử cao. Những hiện vật còn lại là những tư liệu quý, minh chứng lịch sử cho những nhà nghiên cứu, nhân dân và du khách hiểu thêm về lịch sử, văn hóa của địa phương.

Đậm tính dân gian

Sau hơn 30 năm vắng bóng, thăng trầm cùng đình làng, lễ hội đình làng Hải Châu chính thức được khôi phục vào năm 2009 tại đình làng Hải Châu (quận Hải Châu).

Bắt đầu từ năm 2009, lễ hội đình làng Hải Châu được diễn ra thường niên vào ngày 10-3 âm lịch (trùng với ngày Giỗ tổ Vua Hùng) nhằm nhắc nhở cho con cháu ở xa hướng về Đất tổ.

Đến nay, lễ hội đình làng Hải Châu đã tổ chức được 6 lần. Năm 2009, lễ hội này do UBND quận Hải Châu trực tiếp đứng ra tổ chức với mong muốn nhắc nhở người dân Hải Châu nói riêng và thành phố Đà Nẵng nói chung trở về với cội nguồn, khắc ghi dấu ấn lịch sử của cha ông, góp phần tích cực giáo dục lòng tri ân, truyền thống “uống nước nhớ nguồn”; đồng thời, kỳ vọng cao hơn là đưa lễ hội đình làng Hải Châu trở thành một sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc của thành phố.

Các bô lão của phường Hải Châu 1 đang thảo luận chương trình cho lễ hội sắp đến.
Các bô lão của phường Hải Châu 1 đang thảo luận chương trình cho lễ hội sắp đến.

Sau lần đầu tiên tổ chức thành công vào năm 2009, đến nay, UBND quận Hải Châu đã giao lại cho phường Hải Châu 1 tổ chức với ý nghĩa của lễ hội không đổi.

Lễ hội diễn ra gồm có 2 phần chính là phần lễ và phần hội.

Phần lễ diễn ra trang nghiêm với lễ vọng và lễ chánh tế. Lễ vọng là lễ cúng cô hồn. Lễ chánh tế là lễ cúng Thành Hoàng, các vị Tiền hiền, Hậu hiền của làng. Đội hình chánh bái, bồi bái do các lão cao niên của phường Hải Châu 1 đứng ra thực hiện. Ngoài ra, còn có đội hình học trò gia lễ do Đoàn thanh niên phường thực hiện.

Về phần hội thì diễn ra với nhiều hoạt động sôi nổi, hào hứng, đậm đà bản sắc dân tộc, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao như múa lân; thả chim bồ câu; liên hoan nghệ thuật quần chúng. Ngoài ra, trong phần hội còn diễn ra thi đấu các môn thể thao dân tộc như thi kéo co, đẩy gậy, nhảy bao bố, cờ tướng…

Năm nay, để thêm phần phong phú, thu hút nhiều người dân tham gia hơn, ban tổ chức lễ hội đã thêm vào chương trình nhiều tiết mục hấp dẫn như: Hội thi hát ru do Trung tâm Văn hóa nghệ thuật và Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Hải Châu đảm trách; trò chơi dân gian Trạng nguyên do Đoàn thanh niên phường Hải Châu 1 tổ chức. Hai hoạt động mới này hứa hẹn sẽ là những tiết mục ấn tượng, thu hút sự chú ý của đông đảo người dân tham gia lễ hội.

Các hoạt động trong phần hội hầu hết khai thác tính dân gian truyền thống, hướng đến một lễ hội dân gian đặc sắc bởi đây là dịp những người con quê hương tụ hội và đón những người con xa xứ trở về; là ngọn lửa toả sáng hồn quê, soi cho muôn lớp cháu con hôm nay và mai sau biết trân trọng, gìn giữ bản sắc, cùng một lòng dốc sức xây dựng quê hương.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà (Phó Chủ tịch UBND phường Hải Châu 1, đại diện Ban tổ chức lễ hội đình làng Hải Châu) cho rằng, để lễ hội đình làng Hải Châu trở thành một sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc của thành phố, nhất thiết phải xã hội hóa lễ hội, có như vậy, ban tổ chức mới có đủ kinh phí để làm nên một lễ hội phong phú, đặc sắc hơn. “Chúng tôi mong muốn hướng đến một lễ hội văn minh, trang nghiêm, tiết kiệm nhưng cao hơn hết là lễ hội sẽ là sự chung tay của cộng đồng để nó ngày càng được biết đến rộng rãi hơn, trở thành một điểm du lịch văn hóa tâm linh của thành phố”.

Lễ hội đình làng Hải Châu truyền thống hằng năm là dịp để tôn vinh vẻ đẹp của làng quê Việt với biểu tượng đặc trưng chính là đình làng, nơi thờ phụng Thành Hoàng làng, thờ những người có công khai hoang lập ấp, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần, thể hiện nét văn hóa độc đáo, hướng về cội nguồn tổ tiên của người dân Hải Châu nói riêng, người dân Đà Nẵng nói chung.

Bài và ảnh: Quỳnh Trang

.