Chào mừng Sự kiện "Ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ năm 2017"

Đổi mới công nghệ - nâng tầm cuộc sống

.

Sự kiện “Ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ (ĐMCN) năm 2017” được tổ chức tại Đà Nẵng từ ngày 22 đến 24-11 với chủ đề “Đổi mới công nghệ - Nâng tầm cuộc sống”. Sự kiện do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), UBND thành phố Đà Nẵng phối hợp thực hiện.

Đổi mới công nghệ là chìa khóa giúp doanh nghiệp phát triển. Trong ảnh: Áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất công-tơ điện tử tại Xưởng Sản xuất thiết bị đo điện tử, Điện lực miền Trung.
Đổi mới công nghệ là chìa khóa giúp doanh nghiệp phát triển. Trong ảnh: Áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất công-tơ điện tử tại Xưởng Sản xuất thiết bị đo điện tử, Điện lực miền Trung.

Xung quanh sự kiện này, ông Trần Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở KH&CN thành phố Đà Nẵng cho biết:
- “Ứng dụng, chuyển giao và ĐMCN” là sự kiện thường niên nhằm kết nối ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến áp dụng vào sản xuất, đời sống của doanh nghiệp (DN); đồng thời, tăng cường giao lưu, hợp tác về KH&CN giữa các tỉnh, thành phố Nam Trung bộ - Tây Nguyên với các nước. Sự kiện này còn là cơ hội để các DN giao lưu, giới thiệu, trình diễn công nghệ, sản phẩm đặc trưng của vùng, qua đó giúp DN có ý thức ĐMCN, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh.

Sự kiện diễn ra sau khi Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 vừa kết thúc nên sẽ góp phần thực hiện một trong 4 ưu tiên chính của Năm APEC 2017, đó là nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa Việt Nam trong kỷ nguyên số; cung cấp thông tin công nghệ, chuyển giao công nghệ cho DN có nhu cầu và phục vụ hoạt động hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng công nghệ và ĐMCN trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.

Để tổ chức thành công sự kiện, thời gian qua, Sở KH&CN đã thường xuyên tham mưu kịp thời cho UBND thành phố; phối hợp với các sở, ngành, địa phương và Bộ KH&CN chuẩn bị chu đáo về mọi mặt. Sở KH&CN hy vọng thông qua sự kiện lần này, các DN trên toàn vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên sẽ cùng chia sẻ kiến thức, cơ hội về công nghệ để cùng nhau phát triển, đóng góp cho sự phát triển chung của vùng.

* Hỗ trợ ĐMCN là một trong những giải pháp thiết thực giúp DN nâng cao năng suất, chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Thời gian qua, thành phố Đà Nẵng đã có những giải pháp, việc làm cụ thể gì nhằm hỗ trợ, khuyến khích, thúc đẩy ĐMCN tại các DN?

- Nhận thức được tầm quan trọng của ĐMCN đối với DN, Sở KH&CN đã chủ động tham mưu UBND các chính sách thiết thực nhằm hỗ trợ DN quan tâm hơn đến ĐMCN, làm chủ công nghệ mới, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, cụ thể như Quyết định số 36/2016/QĐ-UBND ngày 8-11-2016 ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ DN đổi mới công nghệ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, thành lập Quỹ Phát triển KH&CN và dự án “Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa của DN nhỏ và vừa đến năm 2020”. Thông qua 3 chính sách này, thành phố đã hỗ trợ được hơn 35 DN ĐMCN với tổng kinh phí hơn 2,3 tỷ đồng.

Ngoài ra, Sở KH&CN cũng vừa khảo sát công nghệ cho hơn 600 DN trên 11 lĩnh vực khác nhau để có cái nhìn toàn diện và cụ thể về trình độ công nghệ, năng lực ĐMCN của các DN. Từ những dữ liệu thu thập được, Sở sẽ phân tích, lập bản đồ công nghệ cũng như nghiên cứu, tham mưu cho UBND thành phố ban hành các chính sách thiết thực với nhu cầu ĐMCN, nâng cao năng suất, chất lượng của DN.

* Để hỗ trợ DN ĐMCN, nâng cao tiềm lực công nghệ, theo ông, chính quyền địa phương, các sở, ngành cần làm gì trong thời gian tới?

- Theo tôi, việc cần thiết nhất bây giờ là phải đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, mô hình DN KHCN, các ưu đãi của DN KHCN để các DN trên địa bàn thành phố biết. Tiếp đến, tập trung các nguồn lực để hỗ trợ DN nghiên cứu KHCN, giải mã công nghệ. Ngoài ra, để hỗ trợ DN ĐMCN, nâng cao tiềm lực công nghệ, thành phố cũng cần khuyến khích DN thành lập Quỹ Phát triển KH&CN của DN (quỹ sẽ không bị đánh thuế) nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, chế tạo, thử nghiệm, giải mã DN, từ đó các DN có thể tự nâng cao tiềm lực công nghệ cho chính DN mình và đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình hỗ trợ DN ĐMCN trên địa bàn; bổ sung, vận dụng các cơ chế, chính sách khuyến khích hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

* Muốn hỗ trợ công nghệ cho DN hiệu quả, ngoài sự nỗ lực của địa phương, rất cần sự liên kết các Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN các tỉnh, thành phố. Thực tế, việc liên kết này thời gian qua đã được thực hiện ra sao? Theo ông, thời gian đến việc liên kết vùng cần hướng đến những lĩnh vực cụ thể nào?

