Mẫu cánh máy bay mới được lắp ghép giống như bộ xếp hình, có thể thay hình đổi dạng trong lúc bay để đạt hiệu quả tối ưu.
Nhóm nghiên cứu từ Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) thử nghiệm thiết kế cánh máy bay mới trong đường hầm gió của NASA và thu được kết quả tốt hơn mong đợi, theo thạc sỹ Benjamin Jenett ở MIT, một trong những người phát triển mẫu cánh. Thiết kế cánh biến hình rất nhẹ và linh hoạt, có thể điều chỉnh hình dáng giữa chuyến bay tùy theo nhu cầu của phi công.
Cánh máy bay truyền thống được làm từ kim loại và vật liệu tổng hợp nên khá nặng. Phần cánh cũng bao gồm những bộ phận chuyển động như cánh tà và cánh liệng. Mẫu cánh mới cấu tạo từ hàng nghìn thanh giằng nhỏ hình tam giác, mỗi thanh bao gồm nhiều mảnh polymer lớn cỡ que diêm. Nhóm nghiên cứu sản xuất các thanh giằng từ nhựa polyethylene đổ vào khuôn. Mạng thanh giằng sau đó được lắp ráp thủ công thành bộ cánh dài 5 m, tương đương cánh máy bay một chỗ ngồi.
Bộ cánh giống mạng lưới này phủ một lớp polymer mỏng và có mật độ chỉ 5,6 kg/m3. Nhưng độ nhẹ không phải ưu điểm duy nhất của thiết kế cánh mới. Thông qua bố trí các bộ phận cả cứng và dẻo ở mạng lưới, nhóm nghiên cứu tạo ra bộ cánh thay đổi hình dạng tùy theo áp suất xung quanh. Thay vì nâng cánh tà hoặc dịch chuyển cánh liệng, phi công chỉ cần điều khiển máy bay và phần cánh sẽ tự động biến hình. Thiết kế được công bố trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Smart Materials and Structures hôm 1-4.
Theo Vnexpress