Tiêu dùng 'xanh' qua mạng

.

Xu hướng chia sẻ hàng hóa dôi dư, không có nhu cầu sử dụng giữa các cá nhân, gia đình đang xuất hiện qua mạng xã hội (MXH) và các ứng dụng di động. Phương thức giao dịch này rất hữu ích vì giúp cho người có nhu cầu, đồng thời giảm thiểu rác thải, bảo vệ môi trường.

Sau một năm hoạt động, nhóm cộng đồng Freecycle Đà Nẵng đã có hơn 1.300 thành viên.
Sau một năm hoạt động, nhóm cộng đồng Freecycle Đà Nẵng đã có hơn 1.300 thành viên.

Truy cập trang Facebook của nhóm “Freecycle Đà Nẵng - Nơi cho tặng đồ miễn phí”, có thể thấy hàng trăm bài đăng với nội dung chia sẻ đồ dùng đã qua sử dụng. Một tài khoản cá nhân có tên Dung Thu đăng đoạn viết: “Mình có một số sách tiếng Anh không dùng nữa. Bạn nào cần thì lấy nhé” kèm theo tấm ảnh chụp 6 quyển sách cũ. Chỉ vài giờ sau, bộ sách đã về tay chủ mới.

“Freecycle Đà Nẵng” là một trong những kênh giúp người dùng trao đổi những món đồ vẫn còn tốt, hoặc tìm kiếm những vật dụng cần thiết mà vẫn tiết kiệm chi phí tối đa. Những vật dụng được đem tặng đa số là đồ đã qua sử dụng. Những người có nhu cầu chỉ cần nhắn tin, hẹn địa điểm nhận đồ mà không phải trả khoản chi phí nào.

Không chỉ phục vụ nhu cầu tiêu dùng cá nhân, trang Facebook này còn là nơi quyên góp áo quần, sách vở cũ và chất lượng để phục vụ cộng đồng. Chị Đặng Như Tú, cư trú ở đường Lê Hữu Trác, quận Sơn Trà cho biết, từ lâu chị đã có ý tưởng mở thư viện mini miễn phí tại nhà.

“Sau thời gian quyên góp, thư viện đã có hơn 500 đầu sách nhưng vẫn khá khiêm tốn. Thấy trong nhóm “Freecycle Đà Nẵng” có nhiều bạn thường tặng sách cho những ai thực sự yêu thích việc đọc, tôi bèn lên hỏi. Sau khi tôi đăng bài, nhiều bạn đã đến tặng sách cho thư viện, hoặc nhắn tin báo địa điểm cho tôi đến nhận sách”, chị Tú nói.

Freecycle Đà Nẵng là “chi nhánh” của cộng đồng Freecycle Việt Nam. Anh Nam Phong, trú đường Trần Hưng Đạo, quận Sơn Trà, người thành lập nhóm cho biết, anh theo dõi các hoạt động của Freecycle Việt Nam đã lâu và thấy đây là ý tưởng hay, phù hợp với nhu cầu của nhiều người. Làm nghề kinh doanh nhà nghỉ, anh thường xuyên nhận được quần áo, giày dép, khăn, mũ, ba lô… do khách du lịch để lại, chất lượng vẫn còn rất tốt.

Anh muốn gửi tặng những người cần các đồ dùng này theo cách thuận tiện nhất. Thời gian đầu, nhiều người chưa hiểu cách Freecycle Đà Nẵng hoạt động, cho rằng muốn thực hiện dự án như vậy cần tốn mặt bằng thu gom đồ đạc, nhân sự, chi phí… Song trên thực tế, Freecycle Đà Nẵng chỉ là một nền tảng trực tuyến, tại đó người dùng tự tương tác, trao đổi đồ với nhau. Nhờ sự thuận tiện này mà số lượng người tham gia cộng đồng chia sẻ đồ đạc tại Đà Nẵng ngày càng lớn.

Không chỉ thông qua MXH Facebook, phong trào tiêu dùng “xanh” - cho và nhận đồ cũ, giảm thiểu mua sắm, tăng tái chế còn được thúc đẩy bởi các ứng dụng di động. Tháng 2-2019, nhóm kỹ sư tại Công ty TNHH Phần mềm công nghệ cao Sioux Đà Nẵng đã cho ra mắt ứng dụng “cho và nhận”, hoạt động trên cả 2 hệ điều hành Android và iOS. Khi sử dụng ứng dụng này, người dùng chỉ cần đăng tải hình ảnh và miêu tả về vật phẩm muốn cho, người cần sử dụng chính sẽ gửi lời đề nghị nhận vật phẩm, người cho sẽ quyết định gửi vật đến người nhận phù hợp.

“Cho và nhận” là một ứng dụng miễn phí, phục vụ cho lợi ích cộng đồng tại Đà Nẵng. Theo các kỹ sư của Công ty Sioux, trong tương lai, ứng dụng này sẽ tạo ra không gian trực tuyến để tổ chức các chương trình từ thiện, chuyển tặng những món quà đến người có hoàn cảnh khó khăn, từ đó thúc đẩy nhận thức, xây dựng xã hội nhân văn.

Việc cho và nhận đồ cũ đang là xu hướng tiêu dùng “xanh” ngày càng phổ biến ở Đà Nẵng. Anh Phạm Hồng Kiên, cựu sinh viên Trường Đại học Melbourne - Úc là người sáng lập Freecycle Việt Nam cho biết, cách tiêu dùng này khác với việc làm từ thiện ở chỗ mỗi món đồ sẽ được chuyển từ nơi nó không còn có ích nữa đến nơi nó có thể phát huy tác dụng, tránh tình trạng đồ đạc lưu cữu vô ích rồi hỏng hóc theo thời gian. Về lâu dài, lối sống này có thể giúp giảm rác thải ra môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và tránh lãng phí chung cho xã hội.

“Khi tặng món đồ không dùng nữa cho người cần, bạn có thể sẽ cảm thấy sự thoải mái tinh thần, niềm vui nhỏ”, anh Kiên nói.

Bài và ảnh: PHONG LAN

;
;
.
.
.
.
.