- Việc liên kết giữa các Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN là không thể thiếu. Mặc dù các Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN các tỉnh, thành phố đã liên kết trong một số công tác nghiên cứu, nhưng mới chỉ dừng lại ở các tỉnh lân cận. Vì vậy, trong khuôn khổ Sự kiện “Ứng dụng, chuyển giao và ĐMCN” lần này, Sở KH&CN của 13 tỉnh, thành phố sẽ ký kết với nhau “Biên bản thỏa thuận hợp tác, liên kết hoạt động quản lý và phát triển KH&CN giữa các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên giai đoạn 2017-2019”.

Thông qua biên bản thỏa thuận này, các sở, các Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN cam kết chia sẻ thông tin KH&CN; hỗ trợ, quảng bá các sản phẩm mới, công nghệ mới của vùng; tăng cường công tác chuyển giao công nghệ giữa các địa phương trong vùng nhằm tiết kiệm chi phí và thời gian tìm kiếm các công nghệ tiên tiến; cùng hợp tác phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, ươm tạo DN KH&CN.

Ngoài các hoạt động chuyên ngành, các Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN toàn quốc còn tham gia các hội nghị, tập huấn, tọa đàm..., qua đó góp phần gắn kết hoạt động của các trung tâm và như là bước khởi đầu cho kế hoạch triển khai việc hợp tác vùng.

* Xin cảm ơn ông!

18 doanh nghiệp tham gia trình diễn, kết nối cung - cầu công nghệ

Trong chuỗi sự kiện “Ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ” có diễn ra hoạt động “Trình diễn và kết nối cung cầu công nghệ”. Theo đó, có khoảng 100 gian hàng được trình diễn đến từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tại Đà Nẵng, có 18 doanh nghiệp tham gia, gồm:

- Công ty CP Cơ khí Hà Giang - Phước Tường với máy uốn cong thép định hình trục đứng cỡ lớn

- Công ty CP Chế tạo máy và thiết bị công nghiệp miền Trung với máy rửa thùng rác tự động

- Công ty CP Công nghệ QCM với máy rửa công cụ, dụng cụ tự động

- Công ty TNHH MTV Đồ hộp Hạ Long Đà Nẵng với sản phẩm cá hộp các loại và dây chuyền sản xuất cá hộp

- Trung tâm Sản xuất thiết bị đo điện tử - Điện lực miền Trung với công-tơ điện tử, các giải pháp thu thập chỉ số tự động từ xa và hệ thống năng lượng mặt trời

- Trường Đại học Duy Tân với máy bán nước, snack tự động và hệ thống máy in/photocopy/scan tự phục vụ, tự trả tiền

- Công ty TNHH MTV Healthy Fungi với kỹ thuật sản xuất giống nấm lỏng, kỹ thuật xử lý mùn cưa trồng nấm bằng vi sinh vật

- Khoa Sinh - Môi trường, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) với nhóm sản phẩm ứng dụng vi tảo, sản phẩm nấm và sản phẩm nuôi cấy mô cây dược liệu

- Chi nhánh Công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông với các loại nguồn sáng, thiết bị chiếu sáng, hệ thống và giải pháp chiếu sáng

- Công ty CP Đầu tư và phát triển năng lượng mặt trời Bách Khoa miền Trung với các thiết bị về năng lượng tái tạo

- Công ty CP Dược Danapha với các sản phẩm về thuốc

- Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Minh Thịnh Lợi với sản phẩm khuôn đúc nhựa, các sản phẩm nhựa và các linh kiện gia công cơ khí chính xác

- Tổng Công ty Sông Thu với mô hình tàu tuần tra đa năng DN2000, tàu lai dắt kéo cảng ASD 2411, tàu dịch vụ và cung ứng thuyền viên FCS 5009, tàu tuần tra Spa 4207, tàu đo đạc biển HSV

- Công ty TNHH Công nghệ DC với công nghệ kiểm tra vàng, không khí

- Công ty TNHH Thiết bị và chuyển giao công nghệ với công nghệ đo lường

- Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ và sản xuất Huỳnh Đức với các sản phẩm cơ khí

- Công ty CP Sông Ba

- Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và Chuyển giao công nghệ; Trung tâm Thông tin KH&CN; Trung tâm Công nghệ sinh học (Sở KH&CN Đà Nẵng)

ĐAN TÂM

THANH TÌNH thực hiện

;
.
.
.
.
.